Lưu giữ nghề cổ “hồn” làng của đất Thăng LongThăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tài khéo trăm vùng, phường của trăm sông đã dồn về biển cả. Sản phẩm của nghề thủ công truyền thống có tính nghệ thuật cao, trong đó hàm chứa những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi làng nghề.

Trải qua nghìn thời gian, nhiều làng nghề, phố nghề, ngành nghề thủ công truyền thống đã mai một, mất dần theo thời gian, trong đó có nghề làm giấy sắc phong (Nghĩa Đô), nghề làm giấy dó (Bưởi), tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng vốn nổi tiếng một thời trên đất kinh kỳ. Và để bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp ấy không phải là việc làm đơn giản.

Giấy dó, giấy sắc phong vốn là sản phẩm đặc trưng một thời của người "Kẻ Chợ”. Làng nghề giấy dó, giấy sắc phong truyền thống ở Bưởi và Nghĩa Đô đã cung cấp đầy đủ nhu cầu các loại sản phẩm giấy cho xã hội trong suốt cả một thời gian dài của lịch sử. Bây giờ tới Nghĩa Đô, dấu tích nghề giấy sắc còn lại chẳng là bao, ngoài tảng đá để nghè giấy, cối giã bìa, tàu seo làm bằng xi măng…. Những thợ giỏi hầu hết qua đời. Trước đây, đã có thời gian nhiều tổ chức nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đề nghị các cụ dòng họ Lại bán bản quyền nghề làm giấy sắc nhưng vì lòng tự tôn dân tộc, vì trách nhiệm với dòng họ, các cụ không đồng ý. Năm 2006, Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng nghề làm giấy của dòng họ Lại chi Nghĩa Đô là di tích Văn hóa cấp quốc gia, chính vì thế mà các cụ trong ban liên lạc dòng họ càng quyết tâm khôi phục nghề truyền thống, dù chẳng dễ dàng gì. Những năm trước, ông Lại Phú Bàn là một trong hai người còn lại của dòng họ Lại đất Nghĩa Đô nắm được những bí quyết này. Sau khi ông mất, nghề tổ tiên được truyền cho cô con gái Lại Thu Hà. Hiện giờ, thi thoảng các nơi bị hỏng, mất sắc phong thường tìm đến nhờ chị phục chế. Theo chị, nghề cha ông thì muốn bảo tồn, nhưng truyền nghề cho ai lại là vấn đề khác. Bởi sống được bằng nghề là một điều quá xa vời, trong khi người nước ngoài lại đưa ra một cái giá quá hấp dẫn, nếu truyền nghề không đúng người, sẽ đánh mất tinh hoa của cha ông mình.

Với nghề làm giấy dó Yên Thái (Bưởi), làng nghề đã mất từ lâu, đau lòng và trăn trở trước nguy cơ nghề cổ bị thất truyền, ông Nguyễn Thế Đoán (hậu duệ của dòng họ làm giấy dó lụa) vẫn tiếc cái thời nhà nhà làm giấy, phường Yên Thái tấp nập người lại qua, sáng tinh sương đã nghe thấy tiếng chày nện dó. Những năm qua, ông âm thầm tất bật chuẩn bị đồ nghề cho mẻ giấy dó hồi sinh. Căn nhà nhỏ 52m2 của gia đình ông nằm sâu trong ngõ vốn đã nhỏ cho 11 người sống thì nay lại thêm bộn bề với nào cối, nào chày, nào liềm, nào khuôn seo, thép can giấy, phên, sọt, rá, phanh. Căn bếp nhỏ cũng hẹp lại bởi những bó cãnh phơi khô. Để có được những thứ đồ nghề ấy, ông phải đi dò hỏi từng nhà trong làng để mua lại. Riêng cây cãnh, ông phải tất bật ngược xuôi để tìm mua. Để sản xuất ra một tờ giấy dó lụa, tính ra chi phí cũng đến cả hơn chục nghìn đồng, đắt gấp mấy lần loại giấy dó thông thường. Nhưng theo ông, ông làm không phải vì tiền, cái quan trọng là làm sao để  thế hệ trẻ hiểu thế nào về "nghề giấy làng Bưởi", để tạo dựng cho con cháu niềm đam mê với nghề và để người Hà Nội còn nhớ về một nghề xưa tinh túy.

 Cùng với nghề giấy dó, giấy sắc phong, tranh Hàng Trống, dòng tranh dân gian được sản xuất ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón... của Hà Nội xưa cũng chỉ còn một gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên gắn bó. Dòng tranh Hàng Trống thực sự phát triển cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và suy tàn vào cuối thế kỷ 20. Các nhà làm tranh đều bỏ nghề, đốt bỏ dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc, một phần do thú chơi tranh của người Hà Nội đã đổi khác, một phần do việc làm tranh thu nhập thấp. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên tuy chỉ có một mình nhưng vẫn miệt mài lưu giữ vốn cổ truyền của dân tộc. Hiện tại, ông có khoảng gần 200 mẫu tranh, trong đó có khoảng 30-40 mẫu đã in ra tranh. Ngoài ra, ông cũng làm được 125 bản tranh mầu hoàn chỉnh và 250 bản tranh nét đen (chưa vẽ mầu) lưu giữ trong cụm di tích Hỏa Lò chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long.Tuy nhiên nỗi lo lại ở chỗ, tranh Hàng Trống do nghệ nhân Nghiên nắm giữ bí quyết chỉ có một người nối tiếp duy nhất là con trai nghệ nhân, anh Lê Hoàn.Ông đã từng nói: “Nhen thì nhen rồi đấy, còn bùng lên, cháy hết mình cho dòng tranh đang “đuối sức” bên cạnh những dòng tranh hiện đại, liệu chúng ta có bản lĩnh mà gìn giữ hay không lại là chuyện khác”. Có lẽ lo lắng “lửa nghề” trong các con mình chưa đủ mạnh để tiếp tục làm sáng lạn một dòng tranh mà ông, cha đã truyền lại, nên ông thi thoảng vẫn đưa tranh đi tham gia trưng bày triển lãm nhằm “lưu giữ di động” một nét văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa với công chúng, với hy vọng là thức dậy quá khứ huy hoàng của một dòng tranh.

Tranh đỏ

Kim Hoàng (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cũng được coi là một sản phẩm văn hóa của vùng đồng bằng Bắc bộ. Tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt mà các dòng tranh dân gian khác không có, đó là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh, tạo cho bức tranh một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ. Mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng. Điều đáng buồn là dòng tranh một thời nổi tiếng ấy đến nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề. Ông Trần Thịnh, người làng Kim Hoàng giới thiệu: Tranh Kim Hoàng xưa có chín bức nhưng nay chỉ còn hai bức là tranh công và tranh lợn. Theo ông, việc khôi phục dòng tranh này thật khó khăn, bởi các bản khắc đã bị mất, trong khi những lớp người có tuổi trong làng cũng không nắm giữ được bí quyết nghề. Với tấm lòng đối với quê hương và sức lực như hiện nay, ông chỉ mong muốn nhiều người biết đến tên của dòng tranh là quý lắm rồi.


Thành phố Hà Nội đã đưa vào triển khai đề án "Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội" giai đoạn 2010 – 2015, trong đó, ưu tiên khôi phục, bảo tồn 25 làng nghề đã có từ lâu đời nhưng đang có nguy cơ mai một, thất truyền như: sơn mài Đông Mỹ, nón lá Đại Áng, giấy sắc Nghĩa Đô, tết thao Triều Khúc, giấy dó Vân Canh, đúc đồng Ngũ Xá... Đây cũng là một hy vọng cho các nghệ nhân để gìn giữ và phát huy những nét văn hóa của làng nghề truyền thống. Cho thế hệ mai sau hiểu hơn về những giá trị văn hóa lâu đời, những sản phẩm mang dấu ấn rõ nét của đất Thăng Long.

Theo KTDT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC