Giáo dục gia đình là nền móng khởi đầu của đời người, có tác dụng đối với cả một đời con người, và có ảnh hưởng sâu sắc hơn so với giáo dục ở nhà trường và xã hội. 

42 1 Nguoi Xua Giao Duc Con Cai Nhu The Nao

 

Nhưng nhìn vào hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay, có một số tồn tại lệch lạc, như:

– Coi trọng học tri thức mà coi nhẹ bồi dưỡng đạo đức, học để làm người – Coi trọng chăm sóc mà coi nhẹ tự lập – Coi trọng thuyết giáo mà coi nhẹ làm mẫu – Coi trọng quản lý mà coi nhẹ dẫn dắt tích cực

Giáo dục gia đình là giáo dục nhân sinh quan trọng, nhiều cha mẹ lại không hiểu được tầm quan trọng của nó, không coi trọng và có hành động thích đáng. Rất nhiều người nói ngay không phải nghĩ ngợi rằng: “Từ xưa đến nay cha mẹ quản lý giáo dục con đâu có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, muốn dạy thế nào thì dạy như thế”. Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống luôn luôn có truyền thống tốt đẹp coi trọng giáo dục gia đình.

42 2 Nguoi Xua Giao Duc Con Cai Nhu The Nao

Người xưa coi giáo dục con cái là chức trách quan trọng của đời người. (Ảnh: youtube.com)

Giáo dục gia đình xưa chú trọng giáo dục chí hướng

Người xưa có câu: “Người không gây dựng được chí hướng, thì không phải là người”.

Có thể thấy người xưa vô cùng chú trọng gây dựng chí hướng cao xa cho con cái, làm một người chính trực. Người xưa không những nhận ra tầm quan trọng của lập chí mà còn đề ra lập chí thế nào là tốt nhất.

Dương Kế Thịnh đời Minh nói: “Con người cần gây dựng chí hướng… Chúng ta quyết tâm gây dựng chí hướng làm người quân tử. Không câu nệ chấp vào việc có làm quan hay không, thì mọi người đều kính trọng chúng ta. Do đó chúng ta việc đầu tiên là phải gây dựng được chí hướng”.

Có thể thấy người xưa không quá coi trọng làm quan, mà chú trọng phải hiểu rõ đạo lý, đầu tiên phải làm một người quân tử chính trực.

Cách nhìn nhận “gây dựng chí hướng” gắn liền với “làm người” như thế này, là cách nhìn hiếm có và quý báu trong xã hội ngày hôm nay. Chúng ta thường thấy các cha mẹ muốn con cái phải như thế nào, như thế nào, sau này phải trở thành chuyên gia gì, quan chức gì, hay bậc thầy gì…

Tất nhiên xã hội cần các loại chuyên gia, các loại quan chức, các loại thầy, nhưng để xây dựng một xã hội hòa ái, an toàn, thì cần phải có những con người lòng ôm chí lớn, chính trực, hiểu rõ đạo lý làm người.

Người xưa giáo dục con cái coi trọng giáo dục cần kiệm chất phác, liêm khiết

Lấy cần kiệm làm gốc, yêu tiếc từng manh áo bát cơm, đó là một phần trong giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân sinh. Người xưa tôn sùng cần la, tiết kiệm, đơn giản, chất phác, cho rằng: “Xem cái thường tình của con người, từ tiết kiệm sang xa hoa rất dễ, mà từ xa hoa về tiết kiệm thì rất khó”.

Rất nhiều danh nhân xưa đã để lại các gia huấn. Họ đều hiểu rõ “Thành công bởi cần kiệm, thất bại bởi xa hoa”, coi đơn giản tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp trong cuộc đời.

Đạo lý này không có gì là thâm sâu huyền diệu, và cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng ngày nay, đại đa số các bậc cha mẹ đều không biết. Ngày nay, thường nghe thấy các cha mẹ nói câu này “Tiền không tiêu cho con cái thì để làm gì?”. Ngay cả những bậc cha mẹ đang chịu cực khổ, tiền nong chẳng có gì gọi là dư dật cũng nghĩ như vậy, cho rằng: “Chúng ta hồi nhỏ khổ cực nhiều rồi, để cho con cái hưởng phúc tiêu pha nhiều một chút cũng không có gì là quá đáng”.

Chính vì có suy nghĩ như thế dẫn đến thực tế giáo dục gia đình của họ có rất nhiều người thất bại. Rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay vung phí tiền bạc, quần áo mới mặc vài lần vất đi, làm giẻ lau, đồ ăn thừa thãi đổ đi, nhiều đồ còn chưa động đũa cũng đã đổ đi.

Ngược lại, những người khi còn nhỏ được tiếp thu giáo dục truyền thống thì đều hiểu và thực hiện tốt: “Mỗi bát cơm bát cháo, nên nghĩ có được không dễ. Sợi tơ, mảnh vải, thường niệm vật lực gian nan”.

42 3 Nguoi Xua Giao Duc Con Cai Nhu The Nao

Ông cha ta có câu: “Thương cho roi cho vọt…”, người xưa rất kỵ nuông chiều con. (Ảnh: anhynghia.com)

Về phương pháp giáo dục con của người xưa, thì bức thư Gia Cát Lượng gửi con “Thư răn dạy con” là ngắn nhất mà lại chứa đầy đủ nhất tư tưởng giáo dục gia đình của người xưa:

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.

Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.

Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.

Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.

Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.

Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.

Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Nam Phương

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC