Việc lựa chọn rời bỏ Việt Nam để bắt đầu cuộc sống mới tại một quốc gia khác luôn là một quyết định lớn. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: “Liệu nước Đức có thực sự đáng để sống?”

Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu ba khía cạnh then chốt: mức độ an toàn, chi phí sinh hoạt và cơ hội nghề nghiệp tại quốc gia này.

Ba khía cạnh quan trọng cần cân nhắc trước khi quyết định định cư tại Đức

 

brandenburguer tor 700264 640

 

 

Đức có phải là quốc gia an toàn?

So với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là một số nước châu Âu như Pháp hay Ý, Đức được đánh giá là nơi khá an toàn để sinh sống. Với hệ thống luật pháp nghiêm ngặt và lực lượng cảnh sát hoạt động hiệu quả, người dân tại đây có thể yên tâm phần nào về cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, không nơi nào hoàn hảo tuyệt đối. Sự gia tăng số lượng người nhập cư trong những năm gần đây đã kéo theo một số vấn đề xã hội nhất định. Một bộ phận cư dân đến từ các quốc gia có nền dân trí chưa cao có thể gây ra những xung đột văn hóa, làm gia tăng sự căng thẳng trong cộng đồng. Điều này khiến không ít người Đức có cái nhìn e ngại hơn với người nước ngoài, dù phần lớn người nhập cư đều sống và làm việc hợp pháp, chăm chỉ và hòa nhập tốt.

Chi phí sinh hoạt tại Đức có đắt đỏ?

Chi phí sinh hoạt ở Đức nhìn chung khá ổn định và hợp lý so với mặt bằng chung của châu Âu. Dù có những đợt tăng giá, đặc biệt vào đầu năm 2022, nhưng thị trường sau đó đã có dấu hiệu bình ổn trở lại.

Tuy nhiên, một số mặt hàng như trái cây nhập khẩu vẫn có giá thành khá cao. Ngoài táo và chuối, nhiều loại trái cây khác có giá “chát” và ít lựa chọn trong siêu thị Đức, buộc người tiêu dùng phải tìm đến các cửa hàng châu Á – nơi giá cả thường cao hơn đáng kể. Một ví dụ điển hình là mớ rau muống chưa đến 1kg có thể có giá hơn 200.000 VNĐ.

Giá điện tại Đức cũng không quá cao nhờ sự cạnh tranh giữa nhiều nhà cung cấp. Người dân có thể sử dụng công cụ như Check24 để tìm ra mức giá phù hợp nhất. Tuy nhiên, chi phí thuê nhà lại là bài toán nan giải, đặc biệt tại các thành phố lớn. Giá thuê trung bình hiện rơi vào khoảng 10 euro/m2 và tình trạng khan hiếm nhà ở đang ngày càng nghiêm trọng.

Cơ hội nghề nghiệp tại Đức có rộng mở?

Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành yêu cầu kỹ năng và trình độ cao. Những ngành nghề đang “khát” nhân lực có thể kể đến như công nghệ – kỹ thuật, giáo dục, điều dưỡng, chăm sóc người cao tuổi...

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Đức đang đầu tư lớn vào lĩnh vực này thông qua chương trình mang tên "Künstliche Intelligenz". Những vị trí như nhà phát triển AI (KI-Entwickler) đang được săn đón và có mức thu nhập cao, dao động từ 51.000 đến 77.000 euro mỗi năm.

Ngành điều dưỡng cũng là một điểm sáng khi Đức đang bước vào giai đoạn dân số già hóa nhanh. Từ năm 2022 đến 2070, nước này dự kiến sẽ nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho người Việt, đặc biệt là những người chăm chỉ, kiên nhẫn và có kỹ năng tốt. Mức lương cho nhân viên điều dưỡng có thể lên đến 30.000 euro/năm, kèm theo nhiều chế độ phúc lợi ổn định.

Kết luận

Từ ba khía cạnh chính – an toàn, chi phí sinh hoạt và cơ hội nghề nghiệp – có thể thấy Đức vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc cho những ai đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Dù hành trình lập nghiệp nơi xứ người luôn có những thử thách, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần cầu tiến, thành công là điều hoàn toàn khả thi.

Chúc bạn luôn mạnh khỏe, giữ vững tinh thần và sớm tìm thấy một cuộc sống như mơ ở nơi đất khách.

Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC