Ngoại giao văn hóa và hàng triệu sứ giả tin cậy nhấtĐể cho người nước ngoài yêu đất nước chúng ta thì ngoài việc giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống, chúng ta phải thế hiện một lối sống văn hóa và luật pháp.

Mới đây, Bộ Ngoại Giao đã sáng kiến và chủ trì một cuộc hội thảo về ngoại giao văn hóa. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Nếu định nghĩa rộng hơn về cụm từ ngoại giao văn hóa, thì tôi hiểu rằng đó là chiến lược tuyên truyền hình ảnh Việt nam ra thế giới bằng văn hóa thông qua con đường ngoại giao.

Ngay từ thế kỷ trước, Hàn Quốc đã lập ra một lộ trình kỹ lưỡng cho việc tuyên truyền văn hóa Hàn Quốc ra thế giới trong thế kỷ 21. Và họ đã thực hiện rất thành công chiến lược này ngay từ một việc rất, rất nhỏ là dùng món Kim chi truyền thống của họ. Và Việt Nam chúng ta, không có cớ gì lại không làm được việc này. Nhưng những gì mà người Hàn Quốc mang đến Việt Nam thuyết phục tôi một thì những gì tôi thấy trên chính đất nước họ đã thuyết phục tôi gấp một trăm lần.

Theo thống kê chúng ta được biết, năm 2008 có khoảng 4.253.700 lượt khách du lịch đến Việt Nam. Đấy là chưa kể những người nước ngoài đến học tập làm, việc ở Việt Nam. Và ít nhất mỗi người khách sẽ phải lưu lại trên đất nước ta trung bình là 5 ngày. Trong 5 ngày đó, những người nước ngoài sẽ tiếp xúc với rất nhiều nét đẹp và nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam. Chính vì lý do đó, tôi thấy, công tác ngoại giao văn hóa phải được thực hiện cơ bản ở chính trong nước chứ không phải ở nước ngoài.

Đương nhiên, việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài đã được tiến hành ngày một bài bản hơn thông qua các Sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và thông qua các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa. Nhưng số lượng người nước ngoài tiếp xúc với văn hóa Việt Nam ở chính nước họ ít hơn nhiều lần so với những người nước ngoài tiếp xúc với văn hóa Việt Nam ở trong chính đất nước Việt Nam.

Những người nước ngoài đến Việt Nam sẽ quan sát đất nước và con người Việt Nam qua nhiều góc nhìn. Đó là văn hóa ẩm thực, đó là văn hóa ứng xử với con người và thiên nhiên, đó là những di sản thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, đó là giáo dục, đó là đời sống văn học nghệ thuật, đó là đời sống dân chủ...Chính trong đời sống thường nhật, những người nước ngoài sẽ hiểu đúng nhất về đất nước Việt Nam. Nhìn cách ứng xử của con người đối với con người, nhìn cách con người ứng xử với môi trường, nhìn hiện thực của nền giáo dục, của y tế cộng đồng, nhìn cách con người sống với luật pháp, nhìn cách chăm sóc trẻ em vv...người nước ngoài sẽ hiểu chúng ta đang là một dân tộc như thế nào.

Những di sản văn hóa là vô giá nhưng cũng chỉ chứng minh được nền tảng văn hóa của đất nước đó. Còn muốn thấy được chân dung văn hóa hiện tại của đất nước đó thì chỉ có đời sống hiện tại mới có đủ yếu tố để chứng minh. Có những dân tộc trên thế giới có một nền tảng văn hóa kỳ vĩ nhưng đời sống hiện tại của họ đang làm lu mờ và tàn phá nền văn hóa đó.

Để cho người nước ngoài yêu đất nước chúng ta thì ngoài việc giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống, chúng ta phải thế hiện một lối sống văn hóa và luật pháp. Nhưng hiện thực đời sống văn hóa của chúng ta đang làm những người có ý thức và trách nhiệm lo ngại. Chúng ta đang hành xử còn thiếu văn hóa với chính các di sản văn hóa dân tộc, với các kỳ quan thiên nhiên và thiên nhiên, chúng ta chưa thực sự tạo ra một nền giáo dục tin cậy và có hiệu quả trong việc đào tạo tâm hồn con người, chúng ta yếu kém trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chúng ta thiếu ý thức trong việc chấp hành luật giao thông ...

Những điều tôi vừa nói đến cũng là nhận xét chân thành của rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và yêu đất nước Việt Nam. Họ trở về đất nước họ và bắt đầu nói chuyện với người thân, bè bạn và đồng nghiệp về những gì họ mắt thấy tai nghe. Nếu chúng ta làm tốt việc ngoại giao văn hóa ở trong chính ngôi nhà đất nước mình thì hàng triệu người nước ngoài đến với Việt Nam sẽ vô tình trở thành hàng triệu nhân viên ngoại giao, hàng triệu những người làm văn hóa hay có thể nói là hàng triệu sứ giả của văn hóa, một cách tin cậy nhất trong việc truyền bá hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Còn nếu chúng ta không sống một cuộc sống có văn hóa và có pháp luật thì hàng triệu sứ giả kia sẽ trở thành những người xóa cái tên Việt Nam mờ đi trên tấm bản đồ văn hóa thế giới.

Nguyễn Quang Thiều - Theo Vietnamnet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC