Trung thu phố cổ: Đông, Tây hòa trộnTrung thu giờ không đơn thuần là trông trăng phá cỗ. Đang có xu hướng carnaval hóa lễ hội truyền thống này. 

Ít trò dân gian

Vừa tới điểm gửi xe phường Hàng Mã, thấy hai bạn trẻ lỉnh kỉnh hai chiếc đèn kéo quân to cỡ một người ôm, thêm cái đầu con sư tử nhỏ, mấy miếng vải màu gấp - chắc là đuôi sư tử. “Bọn em mua cho nhóm mà, phải hoành tráng”- Cô gái giải thích.

Khác hẳn những mùa Trung thu trước, năm nay đèn kéo quân bày nhiều. Tại cửa hàng Kim Sâm treo nhiều đèn nhất,  thấy so với đèn truyền thống thì đèn bây giờ đơn giản hơn, không nhất thiết đủ sáu màu.

Hình giấy cắt không có đoàn quan, quân, voi, ngựa giấy - thay vào đó là những con vật, hoa lá và tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Giá đèn không hề rẻ, chiếc to nhất 250.000 đồng. Đắt nhất là đèn có khung gỗ. Bên trong có điện thay nến. Giá phát 320.000 đồng. Hai anh khách nom tươm tất kiểu dân văn phòng, kì kèo, chủ hàng thủng thẳng: “Ở đây chỉ nói thách một chút thôi”.

Đèn này nhập từ đâu về chị? “Cửa hàng tôi toàn hàng nội”. Tìm một cửa hàng như thế ở con phố này giờ hơi khó. Hóa ra những cây đèn kéo quân này do nghệ nhân ở Thường Tín (Hà Nội) làm. Nhà sản xuất không quên lưu lại tên: Cơ sở sản xuất Thanh Tâm - xóm Chùa, thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, chuyên sản xuất đèn kéo quân và các loại đèn lồng. Thế là đèn kéo quân hồi sinh thật. Phải thế chứ!

Đèn ông sao năm cánh vẫn nhiều, nhất là có đội ngũ bán rong góp mặt. Chị Thanh ở Thanh Xuân mua ba đèn ông sao: “Tôi mua cho cháu tôi mỗi đứa một cái. Mua gì thì mua nhưng nhất định không thiếu đèn ông sao”.

Hơn 9 giờ tối ngày 12 âm lịch, đi khắp dãy phố thuộc hệ thống lễ hội “Trung thu phố cổ”, cả chợ Đồng Xuân, không thấy tụ điểm biểu diễn văn nghệ dân gian như công bố.

Trung thu phố cổ: Đông, Tây hòa trộn_0
Như trong ngày hội hóa trang, diễu hành ở Âu, Mỹ.

Carnaval hóa

Các đồ chơi dân gian như đèn cù, đèn ông sao, đầu sư tử, trống, chú tễu... không khó tìm ở lễ hội “Trung thu phố cổ” nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ. Chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Nhiều thứ xuất hiện từ những mùa trước, có thứ mới bổ sung. Nào những hình ảnh trong truyện cổ tích, những bộ phim yêu thích.

Ở đoạn ngã năm Hàng Mã cắt Hàng Lược có những cửa hàng tóc giả y như ở chợ Tây - kiểu ngôi sao màn bạc, ngôi sao ca nhạc, cổ động viên bóng đá nước ngoài, trông ngộ nghĩnh.

Định đưa lên đầu làm một kiểu, chị chủ hàng chặn lại: “Mua ít nhất một bộ mới được thử”. Chọn bộ tóc giả vàng hoe, xoăn bồng bềnh ngang thắt lưng giống siêu sao phim Mỹ, 45.000 đồng/bộ.

Tóc giả phải đi kèm mũi to, tròn đỏ chót của anh hề xiếc châu Âu, mất hơn hai chục nghìn nữa. Những đôi cánh trắng thiên thần gắn sau lưng, đủ loại từ giả lông vũ đến vải.

Năm nay, mũ và gậy của vua hề Charlie Chaplin cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Mũ làm từ vật liệu tựa như bóng kính quét nhũ. Gậy bọc giấy màu, giấy bạc. Cả bộ râu và cái mũi của vua hề. Mỗi thứ vài chục nghìn, nhiều bạn trẻ trưng diện ngay sau khi trả tiền.

Nhiều mặt nạ trắng, nhũ, hai mặt đen trắng chia nửa hay chỉ đơn thuần là những đôi mắt trang điểm thêm lông vũ. Tất cả như tái hiện một chàng trai bí ẩn trong phim Hollywood hay những cô gái trong lễ hội giả trang châu Âu.

Dạo một vòng Trung thu phố cổ - tâm điểm của Hà Nội, có thể thấy ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi đẹp, hóm hỉnh, đánh trúng tâm lý giới trẻ hiện vẫn bỏ ngỏ.

TP.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC