Từ hy vọng bảo hiểm nhân thọ sẽ trở thành tấm khiên tài chính vững chắc, bảo vệ trước rủi ro về sức khỏe, tính mạng, diễn viên Ngọc Lan lại rơi vào cảnh hụt hẫng, ấm ức, cho rằng đã bị tư vấn mập mờ.

1 Bi Tu Van Map Mo Dien Vien Ngoc Lan Lo Phai Dong Phi Bao Hiem Toi 74 Nam

Mới đây diễn viên Ngọc Lan vừa phát trực tiếp (livestream) trên Facebook, ấm ức khóc nức nở, khẳng định đã bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Theo lời chia sẻ, vào ba năm trước, cô đã mua bảo hiểm cho mình và con trai, tổng mức phí 700 triệu đồng/năm. Do tin tưởng người tư vấn, nên cô đã ký hợp đồng, và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cộng gốc và lãi là 10 tỉ đồng (bao gồm 7 tỉ đồng tiền gốc và 3 tỉ đồng tiền lãi cộng thêm).

Tuy nhiên, mãi gần đây cô mới bàng hoàng biết thêm thông tin: nếu đóng đến năm thứ 10, thì số tiền có thể ít hơn 7 tỉ đồng tiền gốc, chứ không cao như tư vấn ban đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Ngọc Lan cho biết đã đóng tổng cộng ba năm (2,1 tỉ đồng), năm nay là năm thứ tư - nếu đóng tiếp thì số tiền nộp vào công ty bảo hiểm là 2,8 tỉ đồng.

"Cái mình bức xúc là tư vấn dụ dỗ mình mọi cách để ký và mình không đọc hợp đồng, nên con số sau 10 năm rút ra không đúng con số thỏa thuận, và phía công ty không chăm sóc một tí gì cả và bảo đây là quy định của công ty", cô chia sẻ thêm trên trang cá nhân.

Đáng chú ý, cho đến khi lên tận công ty bảo hiểm để làm rõ sự việc, khách hàng này vẫn chưa hiểu rõ về thời hạn hợp đồng và thời gian đóng phí bảo hiểm. Khiến cô nghĩ rằng bắt buộc phải đóng đến tận 74 năm. 

"Con số 74 năm của mình và 42 năm của Louis (con trai) khi mình hỏi thì phía công ty cũng ậm ờ không biết trả lời nên mình cũng chưa hiểu đoạn này, vì mình không phải dân rành bảo hiểm", cô chia sẻ thêm.

2 Bi Tu Van Map Mo Dien Vien Ngoc Lan Lo Phai Dong Phi Bao Hiem Toi 74 Nam

Diễn viên Ngọc Lan khóc nức nở liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ - Nguồn: Facebook

Ngoài ra, cô phản ảnh, hợp đồng bảo hiểm được thiết kế không đúng nhu cầu của bản thân. Ngoài sản phẩm chính còn có sản phẩm phụ - phí bị mất theo từng năm.

Được biết, lúc trước khách hàng này mua bảo hiểm nhân thọ của Aviva, nhưng sau vụ mua và sáp nhập, Aviva đã đổi tên thành MVI Life - trực thuộc Manulife.

Mặc dù vẫn cho rằng bảo hiểm nhân thọ là tốt, nhưng trải qua sự việc, khách hàng này khuyên mọi người cần đọc kỹ hợp đồng, tránh quá tin tưởng người tư vấn.

Tuổi Trẻ Online đã gửi thông tin sự việc và đang chờ Manulife phản hồi.

Cần chặn hành vi tư vấn sai lệch, bán bảo hiểm bằng mọi giá

Bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - chia sẻ:

"Thời gian qua không ít người dân bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, dẫn đến việc hiểu sai rằng chỉ cần đóng 5 hoặc 10 năm thì lấy lại được toàn bộ gốc và lãi. Việc tư vấn sai lệch không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng thị trường chung, khiến nhiều người có ác cảm với bảo hiểm, đánh mất cơ hội được bảo vệ".

Hiểu về bảo hiểm nhân thọ, bà Như cho biết để được công ty bảo hiểm bảo vệ, khách hàng phải chi trả cho các khoản phí như: phí ban đầu (ví dụ hợp đồng bảo hiểm đóng phí 100 triệu/năm, công ty bảo hiểm có thể thu từ khách hàng trong 5 năm đầu tiên từ 160 triệu đến 200 triệu), phí quản lý hợp đồng, phí rủi ro (tăng hằng năm theo độ tuổi, sức khỏe… của khách hàng)...

Vì vậy việc tư vấn tham gia bảo hiểm vừa bảo vệ vừa có lời, sau 5 hoặc 10 năm lấy lại toàn bộ gốc và lãi là chưa chính xác.

Ngoài ra, đối với hai dòng sản phẩm gồm là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị, thời gian hợp đồng - bảo vệ khách hàng lên đến hàng chục năm liền, có nơi bảo vệ đến 99 tuổi.

Tuy nhiên khách hàng được quyền tham gia 10 năm, rồi tất toán hợp đồng và rút tiền về. Nếu sau 10 năm, khách có nhu cầu tiếp tục tham gia bảo hiểm tiếp thì có thể duy trì đóng, chủ động quyết định trong kế hoạch bảo vệ của mình. Khách hàng hoàn toàn không bị ép buộc đóng cả đời.

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định có một thực trạng là nhiều khách hàng mua bảo hiểm vì quá tin tưởng người đại lý, chứ không phải do đã được tư vấn rõ ràng và hiểu biết về quyền lợi, các nguyên lý bảo hiểm.

Nếu tư vấn bảo hiểm là bảo hiểm thì rất khó chốt hợp đồng, nên xuất hiện trường hợp người đại lý mập mờ tư vấn bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư sinh lời cực cao, bỏ qua yếu tố rủi ro. Cần ngăn chặn việc tư vấn sai lệch, gây nhũng nhiễu đến thị trường bảo hiểm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC