"Tôi không theo dòng chảy của thời cuộc"Với một đạo diễn đã có nhiều bộ phim để đời như đạo diễn Nhật Minh thì việc hẹn gặp ông thật là khó, khó ở đâu. Không phải vì ông quá bận hay là ông kiêu, chỉ bởi vì ông không muốn xuất hiện nhiều trên báo chí.

Được tiếp xúc và trò chuyện cùng ông trong lúc làm hậu kỳ cho bộ phim “Đừng đốt” về liệt sĩ Đăng Thùy Trâm, tôi có thể thấy được chân dung một nghệ sĩ đa tài, thẳng thắn, giản dị...

Phía sau những thước phim...?

- Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” khi công chiếu tại Mỹ đã mang đến cái nhìn đúng đắn hơn về hình ảnh của người chiến sĩ Việt Nam. Theo ông đó có phải là trọng tâm mà bộ phim này đạt được không?

- Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” là bộ phim đầu tiên ra khỏi biên giới Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt. Năm 1985 bộ phim đã có mặt tại Mỹ, nó mang đến một hình ảnh hoàn toàn mới về cuộc chiến và người chiến sĩ Việt Nam.

 

Trước đó, những phim Hollywood làm về chiến tranh Việt Nam với hình ảnh người Việt Cộng tàn ác. Mặc áo bà ba, quấn khăn rằn và cầm súng Aka bắn pằng pằng. Họ nghĩ về người chiến sĩ Việt Nam là thế, hành động, việc làm cũng vậy. Những bộ phim đó đã mang đến cho người Mỹ cái nhìn không đúng về Việt Cộng Việt Nam.

Họ nghĩ đó là “giống người” chỉ có biết đánh nhau, chỉ có lý tưởng cách mạng, không có trái tim, không có tình cảm gia đình. Chồng chết cũng không buồn, con mất cũng không đau, thế nhưng khi xem bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10”. Họ nhận ra được nỗi đau và nước mắt. Họ cũng đã hiểu ra rằng, sự mất mát của những người thân khi có con, em mình tham gia chiến đấu dù không cùng ngôn ngữ, không cùng màu da, không cùng đất nước.

- Được biết, ông từng thực hiện chuyến lưu chiếu tại Mỹ. Qua đó để giới thiệu một số bộ phim nổi tiếng do ông làm đạo diễn và nói chuyện về quá trình làm phim với sinh viên ở trường đại học tại các Bang. Trong thời điểm đó, ông thấy người Mỹ cảm nhận thế nào về bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10”?

 

- Bộ phim này đã được chiếu tại rất nhiều trường đại học ở Mỹ và họ đã phân tích bộ phim dưới nhiều khía cạnh. Họ nhận ra nét tinh tế trong từng chi tiết rất nhỏ của bộ phim ẩn chứa trong đó là nét đẹp văn hoá, lối suy nghĩ của người Việt. Tôi còn nhớ có một giáo sư người Hawaii, ông đã xem và chiếu bộ phim của tôi đến 100 lần cho sinh viên xem. Nhưng có một đoạn ông cứ thắc mắc là trong một đám giỗ, lúc chia tay chị dâu, cô em bảo chị mang hoa quả về. Cô chị miệng bảo không lấy nhưng tay lại nhón cầm một quả.

Có điều gì mâu thuẫn ở đây chăng? Khi được giải thích: Cầm một quả mang về là để lấy cái lộc chứ không phải giả dối, thì ông ấy cảm thấy rất thú vị. Cả hình ảnh chị Duyên tìm chồng trong phiên chợ âm dương làm người xem hiểu thêm rằng: “Trong tâm thức của người Việt Nam, không có sự cách biệt giữa người sống và người đã mất”. Yếu tố quan trọng nhất nằm ở giọt nước mắt của cô gái cuối bộ phim lại hé lộ một hy vọng hạnh phúc, đầy tính nhân văn. Vì thế mà bộ phim được đánh giá cao đồng thời nhận được rất nhiều giải thưởng trên thế giới.

- Bộ phim “Cô gái trên sông” nói về thân phận những người sống dưới đáy xã hội khiến nhiều người phải giật mình. Cũng là đề tài chiến tranh, nhưng “Bao giờ cho đến tháng 10” hoàn toàn khác hẳn. Nông thông đã được đổi mới, ông có “Thương nhớ đồng quê” vừa thi vị, vừa chua xót ấy không? Gần đây là bộ phim “Mùa ổi” với khung cảnh bao cấp đầy những ấm ức. Dường như ông luôn chọn một lối đi khác với những đạo diễn cùng thời?

- Tôi không suy nghĩ theo dòng chảy của thời cuộc mà tôi luôn đi trước và cảnh báo những điều có thể xảy ra. Bộ phim “Cô gái trên sông” tôi làm khi mọi người đang say sưa trong niềm vui chiến thắng. Tôi cảnh báo những người chiến sĩ, khi họ có thể quên đi những con người đã từng cưu mang che chở mình trong những ngày tháng chiến đấu, và điều đó đã xảy ra.

Để tạo ra được “vấn đề” ẩn sau những thước phim, đạo diễn phải là người có cá tính, có bản lĩnh sáng tạo. Khi bắt tay làm phim, tôi nghĩ đến những cái riêng, những suy tưởng về thời đại, về con người qua lăng kính của chính mình. Biết cương quyết khước từ những cái mà mình không thích, ắt sẽ tìm được cái gì đó riêng cho mình.

20090507 06 39 11 0

  20090507 06 39 13 1

Và tôi luôn làm phim như tôi nghĩ, dù có phải đối mặt với những thách thức hay khó khăn nào. Nếu có lời khuyên cho các đạo diễn trẻ mới vào nghề ở Việt Nam, tôi khuyên họ nên tự chứng minh rằng: “điện ảnh là sự khám phá và sáng tạo đừng nên bắt chước những người đi trước, dù đó là bắt chước những cái hay của họ”.

 

Liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm và những hồi ức của người mẹ

- Bộ phim về liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm là do ông viết kịch bản. Ông có thể tiết lộ động lực hay cơ duyên nào đưa ông đến quyết định viết kịch bản và làm đạo diễn cho bộ phim này?

- Cuối năm 2005, khi được đọc cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm tôi vô cùng xúc động. Sau đó được biết thêm những thông tin về số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm trước khi nó được trả lại cho gia đình. Tôi bỗng nhiên có ý muốn viết tất cả những chuyện này thành một kịch bản phim truyện. Từ suy nghĩ đến hành động, tôi cầm nhanh cây viết, viết lên những cảm nhận mà mình biết được, đọc được.

20090507 06 39 17 2
Poster phim "Đừng đốt"

Một tháng sau, khi hoàn thành kịch bản. Tôi thấy rất sung sướng, đối với tôi lúc đó viết là chỉ để thoả mãn những cảm xúc của cá nhân. Cũng như Đặng Thuỳ Trâm viết nhật ký là để cho cô, chứ không phải để cho mọi người cùng đọc. Nhưng đúng là có “duyên” khi đến một ngày, ông Nguyễn Phúc Thành ở cục điện ảnh có gọi cho tôi nói rằng: “Bây giờ cục có chủ trương làm phim Đặng Thùy Trâm, chú có quan tâm đến không?. Như có một điều gì đó thôi thúc tôi. Tôi bảo rằng tôi rất thích và tôi đã viết”. Ông Phúc Thành liền nói: “Vậy thì xin mời chú gửi lên cho tôi, tôi muốn đọc tất cả để chọn ra cái hay nhất và tốt nhất”.

Thế là tôi gửi và kịch bản của tôi được lựa chọn. Nhân đây tôi cũng muốn cảm ơn ông Nguyễn Phúc Thành, nếu không có một ông cục trưởng tôn trọng đạo diễn thì có lẽ kịch bản của tôi mãi mãi chỉ nằm trong tủ giấy. Bởi giờ đây tôi thực chất đã về hưu không còn thuộc hãng phim nào.

- Diễn viên Minh Hương đã được chọn. Cô ấy có đặc điểm gì nổi bật tạo ấn tượng để ông quyết định liều lĩnh giao vai cho một diễn viên không phải chuyên nghiệp đóng một bộ phim lớn. Hơn nữa đây lại là hình ảnh liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã trở thành thần tượng của rất nhiều người?

- Tôi chọn Minh Hương với rất nhiều lý do, dù Minh Hương không có nhiều nét giống liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm ngoài đời. Tôi và gia đình xác định cả đời này chỉ có một cô Đặng Thùy Trâm, nên không yêu cầu diễn viên đóng vai này phải giống về ngoại hình nhưng cái thần thái, cái sự trong sáng thì phải đạt được. Phải dung dị, trong sáng, một vẻ đẹp toả ra từ bên trong.

20090507 06 39 20 3
20090507 06 39 23 4
Minh Hương được chọn vào vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhờ khuôn mặt nhân hậu, trong sáng

Yêu cầu là một người biết nghề, chứ không phải là tay bo ở ngoài đường ngoài phố nhặt vào. Nhưng cũng không được xuất hiện nhẵn mặt trên ti vi, truyền hình. Minh Hương đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Một khuôn mặt nhân hậu, với vai trò MC cô cũng không xa lạ gì với máy quay. Khi làm việc thì có một ưu điểm lớn là cô rất thông minh, đó là cái may mắn với tôi ở cương vị một đạo diễn.

- Có thông tin một đạo diễn nổi tiếng người Mỹ muốn làm bộ phim về liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Nhưng mẹ của liệt sỹ chỉ đồng ý khi bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông nghĩ gì về điều này?

- Nói về mặt tình cảm gia đình thì mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm rất ủng hộ tôi. Tôi nghĩ, thứ nhất là tôi là người Huế, gia đình Đặng Thùy Trâm cũng là người Huế. Cụ thân sinh ra tôi là nhà giáo Đặng Văn Ngữ cũng hy sinh trong chiến tranh như cô Đặng Thuỳ Trâm. Đặng Thuỳ Trâm còn là học sinh của bố tôi, vì vậy mà nó có một sợi dây tình cảm thiêng liêng.

Điều quan trọng là, qua những bộ phim tôi đã làm, gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm có cơ sở để tin tưởng vào khả năng của tôi. Khi kịch bản được duyệt, phải qua rất nhiều công đoạn, không phải có tiền ngay để làm. Trong lúc đó tôi lại nghe nói rằng, một hãng phim ở phía Nam định mời đạo điễn nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone thực hiện. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội tốt, bởi trước hết Oliver Stone là một đạo diễn giỏi và kinh phí cho bộ phim sẽ rất lớn.

20090507 06 39 26 5

Đạo diễn Đặng Nhật Minh trên trường quay phim "Đừng đốt"
20090507 06 39 29 6
Với đoàn làm phim tại Mỹ (ảnh: Mỹ Thuật)

Tôi cũng đã đề cập vấn đề này với mẹ của liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm rằng: Nếu họ có đặt vấn đề thì gia đình cũng cứ nhận. Lúc đó bà cụ có nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Ai làm cũng được, nhưng hãy để cho anh Minh làm trước”. Chỉ một câu nói rất nhẹ nhàng của bà cụ mà tôi thấy như một trách nhiệm nặng nề. Và tôi chỉ có “con đường” là cố gắng hết sức để không phụ niềm tin của gia đình Đặng Thùy Trâm đã dành cho mình. Còn nếu nói là gia đình chỉ ủng hộ ông Đặng Nhật Minh thì không chính xác. Tôi không bao giờ tự vỗ ngực nói như thế, bởi đó không phải là tính cách của tôi.

- Được biết bộ phim có nhiều bối cảnh diễn ra tại Mỹ và có sự tham gia của diễn viên Mỹ. Việc lựa chọn diễn viên này ông có gặp khó khăn gì không?

- Bối cảnh ở Mỹ chiếm khoảng 1/3 phim, do các diễn viên Mỹ đông nên việc chọn quay phim người Mỹ được xem là giải pháp tâm lý. Để tạo sự kết nối đồng điệu các thành viên trong đoàn làm phim đã có nhưng sáng tạo trong từng cảnh quay. Quá trình tìm diễn viên Mỹ thì tôi lại ở Việt Nam, tôi có một cô phó đạo điễn sống tại Mỹ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Cuộc casting này diễn ra làm nhiều giai đoạn, trước tiên là chọn diễn viên qua ảnh rồi gửi qua email.

Tôi phải cảm ơn thời đại internet, nếu không có nó thì tôi không thể làm việc thuận lợi như vậy. Những người được chọn là những diễn viên chuyên nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tại Mỹ.

20090507 06 39 32 7
Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên Mỹ

Cho đến phút này, tuy phim chưa hoàn thành (vào thời điểm đạo diễn trò chuyện với phóng viên), mới chỉ xong phần dựng hình ảnh nhưng tôi có thể nói rằng: “Tôi đã có hạnh phúc lớn khi được làm bộ phim này bên cạnh đó còn có những cộng sự làm việc hết lòng vì bộ phim”.

Nơi tôi thấy bình yên

- Khán giả cảm động vì những chi tiết tinh tế, diễn viên đóng đạt, nội dung lại rất Việt Nam! Kết thúc phim thường để lại cho người xem những suy nghĩ về lối sống, đạo đức... hoàn thiện nhân cách. Đó phải chăng là mục đích ông muốn gửi đến?

- Trong quá trình tìm hiểu kịch bản, chọn diễn viên và hoàn thiện bộ phim tôi luôn cố gắng làm sao để khi bộ phim công chiếu người xem được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật “đúng nghĩa”. Khán giả có thể xúc động cùng nhân vật về niềm vui và nỗi buồn, luôn hướng mình đến lối sống tốt hơn và thánh thiện hơn. Đó là tiêu chí tôi đặt ra khi làm đạo diễn cho một bộ phim hay.

- Hiện nay đến rạp xem phim chủ yếu là giới trẻ, đó là những kịch bản phù hợp với lứa tuổi “teen”. Những vai diễn để đời của các ngôi sao ngũ tuần đã trở nên không phù hợp. Không một nhà sản xuất nào dám đi trái thị hiếu của giới trẻ, với cương vị là một đạo diễn trước hiện tượng này ông nghĩ gì?

- Hiện nay “Thượng đế” của nền điện ảnh là lứa tuổi khán giả từ 15 cho đến 25. Người ta làm phim cốt để lớp khán giả này bỏ tiền ra mua vé. Bởi vậy nên điện ảnh Việt Nam cũng được định hướng trên thị hiếu của những “Thượng đế" này. Nếu như bạn làm ngược lại thì xem như bị “trái chiều”, lạc hậu và không theo xu hướng chung của thời đại. Theo tôi đó chính là thực trạng đáng buồn của nền điện ảnh ngày nay.

- Cô đơn thường làm cho người ta chán nản. Đặc biệt là những nghệ sĩ sáng tạo, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Người xưa có câu: “Ta dại tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”. Tôi thích làm người “dại” bởi người nghệ sỹ luôn luôn là người “dại”. Ngay cả lúc anh lấy một tác phẩm nghệ thuật để làm điểm tựa, sự cô đơn đó cũng không thể tránh khỏi. Vì đâu có ai suy nghĩ giống ai, không tìm được tiếng nói đồng cảm, cô đơn sẽ hiện hữu.

20090507 06 39 35 8

- Cha ông đã từng định hướng cho ông theo nghề y. Nhưng ông lại chọn nghề đạo diễn, nếu giờ được chọn lại ông sẽ lựa chọn nghề nào trong hai nghề trên?

- Tôi vẫn sẽ đi theo nghề đạo diễn, bởi nếu tôi đi theo nghề y thì tôi không thể nào vượt qua nổi cái bóng quá lớn của cha mình. Nhưng điều quan trọng nhất là nghề y là nghề đạo diễn đều có một mối quan tâm chung đó là “Con người”.

- Ông có thể cho biết về tổ ấm của mình?

- Tôi cảm thấy yên tâm với người bạn đời của mình, vợ tôi là một phụ nữ luôn có trách nhiệm và suốt đời lo cho chồng, cho con và đến bây giờ bà lại lo cho cháu. Bà ấy luôn xem đó là hạnh phúc của mình. Con cái tôi đều đã trưởng thành nhưng không đứa nào làm nghệ thuật. Gia đình là mái ấm bình yên khi tôi trở về sau những bộ phim.

- Làm điện ảnh và còn là một người viết văn, ông có nghĩ là mình là người đa tình?

- Người làm sáng tác phải là ngưòi giàu cảm xúc. Tôi tự nhận mình là người đa cảm thì đúng hơn.

- Sau bộ phim “Đừng đốt” ông còn có những dự tính nào khác cho kế hoạch năm 2009?

- Trước mắt, tôi phải cố gắng hoàn thành tốt nhất những công việc còn lại để bộ phim sớm ra mắt khán giả. Có lẽ đó là kế hoạch cụ thể nhất của tôi trong đầu năm 2009 này.

Theo Mỹ thuật.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC