Để thỏa giấc mơ "an cư lạc nghiệp", không ít người trẻ đã tìm đến các gói vay mua nhà. Thế nhưng phần lớn lại không biết cách đi vay cũng như cách tối ưu dòng tiền của mình.

Theo chuyên gia Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT, trả nợ một khoản vay thế chấp để mua nhà thường là quá trình kéo dài trong nhiều năm và kèm theo nhiều rủi ro cho người đi vay.

Có thể kể đến một số rủi ro như lãi suất tăng cao đáng kể so với dự định ban đầu, bị gián đoạn hoặc giảm thu nhập kéo dài, chi tiêu sinh hoạt tăng đột biến do các lý do cá nhân, tài sản bị mất thanh khoản do các yếu tố pháp lý nên khó xử lý khi cần bán để giảm áp lực về dòng tiền trả nợ vay,…

Có nhiều hơn một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định thời điểm phù hợp cho việc sử dụng đòn bẩy tài chính khi muốn mua một bất động sản, nó không chỉ là vấn đề thu nhập thế nào, cao hay thấp.

Người trẻ trước khi đi đến quyết định vay cũng cần phải đặt ra những câu hỏi như việc xây dựng và quản lý dòng tiền trong thời gian vay thế nào, loại hình và giá trị bất động sản muốn mua, liệu khi có những bất trắc xảy ra sẽ phải xoay sở ra sao,… Câu chuyện sẽ không đơn thuần là vay rồi mua mà còn rất nhiều khía cạnh khác.

1 Di Vay De Mua Nha Nguoi Tre Can Luu Y Nhung Gi

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT

Những sai lầm của người trẻ thường hay gặp phải khi bắt đầu tính đến việc mua ngôi nhà đầu tiên

Theo chuyên gia, sai lầm số một và phổ biến nhất, đó là chưa tìm hiểu về thị trường bất động sản và các thông tin về tín dụng tiêu dùng có tài sản đảm bảo.

Thứ hai là dự báo sai về các nhu cầu cuộc sống và khoảng cách di chuyển. Thứ ba là tâm lý quá an toàn, thậm chí là cầu toàn khi không sử dụng đòn bẩy tài chính một cách phù hợp và biết cách quản trị rủi ro.

Ở sai lầm thứ nhất, thông thường các bạn trẻ hay nhắm đến phân khúc căn hộ khi cân nhắc sở hữu ngôi nhà đầu tiên của mình. Điều này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như giá tốt, tiện ích chất lượng và vị trí gần nơi làm việc.

Tuy nhiên, các bạn nên biết rằng đối với căn hộ, sau 6 – 8 năm kể từ ngày bàn giao, dư địa tăng trưởng về giá của căn hộ là thấp đi rất nhiều, chỉ xoay quanh mức 3 – 5%/năm và sẽ tiếp tục giảm khi cũ hơn nữa.

Nếu không có căn hộ nào mới ở vị trí bạn muốn chọn, tốt nhất là cân nhắc phương án đi thuê. Dòng tiền của bạn vẫn có cơ hội phân bổ tài sản và kênh khác mang lại suất sinh lời tốt hơn nhiều.

Về phần các gia đình trẻ, nhóm này thông thường sẽ muốn sở hữu nhà liền thổ với giá rẻ. Tuy nhiên, đặc điểm của phân khúc này đó là vị trí sẽ khá xa trung tâm.

"Có một điểm mà các gia đình trẻ hoặc các bạn trẻ dưới 30 thường mắc phải đó là vì sự hưng phấn và tâm lý nôn nóng thể hiện mình có thể sở hữu nhà, để rồi đi đến quyết định chọn lựa các bất động sản quá tầm với. Như ở các gia đình trẻ thì sai lầm thường thấy đó là vội vã chọn các bất động sản liền thổ xa trung tâm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của cả bản thân tôi và từ hàng trăm khách hàng đã tư vấn thì 90% là bạn sẽ hối hận nếu phải di chuyển quá 60 phút từ nhà đến chỗ làm" – Chuyên gia chia sẻ.

Cách cân đối dòng tiền trong quá trình vay mua nhà

Chuyên gia giới thiệu phương pháp phân bổ chi tiêu thành 3 khoản: (1) Tiết kiệm/đầu tư, (2) chi phí giải trí và (3) chi phí thiết yếu. Đối với những gia đình hoặc bạn trẻ đã đi vay để mua bất động sản, khoản này sẽ được tính vào tiết kiệm/đầu tư. Mặc dù dòng tiền phải trả nợ vay, song đây lại là dòng tiền giúp sở hữu tài sản có giá trị tăng trưởng trong tương lai.

"Đối với mức thu nhập 20-40 triệu một tháng, thì khoản vay có thể chiếm khoảng 15-25% thu nhập; cao hơn ở tầm 50-70 triệu/tháng thì có thể ở mức 25-35%; trên 80 triệu/tháng thì các hộ gia đình trẻ có thể cân nhắc các khoản vay chiếm từ 35 - 50% thu nhập.

Việc phân bổ này là đã có tính đến việc có đi kèm với 1-2 người phụ thuộc toàn phần. Ví dụ như cha mẹ đang nuôi con hoặc con cái đang phụng dưỡng cha mẹ" - ông Huấn chia sẻ về cách phân bổ dòng thu nhập khi vay mua nhà.

Theo Nhịp sống kinh tế




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC