Khách hàng tự "móc túi mình"Bước ra khỏi taxi, chị Hạnh rút tờ 50.000 đồng để trả tiền cước. 47.000 đồng cho đoạn đường dài 5 km, chị nói với anh tài xế: "Còn 3.000 đồng tiền thừa, không phải trả lại".

Xuống taxi, chị Hạnh cũng bước vào quán cafe trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Thấy hàng bắp rang bơ, chị dừng lại định mua một gói, nhưng mở ví thấy có 10.000 đồng tiền lẻ, chị chép miệng: "Thôi thì đành mua cả, giữ lại 5.000 đồng chẳng để làm gì, biết đâu lại rơi". Thế là 10.000 đồng chị cho là tiền lẻ đều được quy ra bỏng ngô.

 

Sau màn trà, nước lọc cafe và nhâm nhi thêm bắp rang bơ, dứa thơm của chị bạn, nhân viên quán cafe nhẩm tính, một ly cafe số 4 giá 16.000 đồng, một trà hoa cúc 13.000 đồng, đĩa hạt dưa nhỏ 4.000 đồng, tổng cộng hết 33.000 đồng. Chị Hạnh rút ra tờ 50.000 đồng nói với nhân viên: "Không có tiền lẻ, em trả lại chị 10.000 đồng còn 7.000 quy ra kẹo cao su nhé".

 

Chị Hạnh cứ "vô tư" móc ví mình như vậy suốt cả một ngày. Tối về chị nhẩm tính mới phát hiện, số tiền lẻ mà chị cho chẳng đáng là bao ấy khi gộp lại lên tới gần 30.000 đồng. "Đúng là tự mình móc túi mình - tự nguyện mua, tự nguyện moi tiền ra tiêu chứ chẳng ai ép", chị Hạnh nói.

 

Tại chợ Nam Đồng sáng nay, chị Phương cúi nhặt hai mớ rau mồng tơi, 3 mớ rau ngót và vài quả cà chua. Chị rút 25.000 đồng trả cho số tiền đã mua, còn thừa 3.000 đồng, cô bán hàng dúi vào 2 quả chanh gọi là... làm tròn đỡ phải trả lại.

Sau đó, khi móc ví rút ra hai tờ 20.000 đồng để trả cho 3 quả bưởi, còn thừa 6.000 chị Phương tiếp tục quy hết tiền lẻ ra mận. Chưa hết, thấy có đồng xu 5.000, sợ sơ ý rơi mất, chị tiếp tục mua mận, trước khi xách túi ra về.

 

Ra khỏi chợ, chị mới nhẩm tính số tiền mà chị coi là lẻ để mua những thứ chưa cần thiết trên cũng lên tới gần 20.000 đồng. "Nhiều khi tôi cứ phàn nàn rằng mình bị người bán hàng móc túi song với những việc nhỏ nhặt như vậy khi đúc rút lại mới thấy rằng bản thân mình cũng tự móc túi mình, dù dưới hình thức này hay hình thức khác", chị Phương nói.

 

Trên thực tế, việc chị em khi đi chợ trong trạng thái vội vội, vàng vàng hoặc tâm lý ngại giữ tiền lẻ nên bỏ ra một vài khoản chi bị coi là vô lý diễn ra khá phổ biến.

Ai cũng hiểu chỉ vài đồng bạc lẻ nhưng tích góp dần sẽ thành một số tiền chẳng nhỏ tẹo nào nhưng rồi nhiều bà vẫn chép miệng rằng: thôi thì những đồng tiền xu ấy để trong ví không khéo có khi lại rơi mất. Và rồi có dịp đi mua hàng thì hành động tương tự mua thêm 500 hành, 1.000 rau thơm hay vài viên kẹo, mấy quả chanh lại tiếp tục xảy ra.

 

Bà Lưu ở phố Tây Sơn, Hà Nội thường đi chợ vào mỗi buổi sáng. Bà thường lên thực đơn và tính toán khá chi ly từng khoản tiền mà mình phải trả cho bữa ăn trong gia đình. Ấy vậy mà rồi chuyện mua thêm vài củ hành dù ở nhà đã có cả một giỏ hoặc thêm vài cái kẹo cho cháu dù biết về kiểu gì cô con dâu cũng cằn nhằn chuyện sâu răng... vẫn xảy ra. "Đôi lúc vì nghĩ rằng vài nghìn bạc chẳng đáng là bao nhưng nếu tích dần thì lại tạo thói quen xấu khi mua hàng", bà nhận xét.

 

Theo chị Chi nhân viên thu nhân ở siêu thị trong hệ thống Fivimart ở Hà Nội thì hầu như khách hàng khi thanh toán tiền mà còn thừa khoản 500 đồng, 1.000 đồng thậm chí 2.000 đồng đều được quy ra kẹo Chewing Gum Cool Air hay một vài thanh bánh quế có giá trị tương tự. "Một điều không thể phủ nhận rằng hầu hết khách hàng đều chấp nhận việc này mà hiếm khi có ai từ chối nhận kẹo và nằng nặc đòi lại tiền", chị nhận xét.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC