Tôi 37 tuổi, khám sức khỏe phát hiện sỏi trong túi mật, chưa có chỉ định điều trị. Nếu phải cắt túi mật thì có ảnh hưởng đến tiêu hóa sau này không? (Bích Thuận, Tây Ninh)

Trả lời:

Túi mật là cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ngay dưới gan, bên phải bụng, dưới sườn, là nơi dự trữ mật. Gan sản xuất dịch mật, đi qua đường dẫn mật (ống gan) đến ống mật chủ đổ xuống ruột để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Sỏi túi mật là tinh thể rắn hình thành do mất cân bằng giữa cholesterol và muối mật trong dịch mật.

Tùy vào kích thước, vị trí của sỏi mà triệu chứng ở mỗi người bệnh khác nhau. Trường hợp sỏi nhỏ dưới 0,4-0,6 cm không có triệu chứng và không gây hại sức khỏe, bác sĩ điều trị nội khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, với phương pháp này, người bệnh phải điều trị thời gian dài, tỷ lệ khỏi hoàn toàn thấp. Sỏi có khả năng tái phát nếu ngưng điều trị.

Một số trường hợp, sỏi có thể lọt xuống đường mật gây tắc ống mật chủ dẫn đến viêm đường mật, viêm tụy cấp.

1 Cat Tui Mat Co Anh Huong Den Suc Khoe

Bác sĩ Ngọc Bích tán sỏi cho một bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sỏi có kích thước 0,6-1 cm, biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Bác sĩ thường khuyến nghị phẫu thuật cho những trường hợp có sỏi lớn 1 cm, sỏi chiếm hơn 2/3 tổng thể tích của túi mật.

Sỏi lớn không được xử lý có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, nhiễm khuẩn đường mật. Lúc ngày, người bệnh thường có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi...

Trường hợp của chồng bạn đã phát hiện sỏi và xuất hiện triệu chứng, cần theo dõi và tái khám để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng. Nếu sỏi di chuyển vào đường mật phải phẫu thuật.

Phẫu thuật có thể bao gồm cắt túi mật bằng nội soi hoặc mổ hở, đồng thời thực hiện thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi, tán sỏi qua đường hầm kehr (ống dẫn lưu đường mật).

Sau cắt túi mật, vấn đề tiêu hóa của người bệnh không thay đổi. Người bệnh không cần uống thuốc hoặc dùng các thực phẩm thay thế khi không còn túi mật. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Bởi sau khi cắt túi mật, quá trình sản xuất mật vẫn diễn ra, thay vì chảy vào túi mật thì chảy trực tiếp từ gan qua đường mật vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) và duy trì chức năng hoạt động của nó.

BS.CKII Võ Ngọc BíchTrung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóaBệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC