Pháp Long bào được cho của vua Bảo Đại được gõ búa với mức 450.000 Euro, dù vậy, gây tranh cãi về nguồn gốc.

Trong phiên đấu giá tối 7/12 (giờ Hà Nội), cổ vật được gõ búa mức giá 450.000 Euro (khoảng 11,7 tỷ đồng). Sau khi thêm thuế, phí, tổng số tiền người mua phải trả khoảng 590.000 Euro (khoảng 15,4 tỷ đồng).

Mức giá này thấp hơn kỳ vọng của hãng Delon - Hoebanx (Pháp). Ban đầu, họ để giá khởi điểm là 500.000 Euro nhưng không ai trả cao hơn. Nhà đấu sau đó hạ xuống 450.000 Euro, có người đã mua. Trong thông tin gửi riêng cho những người đăng ký đấu giá, hãng ước tính áo dao động khoảng 500.000 Euro đến 600.000 Euro.

Trước đó, long bào được rao trên trang web của Delon - Hoebanx. Trong khi nhiều món cùng lô được niêm yết giá khoảng 2.000-4.000 Euro, hãng không công khai giá của long bào, ghi chú "liên hệ để biết thêm chi tiết". Trong catalogue giới thiệu, chỉ riêng long bào được dịch thông tin ra tiếng Việt.

Hãng chú thích áo có nguồn gốc từ một bộ sưu tập cá nhân, là lễ phục Bảo Đại mặc trong lễ đăng quang năm 1926. Áo có tay rộng bằng lụa màu vàng, lót lụa màu cam, được thêu bằng chỉ vàng và chỉ nhiều màu. Hai bên áo thắt đai, ở giữa thêu hình rồng nằm giữa những đám mây và chữ "Thọ". Nhà đấu giá giới thiệu hình ảnh rồng gắn với văn hóa Việt, tượng trưng cho mưa thuận gió hòa, đồng thời đại diện cho vua - người được coi là "thiên tử" (con của trời). Các chi tiết còn lại trên áo cũng ngụ ý về sự trường thọ, may mắn, quyền lực.

1 Long Bao Duoc Cho La Cua Vua Bao Dai Ban Gia 450000 Euro

Ảnh chiếc long bào được cho là của vua Bảo Đại, được giới thiệu dài 145 cm, rộng 240 cm. Ảnh: Delon - Hoebanx

Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng chưa thể khẳng định nguồn gốc, xuất xứ của long bào. Một số người nhận định áo có thể không phải của vua Bảo Đại. Chuyên sưu tập và nghiên cứu mỹ thuật triều Nguyễn, nhà sưu tập La Quốc Bảo, 26 tuổi, cho biết nếu xét theo quy chế lễ phục cung đình được nêu trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, áo giao lãnh (cổ chéo) màu vàng chánh sắc (chánh hoàng sắc) được dành cho vua khi dự thường triều. Còn lễ đăng quang của hoàng đế triều Nguyễn phải dùng đại triều bào cổ viên lãnh (cổ tròn).

Những hình ảnh nhà đấu giá đính kèm trong catalogue cũng cho thấy vua Bảo Đại mặc áo cổ tròn. Thậm chí, các hình này là chân dung ông sau khi đi học ở Pháp về Việt Nam, chứ không phải hình vua trong lễ đăng quang năm 1926. "Vì vậy, thông tin đây là áo vua Bảo Đại mặc trong lễ đăng quang như nhà đấu giá cung cấp chưa thuyết phục", La Quốc Bảo nói.

2 Long Bao Duoc Cho La Cua Vua Bao Dai Ban Gia 450000 Euro

Hình vua Bảo Đại diện long bào trong catalogue của nhà đấu giá Pháp. Ảnh: Delon - Hoebanx

La Quốc Bảo và đối tác của anh là Đức Nicolas, một chuyên gia mỹ thuật Việt Nam sống ở Paris (Pháp) còn phát hiện một chiếc áo giống hệt từng được lưu trữ tại Bảo tàng Khải Định (tên cũ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), và chủ nhân chính là vua Đồng Khánh. Tạp chí Extreme-Asie ngày 1/5/1929 đã đính kèm bài viết từ giám tuyển của bảo tàng, lúc bấy giờ là ông Jean Henri Peyssonnaux (1888-1937), cùng hình chiếc áo làm minh họa.

3 Long Bao Duoc Cho La Cua Vua Bao Dai Ban Gia 450000 Euro

Hình ảnh long bào của vua Đồng Khánh từng được trưng bày ở Bảo tàng Khải Định, đăng trên Tạp chí Extreme-Asie. Ảnh: Tư liệu La Quốc Bảo cung cấp.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, người từng phục dựng nhiều trang phục, cổ vật triều Nguyễn, cho rằng cổ vật thuộc về vua Khải Định.

Ông cho biết khoảng năm 1997, chiếc áo từng được một người Việt sống ở Mỹ mua, nay lại xuất hiện trên sàn đấu giá Pháp. Lúc đó, ông thấy áo thêu lối mây lam tròn của các lò thêu ở Nam Ninh (Trung Quốc) chứ không phải mây ngũ sắc của triều Nguyễn, và trên áo có đến 13 con rồng thay vì chín con như thông lệ. Ngoài ra, cổ áo màu vàng chứ không phải màu bạch tuyết (trắng tinh), nên tưởng đó là áo có nguồn gốc Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi so sánh áo đấu giá ở Pháp với long bào trong ảnh vua Khải Định mặc, ông thấy hai chiếc giống nhau nhiều tiểu tiết, trong đó có vị trí thêu các chữ "thọ". Điểm khác biệt là áo trong ảnh cổ tròn (áo bản lĩnh) còn áo đấu giá cổ chéo (áo giao lĩnh). Áo giao lĩnh thường được mặc trong lễ Nam Giao (tế trời đất).

"Nếu đúng thì áo đấu giá này rất quý, bởi đó là áo vua mặc trong lễ Nam Giao. Loại áo này ít được thấy vì thường mặc bên trong. Bên ngoài, vua thường khoác áo ô sa. Hiện một chiếc ô sa được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế", ông Bách cho biết.

Ngoài ra, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lưu giữ mãng bào của Hoàng tử Chánh Mông (sau này là vua Đồng Khánh), có lối thêu tương tự chiếc áo được đấu giá. Mãng bào này từng được Giáo sư Trần Đức Anh Sơn phục chế.

4 Long Bao Duoc Cho La Cua Vua Bao Dai Ban Gia 450000 Euro

Đại triều bào của vua Khải Định (trái) và áo long trấn tại triển lãm "Tinh hoa nghề dệt, thêu truyền thống ở Nghệ An" năm 2018 (phải), sử dụng cùng một bản rập thêu. Ảnh: Tư liệu La Quốc Bảo cung cấp

La Quốc Bảo cũng nhận định áo có thể từ thời vua Khải Định hoặc Đồng Khánh. Nhà sưu tập cho rằng chiếc áo trên sàn đấu Pháp và áo long trấn đang ở Bảo tàng Nghệ An là cảm tác từ mãng bào giữa thế kỷ 19 của nhà Thanh. La Quốc Bảo sở hữu một chiếc mãng bào của Cáo mệnh phu nhân (dành cho vợ quan lại), với phong cách tương tự.

"Giả thuyết của tôi là triều đình Huế khoảng thời Đồng Khánh đã mua được một cuộn vải xưa chưa cắt may từ Trung Quốc, cho thợ thêu học theo rồi thêm thắt, phủ đầy các vị trí còn thiếu, ra được phom dáng chuẩn của triều Nguyễn nhưng cách thêu khá giống của triều Thanh, với phong cách sử dụng tơ se với tông vàng, xanh lam, xanh lục, có sắc lá mạ, cam sữa, thêu lối satin và sa hạt, hạn chế các hình viền kim tuyến, đối ngược phong cách thường thấy ở triều Nguyễn", La Quốc Bảo nói.

5 Long Bao Duoc Cho La Cua Vua Bao Dai Ban Gia 450000 Euro

Bản phục chế mãng bào của Hoàng tử Chánh Mông (sau này là vua Đồng Khánh). Ảnh: Tư liệu nhà nghiên cứu Trịnh Bách cung cấp

Một số nhà nghiên cứu lại nghiêng về giả thuyết áo là đồ giả. Ông Vũ Kim Lộc, người từng phục chế nhiều mũ quan triều Nguyễn, tư vấn cho phim cổ trang Phượng khấu, cho rằng nhiều món đồ giả cao cấp hiện được làm tinh vi, giống y như thật. "Nếu không sờ tận tay, nhìn tận mắt mà chỉ nhìn qua ảnh, không ai có thể đưa ra nhận định chính xác về món cổ vật này", ông Lộc nói. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, người từng xác minh ấn Hoàng đế chi bảo - có chung nhận định với ông Lộc.

Vua Bảo Đại (1913-1997) là hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Ông thoái vị năm 1945, dành thời gian cuối đời ở Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế tài sản của ông ở Pháp, bao gồm nhiều cổ vật cho vợ là bà Monique Baudot. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, năm ngoái những người thừa kế tài sản của bà mang nhiều món đồ đi đấu giá.

Việc hồi hương nhiều cổ vật gần đây nhận sự quan tâm của công chúng. Ngày 18/11, ấn vàng của vua Minh Mạng về Việt Nam sau một năm đàm phán, hoàn tất các thủ tục, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh). Doanh nhân Nguyễn Thế Hồng đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.

Hà Thu

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC