Đại biểu Quốc hội "mổ xẻ" phim Việt Tỷ lệ phim Việt Nam chiếu ở một số đài truyền hình chưa đảm bảo thời lượng phát sóng; các luồng phim ngoại xâm nhập khá ồ ạt; quy định phim Việt chiếu trên giờ vàng quá cứng; đào tạo về diễn viên điện ảnh còn khiếm khuyết lớn...

Các ĐB Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (ngày 28/5). 

Đặt phim Việt và phim nước ngoài lên... bàn cân

ĐB Bùi Thị Lệ Phi (TP Cần Thơ) cho rằng, tỷ lệ phim chiếu ở một số đài truyền hình chưa đảm bảo thời lượng phát sóng phim Việt Nam, mà dành nhiều thời lượng cho phim nước ngoài.

Bà Phi đề nghị, cần phải đảm bảo tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam đạt 30% trên tổng thời lượng phát sóng phim.

Đặc biệt cần cân đối giữa tỷ lệ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, phim truyền thống lịch sử Việt Nam với phim thương mại, giải trí.

 

Cần kiểm duyệt chặt chẽ loại phim bạo lực hành động, phim có nội dung không lành mạnh, bởi vì loại phim này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến làn sóng sống theo phim, thời trang theo phim và hành động theo phim, nhất là đối với các em độ tuổi mới lớn và thực tế có một số vụ án do ảnh hưởng từ phim bạo lực mà ra và một số bắt chước lối sống văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Bùi Thị Hoà (Đắk Nông) cho rằng, phim nước ngoài trong thời gian qua bằng nhiều con đường, trong đó có con đường nhập khẩu đã vào Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa đa dạng của công chúng. Song, việc xâm nhập khá ồ ạt của các luồng phim ngoại chắc chắn đã ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công chúng mà chủ yếu là giới trẻ. Vì vậy, ĐB này đề nghị, các quy định về nhập khẩu phim phải hết sức chặt chẽ.

ĐB Hoà cũng phân tích, việc doanh nghiệp (DN) sản xuất phim được quyền xuất khẩu, nhập khẩu phim; Đài truyền hình, Đài phát thanh truyền hình (PTTH) được xuất khẩu phim do mình sản xuất, được nhập khẩu phim để phát sóng trên truyền hình; rồi, phim do Đài TH, Đài PTTH sản xuất và nhập khẩu đã có quyết định phát sóng trên Đài PTTH được phổ biến trên phạm vi cả nước. Với quy định như vậy, chắc chắn các DN sản xuất phim, các Đài TH, Đài PTTH sẽ chọn con đường nhập khẩu phim để kinh doanh, để phát sóng, vì với giá thành nhập khẩu rẻ như hiện nay trong khi giá sản xuất của một bộ phim Việt Nam phải kể hàng tỷ đồng trở lên, thì giải pháp chắc chắn có lợi nhất vẫn là nhập khẩu phim ngoại.

"Quy định này đã mở một cánh cửa quá rộng để phim ngoại tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Tôi đề nghị xem xét lại và chỉ cho doanh nghiệp nào có chức năng nhập khẩu thực hiện và thống nhất một đầu mối nhập khẩu phim để chịu trách nhiệm về nội dung và kiểm soát được số lượng phim nhập. Không nên quy định "các Đài TH đều được nhập khẩu phim. Vì với tần số phát sóng rộng như hiện nay, với 200 kênh truyền hình thì mức độ lan tỏa ảnh hưởng của phim ngoại chắc chắn sẽ là không nhỏ" - bà Hoà đề xuất.

Tuy nhiên, ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) lại cho rằng, phim nhập khẩu so với phim sản xuất trong nước không quan trọng mà cái chính là chất lượng phim.

Theo đó, tất nhiên chúng ta phải quan tâm đến việc tạo điều kiện cho điện ảnh nước nhà phát triển nhưng không vì thế mà chúng ta hy sinh quyền thưởng thức của công chúng đối với văn hóa nói chung.

"Chúng ta cũng thấy rằng có nhiều phim của nước ngoài có tác dụng giáo dục rất tốt, tôi lấy ví dụ như phim hiện nay đang chiếu là "Những nàng công chúa nổi tiếng", những thông điệp mà phim gửi cho người xem có nhiều hơn so với những phim như "Những người độc thân vui vẻ" hay không, phim đó nói rất nhiều chuyện ở đâu đâu nhưng phim ở nước ngoài lại nói đến những chuyện rất cụ thể. Theo chúng tôi chất lượng phim là chủ yếu"- ông Lý nhận định.

Phim Việt chiếu "giờ vàng" - người xem vẫn ít

Đại biểu Quốc hội

Nguyễn Ngọc Đào, ĐB TP hà Nội (Ảnh: Phương Liên)

Nhận định về phim Việt hiện nay, ĐB Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta thấy có phim sản xuất rất nhanh, một phim 45 phút sản xuất trong 2 ngày, kịch bản phim thì giống nhau, cách sinh hoạt thì cách xa với người lao động, xa lạ với thực tiễn lao động, chiến đấu của nhân dân, diễn viên nhiều khi không chuyên nghiệp đem đến cho người xem nhiều sản phẩm văn hóa tầm thấp. Tuy không loại trừ có những phim rất khá, mặc dù chiếu ở ""giờ vàng"" nhưng người xem cũng ít, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

"Theo tôi là có những nguyên nhân như do chúng ta quy định phim Việt chiếu trên ""giờ vàng"" quá cứng, đưa nguồn thu thành chỉ tiêu phấn đấu, có những Đài thu hàng ngàn tỷ mỗi năm; quản lý không chặt, không thông qua kế hoạch, năm nay chúng ta sản xuất phim truyền thống như thế nào, phim dành cho thiếu nhi, dành cho khu vực nông thôn như thế nào... Sự chỉ đạo, xem xét đánh giá tôi thấy không chặt chẽ - mới dẫn đến tình hình như vậy" - bà Thảo nhận định.

Trước đó, ĐB Bùi Thị Lệ Phi (TP Cần Thơ) cũng đã đề xuất, cần phải tăng chất lượng phim Việt Nam, tránh sản xuất phim chạy theo thị hiếu, dạng phim mỳ ăn liền, cần đầu tư khâu chuẩn bị kịch bản phim, khâu lựa chọn diễn viên cho phù hợp với nhân vật.

Theo bà Phi, hiện nay tình trạng lấn sân ca sỹ cũng làm diễn viên, người mẫu cũng làm diễn viên, dẫn đến một số vai diễn không có hồn, diễn gượng gạo không để lại dấu ấn tốt đẹp cho vai diễn và không thu hút khán giả.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (TP Hà Nội) đóng góp, chúng ta thiếu rất nhiều những nội dung quan trọng để hình thành nên một Luật Điện ảnh tử tế.  Dẫn ví dụ về diễn viên trong phim, ông Đào cho rằng, trong luật (Điện ảnh) thiếu vắng một mục cực kỳ quan trọng đó là người diễn viên điện ảnh, một đối tượng của hoạt động điện ảnh mà chúng ta không nhắc đến.

Theo ông Đào, liên quan đến diễn viên tức là vấn đề đào tạo.

"Tôi rất khâm phục thế hệ các diễn viên điện ảnh ngày xưa như Trịnh Thịnh, Trà Giang hoặc một loạt những diễn viên điện ảnh mà chúng ta đào tạo tại Liên Xô cũ và hiện nay chúng ta không có một Trung tâm đào tạo cơ bản để rồi dẫn đến tình trạng là ai cũng trở thành diễn viên được, những người có trình độ văn hóa rất thấp, thậm chí có người bị phản cảm. Tôi cảm thấy khán giả sẽ bị xúc phạm bởi cách sử dụng hoặc cách tuyển chọn hoặc cách nhờ diễn những vai diễn như vậy. Tôi cho rằng đây là một sự khiếm khuyết rất lớn của Luật Điện ảnh nếu chúng ta không điều chỉnh diễn viên điện ảnh và khâu đào tạo về diễn viên điện ảnh".

Vì những "nhược điểm" nêu trên, ĐB Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, việc quy định tỷ lệ phim Việt Nam phát sóng trên Đài TH "giờ vàng" 30% trở lên (theo dự thảo sửa đổi) cần có bước đi thích hợp bởi vì quy định này cũng có mặt hay là thúc đẩy khuyến khích sản xuất phim trong nước, nhưng cũng có mặt trái là các Đài TH có lý do để chạy theo số lượng, chạy theo thành tích trong khi khả năng sản xuất không theo kịp.

Bà Thảo gợi mở, vấn đề này cần có bước đi, theo đó, +hiện nay Đài TH TP Hồ Chí Minh cũng có hướng lập ra những trại sáng tác kịch bản, phim trường để có thể chủ động hơn trong vấn đề này. Mặt khác, phải chấn chỉnh cơ chế quản lý phim truyền hình, quản lý truyền hình để có sự chỉ đạo sâu sắc, tạo điều kiện cho truyền hình phát triển tốt hơn.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (TP Hà Nội) đồng tình: "Nhà nước nên quan tâm đầu tư cho điện ảnh. Chúng ta không thể ngăn cấm sâu bệnh đối với một cây giống, một cây trồng mà chúng ta làm cho cây trồng khỏe lên thì nó phòng được tất cả các loại sâu bệnh. Ý tôi muốn nói là muốn có một nền điện ảnh khỏe thì chắc chắn chúng ta phải đầu tư, phải quan tâm hơn nữa!".

Theo VTC news.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC