Phút ngẫu hứng cồng chiêng trong đêm bế mạcNhững phút ngẫu hứng của thành viên các đoàn cồng chiêng đã làm nên cái kết đẹp cho festival cồng chiêng quốc tế 2009. 

Tối 15/11, Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai đã bế mạc tại quảng trường 17/3.

Lễ khai mạc 3 ngày trước đây đã đưa tất cả Tây Nguyên lên sân khấu, không dành lại chút gì "sót lại" cho lễ bế mạc, nên ý tưởng của chương trình nghệ thuật trong đêm nay thật sự tạo được cảm giác... mờ nhạt. Kết cấu chương trình nghệ thuật sơ sài, nhiều chi tiết lặp lại từ âm nhạc, đạo cụ, trang phục của các diễn viên... Ngay cả sự xuất hiện của những chú voi và những màn pháo hoa cứ như "bê nguyên" từ lễ khai mạc sang lễ bế mạc.

Dù cũng chia thành các chủ đề Truyền thuyết Biển Hồ, Vòng tay Đam San, Bốn phương hội tụ, Pleiku chưa xa đã nhớ... nhưng việc thể hiện các chủ đề ấy trên sân khấu chủ yếu chỉ là những ca khúc được minh họa bởi những màn múa chuyên nghiệp trong trang phục có chút "hơi hướng" của Tây Nguyên.

Chương trình nghệ thuật hoàn toàn vắng bóng không gian văn hóa cồng chiêng, ngoài những ca từ có phần "áp đặt" kiểu "vòng xoang quyền rũ, vòng xoang vai trần, vòng xoang chiêng ngân, vòng xoang đêm lửa".

Sẽ phải coi âm nhạc là yếu tố thất bại nhất của lễ bế mạc: hoặc lặp lại của lễ khai mạc, hoặc là những ca khúc chưa nghe đã...quên (ngoại trừ "Pleiku chưa xa đã nhớ" tạo chút ấn tượng), hoặc chẳng ăn nhập với những gì đang diễn ra tại sân khấu. Thí dụ "nghe câu quan họ trên cao nguyên" xuất hiện trong lễ bế mạc cứ như "bê" cái khúc giã bạn của quan họ vùng kinh Bắc làm cái kết giã bạn cồng chiêng!

Lễ bế mạc được "vớt" lại bởi sự xuất hiện của các đoàn cồng chiêng tỉnh bạn và 4 đoàn cồng chiêng quốc tế (Campuchia, Lào, Myanmar và Phillipines, ngoại trừ đoàn Indonesia đã về sớm). Dù có chút "gán ghép" khi gọi phần này là lễ hội đường phố, nhưng sự xuất hiện của mỗi đoàn trong trang phục truyền thống phong phú về màu sắc, kiểu dáng, thể hiện nét đặc trưng nhất trong tiếng cồng chiêng, điệu múa khi "diễu hành" qua sân khấu đã kịp tạo dấu ấn của một lễ hội.

Đoàn Gia Lai với lực lượng đông đảo, 23 đội cồng chiêng (được chọn từ hơn 700 đội cồng chiêng của tỉnh) thể hiện thái độ mến khách hết mình của chủ nhà. Lễ bế mạc có nét khác biệt hơn khai mạc khi giới thiệu kỹ lưỡng hơn 4 đoàn cồng chiêng quốc tế. Các đoàn cồng chiêng trong nước được tôn vinh 2 lần, không chỉ theo tỉnh thành "cư trú", mà còn  bởi 22 dân tộc có mặt tại festival được dịp tôn vinh. Lại phải nói giá như phần diễu hành này đừng bị "hành hạ" bởi âm nhạc chẳng chút gì ăn nhập, để tiếng cồng chiêng có dịp được ngân vang.

Với những khán giả của truyền hình, phần diễu hành này có phần "đơn điệu" khi từng đoàn từng đoàn lần lượt qua sân khấu, nhưng khán giả tại quảng trường may mắn hơn khi được chứng kiến những phút ngẫu hứng của thành viên các đoàn suốt chiều dài quảng trường cũng như trên sân khấu lớn với nhiều tiểu cảnh.

Một lần nữa, niềm vui lại ngập tràn quảng trường khi phần truyền hình trực tiếp kết thúc, quan khách, khán giả và các đoàn cùng hòa mình trong những điệu múa rộn ràng không dứt.

Vậy là, khép lại festival cồng chiêng quốc tế đầu tiên.

Phút ngẫu hứng cồng chiêng trong đêm bế mạc_0
                 Cũng màn voi biểu diễn như lễ khai mạc

Phút ngẫu hứng cồng chiêng trong đêm bế mạc_1

Phút ngẫu hứng cồng chiêng trong đêm bế mạc_2

                                       Rực rỡ sắc màu...

Thu Trang - theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC