Một tháng trước khi Thế chiến II nổ ra, nhà bác học Einstein đã góp phần đưa nước Mỹ tham gia vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và thay đổi tiến trình lịch sử.

1 Cach Day 80 Nam Einstein Gui Thu De Nghi San Xuat Bom Nguyen Tu

Ảnh trái: Nhà bác học Albert Einstein; ảnh phải: một vụ nổ nguyên tử ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp (Ảnh: Getty Images).

Albert Einstein là nhà vật lý học nổi tiếng, người gốc Đức. Khi Đức quốc xã nổi lên nắm quyền, ông đã chạy trốn sang Mỹ.

Ông biết rằng các nhà khoa học Đức đã phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân, một quá trình phân tách hạt nhân nguyên tử để giải phóng năng lượng.

Bức thư của ông, đề ngày 2/8/1939, cảnh báo Tổng thống Roosevelt rằng "những quả bom cực mạnh thuộc loại mới" có thể được tạo ra nhờ khám phá này, và chúng có khả năng phá hủy toàn bộ các cảng và vùng lân cận.

Bức thư của ông đã thúc giục Tổng thống Roosevelt tăng tốc nghiên cứu uranium ở Mỹ. Nhưng sau này chính Einstein gọi bức thư của mình là "một sai lầm lớn".

Người đọc bức thư đó cho Tổng thống Roosevelt tên là Alexander Sachs. Tổng thống Mỹ nói "Anh Alex, rồi đây anh sẽ thấy Đức quốc xã không thể đánh bại chúng ta", và ông Sachs đáp lời: "Chính xác là như vậy".

Sau đó, Tổng thống Mỹ gọi thư ký của mình vào và nói rằng "việc này cần được thực hiện".

2 Cach Day 80 Nam Einstein Gui Thu De Nghi San Xuat Bom Nguyen Tu

Bức thư mà nhà bác học Einstein gửi Tổng thống Roosevelt (Ảnh: Atomic Heritage Foundation).

Einstein là người Do Thái. Ông viết bức thư đó là do được nhà vật lý học gốc Hungary Leo Szilard động viên. Ông Szilard tin rằng Đức sẽ dùng công nghệ mới khám phá này để chế tạo vũ khí.

Szilard và hai nhà vật lý học người Hungary là Edward Teller và Eugene Wigner, vốn là người tỵ nạn, đã nói với Einstein về mối quan ngại sâu sắc của họ. Szilard đã viết bức thư đó, nhưng Einstein là người ký tên, vì họ cho rằng ông có uy tín nhất để gửi thư cho Tổng thống.

Bà Cynthia Kelly - Chủ tịch Quỹ Di sản Nguyên tử - cho biết mặc dù khám phá nổi tiếng của Einstein về việc năng lượng và khối lượng là những dạng khác nhau của cùng một thứ, đã tạo tiền đề cho phát minh về bom nguyên tử, nhưng chắc chắn ông không hề nghĩ rằng lý thuyết của ông sẽ là một thứ vũ khí.

Và Einstein chưa từng đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cách khai thác năng lượng mạnh mẽ đó. Ông từng nói "tôi không coi mình là cha đẻ của việc giải phóng năng lượng nguyên tử. Vai trò của tôi trong đó rất gián tiếp".

3 Cach Day 80 Nam Einstein Gui Thu De Nghi San Xuat Bom Nguyen Tu

Einstein và Leo Szilard diễn lại cảnh họ ký bức thư gửi cho Tổng thống Roosevelt để cảnh báo rằng Đức có thể đang chế tạo bom nguyên tử (Ảnh: Getty Images).

Bức thư của ông đã có tác động rất lớn. Tổng thống Roosevelt đã thành lập Ủy ban Cố vấn về Uranium vào tháng 10/1939, chỉ vài tuần sau khi nhận được bức thư của ông. Vào thời điểm đó, Chiến tranh thế giới thứ II đã nổ ra, mặc dù Mỹ chưa trực tiếp tham gia.

Ủy ban Cố vấn về Uranium sau đó đã được chuyển thành Dự án Manhattan, một ủy ban bí mật của Mỹ đã chế tạo những quả bom nguyên tử sau này được thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào năm 1945, làm chết khoảng 200.000 người.

Chỉ ít ngày sau khi bị ném hai quả bom đó, Nhật Bản chính thức đầu hàng quân Đồng Minh, và Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.

Đức quốc xã không bao giờ chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và dường như họ chưa từng thực sự nỗ lực làm việc đó.

4 Cach Day 80 Nam Einstein Gui Thu De Nghi San Xuat Bom Nguyen Tu

Quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản, để lại đống đổ nát kinh hoàng (Ảnh: AP).

Einstein không tham gia vào việc chế tạo bom nguyên tử. Ông không được phép làm việc cho Dự án Manhattan vì lý do an ninh. Ông vừa là người Đức vừa được biết đến như một nhà hoạt động chính trị cánh tả.

Nhưng khi nghe tin quả bom đã được thả xuống Nhật Bản, ông đã nói "khốn nạn cho tôi". Sau này ông nói rằng "nếu tôi biết người Đức sẽ không thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử thì tôi đã chẳng làm gì liên quan đến quả bom đó cả". Ông cũng cho rằng "chúng ta đang hướng đến một thảm họa chưa từng có".

Trong một bức thư của ông gửi cho một người bạn Nhật, ông viết: "Tôi luôn lên án việc sử dụng bom nguyên tử chống lại Nhật Bản nhưng tôi đã không thể làm gì để ngăn chặn quyết định định mệnh đó".

Bức thư của Einstein có tầm quan trọng lớn đến mức nhà tài phiệt Warren Buffett từng nói với sinh viên Trường đại học Columbia, Mỹ, vào năm 2017 rằng: "Các bạn hãy nghĩ về điều này, rằng chúng ta đang ngồi đây, một phần là nhờ hai người Do Thái nhập cư đã ký một bức thư vào tháng 8/1939 có lẽ là bức thư quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ."




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC