Tiếp thị nghệ thuật thế nào cho đúng?Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng, tiếp thị nghệ thuật càng phải có nghệ thuật. Nếu không hiểu điều này, những người làm tiếp thị sẽ làm hại chính mình.

Với lượng truy cập hơn 10.000 lượt người mỗi tháng, website hoanghaisinger góp phần giúp hình ảnh ca sĩ Hoàng Hải, mệnh danh là Hoàng tử V - pop, nổi như cồn trong mắt khán giả.

Hoàng Hải cho biết: “Qua website, tôi có thể biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình qua mỗi chương trình, vì tôi thường xuyên nhận được phản hồi từ khán giả, khen có, chê có”.

Tiếp thị nghệ thuật thế nào cho đúng?_0
Hoàng Hải cho biết: “Qua website, tôi có thể biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình qua mỗi chương trình, vì tôi thường xuyên nhận được phản hồi từ khán giả, khen có, chê có”. (Ảnh: HHT)

Không chỉ các cá nhân, tiếp thị bằng blog, website cũng bắt đầu được nhiều đơn vị nghệ thuật áp dụng. Một trong những website hoạt động hiệu quả là của công ty MegaStar, nơi khán giả có thể tìm hiểu lịch chiếu, giới thiệu tóm tắt về các bộ phim, và đặc biệt là những đoạn trailer (đoạn trích ngắn trong phim dùng để quảng cáo), với hình ảnh và âm thanh sống động. Anh Bùi Hồng Đăng, một khán giả ở Láng Hạ, Hà Nội cho biết, một website như vậy giúp anh rất nhiều trong việc lựa chọn phim trước khi xem.

Theo ông Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Thông qua website, chúng tôi có được nhiều dự án hợp tác lớn với nước ngoài. Website còn là cầu nối liên kết các nhà hát có cùng chức năng trên thế giới với nhau”. Ông cho biết, bên cạnh nội dung giới thiệu về nhà hát và các thế hệ nghệ sĩ như thông thường, website của nhà hát còn cập nhật thường xuyên lịch biểu diễn, giới thiệu tỉ mỉ các vở diễn mới. Trong khi đó, việc “nuôi” website lại rất đơn giản, không tốn kém. Nhà hát Tuổi Trẻ chỉ có một người thường xuyên cập nhật các chương trình, vở diễn và lịch diễn hằng tuần.

Tính đến thời điểm này, rất nhiều đơn vị văn hóa - nghệ thuật như Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Viện Trao đổi văn hóa với Pháp, Nhà hát Múa rối Thăng Long… đã có trang web xây dựng công phu.

Một hình thức tiếp thị hấp dẫn khác là đưa nhân vật trong phim xuất hiện trước công chúng, “đánh” vào tâm lý hiếu kỳ của khán giả, cũng được áp dụng thời gian gần đây. Ví như bộ phim Võ Lâm truyền kỳ, hãng phát hành đã cho người đóng giả các nhân vật trong phim đứng ở trước cửa các rạp, thu hút sự chú ý của người qua đường... Hay phim Khi đàn ông có bầu, Hãng phim Phước Sang đã tiếp thị bằng cách cho những người đàn ông mang cái bụng bầu "diễu hành" tại các khu quanh các rạp chiếu phim.

Tiếp thị nghệ thuật… thiếu nghệ thuật

Tiếp thị nghệ thuật thế nào cho đúng?_1

Poster phim Sự thật về tình yêu

Tuy nhiên, vì nóng lòng gây sự chú ý của công chúng, một số đơn vị đưa ra những chiêu tiếp thị “khó nhằn”, không hợp với văn hóa Việt Nam. Một ví dụ được nhiều người nhắc đến là Poster phim Sự thật về tình yêu, trong đó có hình một cô gái ngồi ở tư thế khêu gợi, bên cạnh là dòng chữ Hãy “củ cải” em đi!

Hiện, giữa Thủ đô, thường xuyên có những chiếc ô tô gắn loa đi khắp các phố phường quảng cáo các chương trình nghệ thuật. Không chỉ vi phạm quy định về văn minh đô thị, lời lẽ trên loa đôi khi còn lăng xê quá mức đối với những nhân vật không phải là “sao”, khiến người nghe khó chịu.

Chị Nguyễn Thị Hoa, nhà ở phố Lạc Trung nói về một trường hợp như vậy: “Chỉ thấy inh tai, nhức đầu. Họ cứ ra rả vào tai, ngày không biết bao nhiêu lần”. Bên cạnh việc tra tấn bằng loa, một số đơn vị còn phát tờ rơi chương trình có in hình nghệ sĩ cho khách đi đường, để rồi cả đoạn đường tờ rơi… rơi tung tóe.

Về vấn đề này, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng, tiếp thị nghệ thuật càng phải có nghệ thuật. Nếu không hiểu điều này, những người làm tiếp thị sẽ làm hại chính mình.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC