Ngồi lê café Sài Thành"Café bệt"chẳng biết từ bao giờ đã trở thành một nét văn hóa của giới trẻ Sài Gòn. Chọn một chỗ ngồi có bóng mát, lót tờ báo hay miếng bìa cứng, thậm chí là chả cần gì mà ngồi "bệt" hẳn xuống đất nhâm nhi ly cà phê rồi tán dóc với bạn bè, thỉnh thoảng đưa mắt ngắm nhìn phố phường xe cộ. Đó, "café bệt" là vậy đó!

Chẳng ai có thể dám chắc là loại hình cà phê này xuất phát từ bao giờ, cũng chẳng ai biết đích xác là "café bệt" có tự bao giờ. Nhưng ý kiến được nhiều người đồng tình nhất là "café bệt" xuất phát từ cà phê vỉa hè trước mặt trường Đại học Kiến trúc và Đại học Kinh tế. Mấy năm trước ở cổng trường Kiến, mấy cô mấy chị bày ra bàn bánh mì, bánh ướt...phục vụ các cô cậu sinh viên, tất nhiên là không thể thiếu quầy nước ngọt, càphê. Hàng quán chỉ là một thùng xốp nhỏ đựng đá, trên bàn mấy chai nước ngọt và một giỏ xách nhỏ đựng ly nhựa cùng càphê pha sẵn. Đồ uống đựng trong ly nhựa, kèm theo ống hút và muỗng cũng bằng nhựa, tiện lợi vô cùng.

Ban đầu khách tới uống càphê vẫn có ghế nhựa ngồi đàng hoàng, nhưng càng ngày khách càng đông, mà có ghế đi nữa cũng chả còn chỗ trên cái vỉa hè tí xíu. Thế là cả khách cả chủ đều nhất trí thay ghế bằng miếng bìa cứng, ngồi hẳn xuống vỉa hè, tiết kiệm được khối diện tích. Dân Kiến trúc cũng có tiếng là xuề xoà chẳng câu nệ, nên cũng chẳng lo ngồi dưới đất bẩn quần áo. Đó, vậy thôi mà café bệt Kiến trúc có tiếng, ai đi ngang qua con đường Nguyễn Đình Chiểu cũng tò mò đưa mắt nhìn các cô cậu sinh viên ngồi dựa tường thả hồn mơ màng xa xôi...a

Ngồi lê café Sài Thành_0

Các cô cậu Kiến trúc cũng hay ra khu công viên nhà thờ Đức Bà để vẽ bài, tìm cảm hứng sáng tác, mang luôn cả văn hóa "bệt" trước cổng trường ra khu này, mãi rồi thấy ai ai cũng..."bệt" theo. Ngày trước, café công viên Hàn Thuyên là do một quán cóc phía bên đường, sau này phải dọn đi, trải qua 2,3 đời chủ, café bệt bây giờ đã chuyên nghiệp hơn nhiều trong cách phục vụ, nhiều khi còn được lòng khách gấp mấy lần các quán café đắt tiền. Nói café vỉa hè, nhưng nhìn cách phục vụ mới thấy là chủ quán cũng đầu tư và tâm huyết với "quán" này lắm lắm. Khách bước vào khu vực công viên, chỉ mới đưa mắt nhìn chưa tìm được chỗ ngồi đã có người đến phát cho tờ báo lót ngồi.

An tọa, gọi đồ uống là trong 5 phút có ngay món mình thích. Cho dù khách có đông đến mấy cũng chẳng phải chờ lâu, cũng chẳng lo người ta quên món của mình, "nhân viên" ở đây khá đông, đi lại liên tục để coi khách có yêu cầu gì thêm chăng, nên cần gì là sẽ được đáp ứng ngay qua việc liên lạc bằng...bộ đàm!

Thức uống chế biến trong một con hẻm nhỏ gần công viên, một cậu thanh niên chạy xe máy chuyên mang một lần cả 2,3 khay nước uống ra đưa cho khách mà chẳng hề làm đổ giọt nào. Càphê ở đây pha khá ngon, món được yêu cầu nhiều nhất luôn là càphê sữa đá. Vị ngọt vừa phải, không quá nhiều càphê nên uống không bị gắt cổ, hương vị cũng khá đậm đà.

Người viết thích nhất là tính chân thật của những người bán café ở đây, có lần uống một ly càphê sữa đá 7 nghìn đồng, đưa tờ 100 nghìn, người bán chẳng có tiền thối đành hẹn chút nữa quay lại rồi đi một mạch về tận cuối công viên. Ngồi uống càphê đánh lô tô trong bụng chẳng biết tờ 100 nghìn của mình về đâu thì bàn tay thô nhám chìa ra 93 nghìn xòe trước mặt, kèm theo một nụ cười hết sức tự nhiên: "Xin lỗi nghen, nãy giờ lu bu quá quên thối!". Trăm lần như một, chưa bao giờ tính thiếu, tính nhầm, hay quên thối tiền cho một ai.

Café bệt Hàn Thuyên đặc biệt đông vào sáng chủ nhật. Bạn bè túm năm tụm ba ra đây hưởng cái không khí trong lành, thoải mái, tám chuyện với nhau rôm rả đến tận trưa mới chịu về. Hội yêu guitar, rocker, yêu nhiếp ảnh cũng ra đây hội họp, so tay đàn, so "đồ nghề" máy móc đủ cả. Không chỉ dành cho giới sinh viên, nhân viên văn phòng giờ ăn trưa hay giờ tan sở cũng thường xuyên ra đây hóng gió tán chuyện.

Trong công viên có cả wifi của những quán nước, biệt thự xung quanh, nên muốn chat chit hay lướt net cũng tha hồ thoải mái. Ngay cả những người lớn tuổi cũng thi thoảng ghé công viên làm một ly càphê đá, ngồi ngẫm nghĩ chuyện đời, trò chuyện với lớp trẻ. Có ông già đánh guitar, mandolin ở giữa công viên là nhân vật quen thuộc của café bệt Hàn Thuyên. Tuy chỉ quanh quẩn gẩy đi gẩy lại mấy bài, nhưng ai đến công viên uống càphê cũng thích thú với cái cách ông say sưa đàn và hát, không tư lự.

Phiền một nỗi uống càphê ở đây phải chú ý xe cộ, không sợ trộm cắp mà sợ công an phạt vì đậu xe trên vỉa hè. Mỗi lần nhác thấy bóng của công an hay trật tự, cả công viên nháo nhác lên ù té ra xe của mình để dẫn xe chạy, hồi hộp vậy mà lát công an đi rồi, xe ta lại về chỗ cũ chờ...chạy tiếp! Cả ban ngày cả buổi tối công viên vẫn tấp nập xe, người và café!

Café bệt công viên cũng xuất hiện ở cả công viên Gia Định và 23/9, nhưng vẫn không chuyêna nghiệp và được hưởng ứng bằng café ở Hàn Thuyên. Ở công viên Gia Định, "view" không đẹp và thoáng như ở Hàn Thuyên, lại thêm phần vệ sinh kém sạch sẽ nên rác rến khắp nơi, lại có mùi hôi thối, chẳng ai còn dám liều mạng với sức khỏe để "bệt". Cuối cùng, café bệt đành chịu thua đầu hàng trước sự tấn công ồ ạt của sương sáo, đá me, nước sâm, bông cúc...được bán trên vỉa hè kèm ghế nhựa đủ màu.

Ở công viên 23/9, café bệt cũng từng xuất hiện, nhưng khá mờ nhạt khi đi kèm sinh tố, nước ép, trà xanh..., lâu rồi cũng thấy im hơi lặng tiếng. Café bệt ở 23/9 đến giờ vẫn còn, nhưng hầu hết là dành cho các bác xe thồ, khuân vác. Ly café mang cả hơi thở nhọc nhằn, lo toan của người uống, chẳng hiều có phải vì thế không mà vị café ở đây, nếu đem so sánh với những nơi khác thì đắng hơn, đậm đà hơn một chút. Cũng chính vì vậy mà café nơi đây chẳng hợp với các cặp đôi tuổi teen hay tụ tập ở đây buổi tối chỉ thích thú với bánh tráng trộn, trà sữa, sinh tố trái cây.

Có ý kiến cho rằng uống café bệt ở công viên như thế thật mất mỹ quan đô thị, lại có nguy cơ công viên ngập trong rác thải. Nhưng theo người viết, uống café bình dân, café bệt công viên cũng là một nét văn hóa, "văn hóa bình dân". Ngồi trong công viên gió mát, thưởng thức một ly café sữa đá, và nhìn cảnh ông già cầm guitar dạy cho một du khách người Phi hát bài "Lý cây bông" gần đó, sẽ thấy nét "văn hóa bình dân" ấy đáng quý và tuyệt vời biết bao.

Theo Món ngon.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC