1.000 con rồng hướng về Thủ đô nghìn tuổi Vừa qua, dự án 1.000 con rồng chào đại lễ nghìn năm Thăng Long đã được khởi công. Hoàn thành trong thời gian tới, 1.000 con rồng theo phong cách thời Lý sẽ góp thêm sự phong phú, sinh động vào các vật phẩm tôn vinh thành phố rồng bay.

Đúc rồng thời Lý chào Thăng Long

Mong được góp chút tài hoa vào không khí chung hướng về đại lễ của Thủ đô, một doanh nghiệp đúc đồng đã xây dựng ý tưởng đúc 1.000 con rồng chào Thăng Long - Hà Nội. Đây là một dự án xã hội hóa của Công ty cổ phần mỹ nghệ Đông Sơn và UBND thành phố Hà Nội đã có công văn đồng ý về chủ trương cho công ty được tổ chức đúc và giới thiệu 1.000 sản phẩm rồng thời Lý, là một hoạt động chính thức trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Những con rồng sau khi hoàn thành cũng sẽ được gắn logo chính thức của đại lễ phục vụ công tác tuyên truyền, được gọi là "Sản phẩm lưu niệm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội". Chọn mẫu rồng thời Lý để đúc, chị Lê Diệu Hương - Giám đốc công ty cho biết: Sản phẩm được thiết kế dựa trên những ý kiến đóng góp của một số nhà nghiên cứu sử học, mỹ thuật, văn hóa và điêu khắc để đảm bảo ý nghĩa lịch sử, mang đậm nét văn hóa Việt, mang yếu tố tinh thần như một lời chúc phúc cho những người sở hữu. Sáng ngày 5/3 vừa qua, với sự chứng kiến của Đại đức Thích Minh Hiền - Trưởng Ban văn hóa giáo hội phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Hương, cùng đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và nhiều báo, đài, lễ khởi công đúc 1.000 con rồng đã diễn ra tốt đẹp.

1.000 con rồng hướng về Thủ đô nghìn tuổi _0
 Đại đức Thích Minh Hiền và các nhà tu hành dâng hương tại Hoàng thành sau lễ khởi công đúc rồng.    Ảnh: PV

Những nguyện vọng văn hóa

Được biết, sau khi hoàn thành, những con rồng bằng đồng sẽ được gắn đá quý làm mắt, được khai tâm điểm nhãn. Mỗi con rồng nếu không kể chân đế, sau khi đúc xong sẽ có trọng lượng từ 3 - 3,5kg với chiều dài khoảng 30cm. Theo ông Lê Huy Đắc - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, quy trình đúc rồng cơ bản dựa trên những công đoạn đúc cổ truyền, tùy thuộc từng sản phẩm mà có những cải tiến, sáng kiến để nâng cao chất lượng hơn và giảm bớt được thời gian, nguyên vật liệu. Ví dụ như trước kia dùng khuôn đất, giấy để đúc, nay có thể đưa lõi sắt vào vỏ khuôn để khuôn mỏng hơn và sản phẩm chóng khô hơn.

Và để phát huy ý nghĩa của những sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn nghệ thuật, văn hóa này, sau khi hoàn thành, 1.000 con rồng sẽ được những người chế tác, sản xuất sử dụng vào nhiều công việc khác nhau, trong đó sẽ có việc bán đấu giá qua mạng, qua cầu truyền hình trực tiếp để gây quỹ từ thiện xã hội. Một phần trong nguồn kinh phí thu được sẽ dành vào xây dựng Quỹ Vì văn hóa Hà Nội, đóng góp vào bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các công trình văn hóa, tín ngưỡng cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể của Hà Nội. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đồng ý cho Công ty Đông Sơn được tổ chức đấu giá từ thiện gây quỹ ủng hộ người nghèo tại Hoàng thành Thăng Long trong dịp đại lễ từ 1/10 - 10/10/2010.

Thanh Tùng.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC