Văn hóa xếp hàngThời bao cấp hình như mọi sinh hoạt đều phải xếp hàng. Mua gạo, mua thịt phải xếp hàng. Đi ăn sáng, ăn trưa tại các cửa hàng mậu dịch ăn uống cũng xếp hàng. Nước sinh hoạt không vào tận từng gia đình như bây giờ và muốn có nước phải xếp hàng trước máy nước công cộng...

Công cuộc đổi mới hơn hai chục năm qua do Đảng ta phát động và lãnh đạo đã không chỉ đưa đất nước có sự phát triển vượt bậc về kinh tế mà đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng được cải thiện với tất cả sự thuận lợi một cách rõ ràng.

Không biết chuyện xếp hàng xưa có phải là nỗi ám ảnh kéo đến tận bây giờ hay không mà sao hôm nay thay vì xếp hàng, người ta lại có thói quen thích chen ngang đến vậy! Chắc là không phải vì người già sống từ thời bao cấp lại là những người tôn trọng thứ tự nhất và thành phần chen ngang lại thường là lớp thanh niên trẻ chưa hề biết khái niệm xếp hàng thời quá khứ.

Xếp hàng là một nét văn hóa thể hiện sự tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng. Đất nước càng văn minh, phát triển thì chuyện xếp hàng càng là một thói quen và việc chen ngang quả là một sự lạ. Thế nhưng, ở ta hình như đang thiếu “văn hóa xếp hàng”. Đèn đỏ tại ngã tư bật rồi mà vẫn có người tranh thủ vượt lên. Đường tắc nếu xếp hàng chờ thoát tắc hẳn nhanh hơn 3, 4 xe ôtô dàn hàng ngang và rủi có xe chữa cháy, xe cấp cứu cần đường thì có rú còi cũng đành chịu. Ấy là chưa kể xe máy tranh thủ phi lên vỉa hè. Vào siêu thị, tại quầy thanh toán cũng có người thích chen ngang. Thang máy thường có ở nơi sang trọng lịch sự mà cũng chen, không quá tải cũng cố chen vào trước...

Chuyện chen ngang không hẳn vì cần, vì vội mà vì thiếu cái văn hóa xếp hàng tối thiểu. Đây là tâm lý sốt ruột hay thích hơn người khác? Sốt ruột cũng có ví dụ như ở ô đóng dấu BHYT tại các BV, có loa gọi đến tên thì vào nhưng người ta vẫn thích chen nhau đứng chật trước bàn BHYT. Đèn đỏ ngã tư chuyển thành đèn xanh chả ai muốn dừng nhưng những người đứng sau vẫn nhấn còi inh ỏi. Nhưng có lẽ phần lớn là tâm lý thích hơn người! Đường tắc vẫn cố lách cốt hơn nhau nửa bánh xe máy. Nhà xây sau phải cao hơn nhà xây trước dù chỉ vài hàng gạch. Xếp hàng thử máu tại BV chỉ 15-20 phút nhưng cũng phải chen để rồi sau đó có thể ngồi buôn chuyện với người quen cả tiếng.

Từ thời bao cấp đến đổi mới là cả một khoảng cách lớn giữa vất vả và tiện lợi nhưng cũng xuất hiện một khoảng cách đáng buồn từ cực này sang cực nọ là Xếp hàng và Chen ngang!

Đấy là nỗi buồn về văn hóa. Một đất nước dù phát triển đến mấy nhưng văn hóa xếp hàng không có, xếp hàng không thành thói quen thì đất nước ấy chưa thể gọi là văn minh.

Hà Anh - TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC