Bao giờ Sapa...?Có lẽ, đó không chỉ là một cơn ác mộng… mà là một hiện thực đang ủ lên men, bên dưới các tán lá rừng đã ngàn đời nay phủ trên những ngọn núi trời trập trùng lặng im.

Sa Pa có một số phận đặc biệt.

Và Sa Pa cũng có một tính cách thật là đặc biệt.

Đã từ cách đây hơn 100 năm, làng bản nơi đây đã ngày ngày sống chung với một đô thị nhỏ xinh lạ hoắc, đột ngột mọc lên đơn độc giữa mênh mông trùng điệp núi rừng.

Bao giờ Sapa...?_0
Đi theo nhưng... không học theo. Ảnh Phạm Hoàng Hải.

Đã từ suốt một thế kỷ nay, dân bản quanh đây quá quen với cảnh từng đoàn từng lũ những người xa lạ, hăm hở từ bốn phương trời nối nhau tìm đến. Ngó nghiêng thăm thú, xục sạo tít lên núi cao, vào mãi rừng sâu. Thế rồi cũng như khi đến, họ lại đột ngột ra đi, mất tăm mất tích.



Trong mỗi một ngày, một cô bé người Mông, một bà cụ người Dao gặp gỡ có đến hàng trăm những người xa lạ. Không ai giống ai, chỉ giống nhau là trong túi đều có nhiều tiền hơn người dân bản, và đều không hề nói được các tiếng địa phương.



Mỗi ngày mỗi ngày, các cô bé người Mông này được nhìn không biết bao nhiêu là kiểu quần kiểu áo dài ngắn, kín hở khác nhau, bao nhiêu các loại máy ảnh máy quay, ba lô va ly, dép giày mũ nón, bao nhiêu là kiểu tiêu tiền nhậu nhẹt, các loại rượu bia bánh kẹo, và cả bao nhiêu là những cảnh thơm má quàng vai, bá cổ bá vai, bả lả nói cười.



Hơn cả một cuốn phim dài trình diễn đủ sự muôn màu muôn vẻ của cái thế giới sục sôi vì tiêu thụ và giải trí, hưởng thụ và xa xỉ, ở tít bên ngoài những dẫy núi xanh ngút ngát nơi đây. 



Vậy mà suốt mấy thế hệ, từ cụ, đến bà, rồi là đến mẹ, và nay thì đến lượt cô, cũng như chị em trong bản, vẫn cứ ăn mặc như là 100  năm trước.



Chân cuốn xà cạp, đầu đội khăn đen, buông chùng váy lửng, áo cánh vải chàm, khoác ra bên ngoài là áo gi lê đen bóng sáp ong. Vòng bạc chen nhau quanh cổ quanh tay, dây bạc thắt lưng, khuyên tai lủng lẳng. Gù gù trên lưng là một cái gùi rõ to. Bên vai toòng teng cái túi xà tích có lược có gương, có cái kèn môi bằng đồng mỏng dính để mà trò chuyện, để mà tỏ tình.



Vẫn cứ như thế, qua cả trăm năm, mặc kệ dòng người xa lạ ào ạt như thác như lũ, chảy trôi suốt ngày trước mặt.



Chẳng nhìn đâu xa, chỉ riêng có cái thân tôi, mới có ít lâu mà thấy đã đổi đã thay xoành xoạch.



Mới đầu thì áo bông mũ cối dép nhựa, sau đã đổi thành áo bay mũ cát giầy vải, rồi tới áo da găng tay sandal, rồi qua complet cravat giầy da, nay thì bluson thời trang diện giày mõm nhái.



Nhìn trước ngó sau, nhăm nhăm bắt chước, chỉ sợ là mình lỗi mốt kém cỏi. Nhìn trên TV, thấy Tây thấy Nhật thấy Hàn mới có cái gì, là khao là khát.



Thế là hăm hở kiếm tiền, mánh mung đủ kiểu để khoác vào thân, để nốc vào họng, để khoe ra đường. Chưa có thì vay thì nợ ngân hàng, thế chấp từ nhà đến đất. Nếu có ai nhận, thế chấp luôn cả tình cảm và cả thời gian ngắn ngủi cuộc đời, đặt cược luôn nốt cả lòng tự trọng và cả lương tâm. Miễn sao không kém cái gã hàng xóm, miễn sao bạn hữu phải nể phải sợ, và chúng nó phải phát thèm khi nhìn thấy những gì ta khoác lên người, ta cầm trong tay.



Ong ong trong đầu từ sáng đến đêm, chỉ tính với toán. Chứng khoán, ôtô, giá đô, giá vàng, hải quan, phòng thuế, ông trên, thằng dưới, biếu xén luồn lọt, như một con ma. Cả đời tháo láo đôi mắt, đuổi theo hàng đống các cataloge biến đổi nhanh như một cỗ bài tây đang tráo trong tay của nhà ảo thuật.



Chẳng phải chỉ có riêng tôi. Cả thế giới này đều thế.



Cho nên ngân hàng mới bị đổ vỡ, cho nên doanh nghiệp khủng hoảng tùm lum. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á.



Vì thế mới thấy thật lạ.



Nằm giữa cái rốn các cơn bão người, Sa Pa đâu có cách trở, đâu có biệt lập với cái thế giới ồn ào. Vậy mà đã hơn cả 100 năm, vẫn là những mái nhà gỗ thâm thấp nép dưới cây rừng, những bếp lửa hồng bập bùng trong đêm, những bát rượu ngô sóng sánh, và ánh trăng vàng tràn trề trải lên rừng núi dưới bầu trời đêm lấp lánh ngàn sao.



Và bà cụ già ngồi thêu bên chợ, vẫn thấy thanh thản móm mém mà cười. Nụ cười không thấy hằn vết xót xa chảnh vẻ như của các cô chân dài bợt bã phấn son, bên trong các lớp cửa kính siêu thị dưới xuôi.



Vì sao Sa Pa?... Tôi không biết nữa.



Có đến cả trăm lý do, từ thân phận của cộng đồng cho đến long mạch núi rừng, từ dãy chuỗi của ADN cho đến một cái gọi là bản sắc văn hóa, từ chính trị lịch sử cho đến truyền thống địa phương. Tất cả đều là có thể, nhưng đều không đủ để cho ta tìm ra được một câu trả lời.



Và vẫn còn đó, câu hỏi: Vì sao Sa Pa ?



Thế nhưng bây giờ đã thấy một câu hỏi nữa, lơ lửng trên đầu.



Đó là: Bao giờ Sa Pa...?



Sẽ đến bao giờ, cả làng cả bản sẽ toàn quần bò áo phông.



Sẽ đến năm nào, rừng xanh nơi đây sẽ bị băm nát.



Để nhường cho các dãy nhà bê tông hình ống lổn nhổn mọc lên. Với mái chóp đỏ, với cửa vòm cuốn và với hai bên sườn phẳng dài xám xịt, ngô nghê vô cảm, hệt như ở dưới Thủ đô.



Đó có lẽ không chỉ còn là một cơn ác mộng mà là một tương lai gần, đang đến. Một hiện thực đang lên men, bên dưới các tán lá rừng đã ngàn đời nay phủ trên những ngọn núi trời trập trùng lặng im.



Liệu rằng có phép mầu nào giúp cho Sa Pa cưỡng được những cơn bão lũ tàn khốc của cái gọi là kinh tế thị trường, của đô thị hóa và toàn cầu hóa?



Để mà Sa Pa vẫn là Sa Pa, 100 năm rồi.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC