Một luồng quan điểm thịnh hành hiện nay là "cha mẹ phải trở thành người bạn của con", thay thế những quan điểm dạy con nghiêm khắc trước đây.

1 Cha Me Khong Nen Lam Ban Voi Con

Nhưng nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục trẻ em khẳng định làm bạn với con là việc không thể và không nên.

Hiệp hội Tâm lý Mỹ định nghĩa, về cốt lõi, tình bạn là sự bình đẳng. Một khi bạn đã là cha mẹ, bạn không thể bình đẳng với con, điều này khiến tình bạn không thực sự phù hợp với cha mẹ và con cái.

Francyne Zeltser, giám đốc của Manhattan Psychology Group cho biết, cha mẹ là bạn bè của con có thể sẽ có phong cách nuôi dạy dễ dãi hơn, họ sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng con mình hạnh phúc, thậm chí tránh xung đột bằng mọi giá. Họ có thể đáp ứng yêu cầu của con ngay cả khi không nhất thiết phải đồng ý.

Khi cha mẹ quá khoan dung với con, họ có nguy cơ không bao giờ dạy con mình chịu trách nhiệm và không giúp trẻ hiểu hành động của chúng sẽ gây ra hậu quả ra sao, theo Carrie Cole, giám đốc nghiên cứu của Viện Gottman (Mỹ).

Kenneth Ginsburg, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu quan hệ cha mẹ và con cái tuổi teen (Center for Parent and Teen Communication), cho rằng làm bạn với trẻ sẽ làm suy yếu quyền lực của cha mẹ, bởi trẻ có thể sợ làm bạn thất vọng, thậm chí tránh tìm đến cha mẹ để nhờ giúp đỡ vì chúng không muốn bị từ chối khi làm điều gì đó chúng cho là sai hoặc xấu.

Chuyên gia tin rằng, với cha mẹ, có thẩm quyền không có nghĩa là không yêu thương. Ông chỉ ra hai điểm quan trọng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái:

Nên đặt ra các quy tắc và kỳ vọng rõ ràng với trẻ thay vì xuề xòa với chúng.

Một điểm khác biệt quan trọng giữa tình bạn và cách nuôi dạy con cái là trong tình bạn, cả hai bên đều đồng ý về một bộ quy tắc bất thành văn. Trong khi đó, với quan hệ cha mẹ và con cái, các bậc phụ huynh đưa ra các nguyên tắc, kỳ vọng, kết hợp với việc lắng nghe trẻ để xây dựng một bộ quy tắc.

Cha mẹ có một số quyền hạn nhưng cũng cần hỗ trợ trẻ để chúng cảm thấy như chúng có tiếng nói, được tôn trọng. Ví dụ, thay vì cấm trẻ chơi game ngay khi đi học về, nên hỏi con sẽ làm bài tập vào giờ nào và thống nhất về thời gian biểu đó, sau đó cho trẻ chơi game trong khung giờ trống.

Cha mẹ cũng cần có ranh giới với con

Trong nỗ lực gắn kết con cái, một số cha mẹ có thể không đặt ra ranh giới hoặc củng cố các quy tắc vì sợ làm con mình khó chịu. Tuy nhiên, những khoảnh khắc thất vọng có thể là cơ hội học hỏi cho một đứa trẻ.

Việc thiết lập và tuân thủ các ranh giới có thể được thực hiện dễ dàng hơn bằng cách cha mẹ giải thích lý do tại sao đưa ra những quyết định như vậy. Kei Nomaguchi, giáo sư xã hội học tại ĐH Bang Bowling Green (Mỹ) nói rằng cha mẹ "luôn cần có một lý do rõ ràng".

Bà cho rằng ranh giới giúp trẻ duy trì một thói quen là điều chúng cần. "Trẻ em được trao quá nhiều quyền tự do hoàn toàn không tốt cho sinh hoạt gia đình cũng như các mối quan hệ gia đình", chuyên gia nói.

Thùy Linh (Theo VOX)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC