Một vụ việc nghiêm trọng vừa làm rúng động dư luận khi Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị khởi tố vì liên quan đến đường dây sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng giả. Vụ việc không chỉ phơi bày lỗ hổng trong quản lý ngành y tế mà còn là một cú giáng mạnh vào lòng tin của người dân đối với những người được giao trọng trách bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Niềm tin sức khỏe bị phản bội: Khi người gác cổng an toàn thực phẩm lại chính là kẻ mở đường cho hàng giả

1 Cuc Truong Bi Khoi To Vi Tiep Tay Thuc Pham Chuc Nang Gia Cu Tat Vao Niem Tin Cong Chung

Khi người gác cổng lại mở cửa cho kẻ buôn độc

Chỉ vài ngày trước, trong buổi trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến chất lượng sữa, thuốc và thực phẩm chức năng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định chắc nịch: "Ngành y tế đã làm hết trách nhiệm khi ban hành đầy đủ các quy định." Ông còn nhấn mạnh rằng: "Có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó có vấn đề đạo đức kinh doanh."

Nhưng thật trớ trêu, chỉ ít ngày sau, chính cái gọi là “đạo đức” ấy lại bị bóc trần qua vụ khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – vì liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả. Vị lãnh đạo từng được xem là người “gác cổng” cho sức khỏe cộng đồng nay bị nghi ngờ là mắt xích trong một chuỗi gian lận trắng trợn.

Đằng sau những lời trấn an là sự tiếp tay nguy hiểm

Nếu đây là “làm hết trách nhiệm”, thì người dân chỉ còn cách tự trồng rau, tự pha vitamin để bảo vệ bản thân. Trong khi cơ quan chức năng đưa ra những phát ngôn trấn an, thì người đứng đầu bộ phận chịu trách nhiệm giám sát lại bị tố tiếp tay cho hành vi sản xuất hàng giả – một sự phản bội không thể tha thứ đối với niềm tin của xã hội.

Tem thật – sản phẩm giả: Niềm tin bị hợp pháp hóa bằng con dấu

Thị trường thực phẩm chức năng từ lâu đã là “mỏ vàng” với quảng cáo rầm rộ, quy trình cấp phép dễ dãi và các đợt thanh kiểm tra mang tính hình thức. Người tiêu dùng đang phải đối mặt với một ma trận đầy rủi ro: sản phẩm giả được khoác lên mình vỏ bọc hợp pháp bằng dấu đỏ, chữ ký, con mộc từ chính cơ quan quản lý.

Khi người đứng đầu cơ quan này bị khởi tố, câu hỏi đặt ra là: có bao nhiêu sản phẩm giả khác vẫn đang nằm trên kệ, được “bảo kê” bởi sự im lặng hoặc đồng lõa?

Không phải một con sâu – mà là cả một hệ thống mục ruỗng

Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng ông Nguyễn Thanh Phong là cá biệt. Một đường dây hàng giả quy mô lớn không thể tồn tại nếu không có sự tiếp tay từ nhiều khâu: từ xét duyệt hồ sơ, hậu kiểm, đến việc làm ngơ trước những dấu hiệu bất thường. Đây không còn là vấn đề cá nhân, mà là dấu hiệu của một hệ thống quản lý lỏng lẻo, thậm chí là suy đồi.

Bộ trưởng Y tế cần lên tiếng – và hành động

Bộ Y tế luôn khẳng định sứ mệnh “vì sức khỏe nhân dân”, nhưng khi sự cố xảy ra, người đứng đầu ngành lại chưa có hành động cụ thể, chỉ né tránh và đổ lỗi cho “đạo đức kinh doanh”. Khi chính người có trách nhiệm giám sát lại trở thành kẻ tiếp tay cho tội ác, thì đó không còn là lỗi của doanh nghiệp, mà là thất bại nghiêm trọng của hệ thống quản trị y tế.

Một nền y tế chỉ thực sự an toàn khi được dẫn dắt bởi sự minh bạch, liêm chính, và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Phong là lời cảnh tỉnh rõ ràng: nếu không cải cách tận gốc, chúng ta đang đặt cược sức khỏe toàn dân vào tay một bộ máy giả dối.

Không thể tiếp tục đổ lỗi. Trách nhiệm cần được nhìn nhận đúng – và nếu cần, bắt đầu bằng hai chữ: từ chức.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC