Bảo Quốc: Vẫn xứng "Đệ nhất danh hài"Bảo Quốc: Vẫn xứng "Đệ nhất danh hài"Bảo Quốc là người duy nhất còn lại trên sân khấu của thế hệ danh hài trước năm 1975. 

Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2009 khép lại, HCV cho vai Nhan Tấn trong vở Nỏ thần như một mốc son vàng đánh dấu kỷ niệm 50 năm góp mặt trên sàn diễn của NSƯT Bảo Quốc.  

Xem Bảo Quốc vào vai Nhan Tấn nhiều người tấm tắc khen: “Ông này chuyên diễn hài mà vào được vai Nhan Tấn này quả là giỏi quá”. Ấy bởi họ quên một điều, trước khi trở thành diễn viên hài, ông từng là kép mùi và với vai trò kép mùi;  từng đoạt giải danh giá nhất cho diễn viên cải lương ngày trước, giải Thanh Tâm.  

Bảo Quốc: Vẫn xứng

Đệ nhất 

Bảo Quốc sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nổi tiếng (cha là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Năm Nghĩa, mẹ là bà bầu Thơ) với gánh hát gia đình mang tên Thanh Minh. Sau đó, tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Nga đã đưa đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trở thành một gánh hát được mến mộ nhất suốt gần 3 thập kỷ.  

Bước lên sân khấu năm 1959, khi tròn 10 tuổi nhưng một thời Bảo Quốc nghĩ mình khó có cơ hội nổi tiếng bởi chị gái Thanh Nga là ngôi sao lớn của đoàn hát gia đình. Ngày ấy, các nghệ sĩ hiếm có chuyện chạy sô. Mà đã là con thì không thể đi diễn nơi khác khi sân khấu nhà vẫn luôn cần người. Và em trai thì không thể đóng cặp với chị gái, tức chẳng bao giờ có cơ hội làm kép nhất.  

Để ý cách diễn và tính nết của Bảo Quốc, chị ba Thanh Nga thường gợi ý cho anh chuyển sang diễn hài. Rồi một ngày, vở Con ma nhà họ Hứa đã bán hết vé mà danh hài Thanh Việt (lừng lẫy thời bấy giờ) lại cáo ốm trước giờ mở màn. Nghe lời chị ba Thanh Nga, Bảo Quốc ra diễn thay. Sự thành công bất ngờ của đêm thế vai ấy đưa anh chính thức trở thành cây hài danh tiếng trẻ nhất, xếp chung những tên tuổi đàn anh như Thanh Việt, Kim Quang, Hoàng Mai, Văn Chung, Tư Rọm...

Trước đây nghệ sĩ hài dù hay đến mấy vẫn sau đào kép. Là hề chánh lương cũng không cao như đào kép chánh. Bảo Quốc đã phá thông lệ đó, anh là cây hài được hưởng mọi quyền lợi như đào kép chánh... Những năm 1990 khi tấu hài phát triển thì Bảo Quốc là một cái tên được bảo đảm cho bầu sô bán sạch vé. Tên anh được các bầu sô đặt trang trọng hàng đầu với danh xưng “Đệ nhất danh hài Bảo Quốc”.  

Ấy nhưng chỉ một lần được đôn lên làm kép mùi với vai hiệp sĩ mù trong vở cải lương Hiệp sĩ mù   Bảo Quốc đoạt ngay HCV giải Thanh Tâm dành cho diễn viên triển vọng (1967). Mỗi lần nhắc đến giải Thanh Tâm là Bảo Quốc lại mỉm cười sung sướng: “Điều thú vị là giải Thanh Tâm chỉ diễn ra 10 năm thì chị Thanh Nga  là người mở đầu đoạt giải (1958), còn Bảo Quốc tôi được trao giải năm cuối cùng”. 

Không phải 1,2 mà ông có nhiều vai diễn để đời. Từ những vai không ai có thể thay thế được như Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh và Y xì-ke trong Ánh sáng và bóng tối, đến vai ông Tám "nổ" trong Cánh đồng gió. Ông già rặt chất Nam Bộ, áo bà ba, xách cái cần câu ra sông khiến khán giả mê mệt...   

Đức độ 

Mệnh danh “Đệ nhất danh hài” nhưng NSƯT Bảo Quốc ngoài đời lại rất mực thước. Ông luôn có mặt đúng giờ tập tuồng, dù chỉ đóng vai nhỏ. Sự khiêm tốn đức độ của ông khiến hầu hết các diễn viên già, trẻ đều nể trọng và yêu quý.   

Bảo Quốc: Vẫn xứng

Trong nhà, ông rất nghiêm. Vài con cháu trong nhà trách ông có tên tuổi, nhiều người nể trọng mà chẳng bao giờ “nói giúp” cho họ có được vai diễn. Ông bảo: Mỗi người phải tự đi lên bằng chính khả năng của mình. Có nỗ lực thì Tổ mới thương. Là con của bầu sô nhưng ông ngày xưa cũng từng bước với các vai kép con, kép lẳng… Cả khi đã có tên tuổi ông cũng chưa bao giờ từ chối bất cứ vai diễn nào dù nhỏ.  

Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1991; Huy chương vàng giải Thanh Tâm 1967; Danh hài được yêu thích nhất năm 1976; Huy chương vàng Vai phụ xuất sắc năm 1979 tại Hải Phòng; Từ 1991 - 2001 luôn được bầu chọn là Đệ nhất danh hài do Báo Sân Khấu tổ chức; Giải Cù nèo Vàng năm 1996 do Báo Tuổi Trẻ cười tổ chức; Đoạt giải Mai Vàng trong bốn năm liên tiếp 1993-1996 và năm 2006 do Báo Người Lao động tổ chức; Giải Tôn vinh nghệ sĩ trong Gala cười năm 2003; Và mới đây, Huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp 2009.

Với đồng nghiệp già cũng như trẻ, ông luôn khiêm nhường. Lời góp ý của ông cho vai diễn đồng nghiệp hay vở diễn cũng rất mềm mỏng, chỉ như một lời gợi ý. Ông vẫn bảo, nổi tiếng là duyên may, là cái lộc Tổ thương. Nhiều người tuy không nổi tiếng với khán giả nhưng trình độ diễn xuất đáng nể lắm. Các bầu sô mở gánh đều mời và ông luôn sắp xếp lịch để cùng góp mặt.

Ông bảo, mỗi đoàn hát đều có những phong cách riêng mà mình cần học hỏi. Các em trẻ bây giờ hơn lứa diễn viên chúng tôi ngày xưa bởi được học hành trường lớp bài bản. Chính vì vậy, diễn chung với các em, tôi học hỏi được rất nhiều điều.  

Nhìn lại cuộc đời trải qua, Bảo Quốc tấm tắc: Nghệ sĩ bây giờ sướng hơn ngày xưa nhiều lắm. Ngày xưa mỗi tuần chỉ được diễn 1 đến 2 suất mà trước mỗi đêm diễn không chỉ nơm nớp chuyện rạp bán vé hết hay chưa mà con lo ngay ngáy chuyện đêm diễn có trót lọt, an toàn. Đóng màn nhung, về đến nhà mới yên tâm mình còn sống. Ngày nay, các rạp hát đều sáng đèn mỗi tuần 3,4 đêm. Diễn viên chạy sô không chỉ giữa các sân khấu mà còn có cơ hội thử sức nhiều lĩnh vực, nhất là điện ảnh.  

Đam mê nghệ thuật nhưng ông cũng là cầu thủ bóng đá nổi tiếng trong giới nghệ sĩ. Ông nói, cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc với con cháu đề huề đã là nguồn động lực để Bảo Quốc sung sức. Dù đã 60 tuổi và 50 năm làm nghề diễn viên, NSƯT Bảo Quốc vẫn đắt sô. Mỗi tuần, ông tham gia diễn kịch 4-5 tối. 5-6 ngày cho các trường quay, ông tham gia diễn tiểu phẩm cho nhiều đài truyền hình. Ngoài ra, Bảo Quốc còn là gương mặt thường trực của các vở cải lương ở Sân khấu Vàng với mục đích xây nhà tình thương cho người nghèo.  

Nói về “cây lão làng” của sân khấu, NSƯT Hồng Vân nói: Sự đức độ của NSƯT Bảo Quốc luôn giúp chúng tôi yên tâm và cảm thấy may mắn vì có anh góp mặt để dìu dắt lớp trẻ.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC