Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (P) và thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sau cuộc họp song phương trước thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 5 tháng 7 năm 2025. AFP - PABLO PORCIUNCULA
Một ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh, hôm qua, tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, đã khẳng định : “Đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, các quốc gia mới nổi phải bảo vệ chế độ thương mại đa phương và cải cách cấu trúc tài chính quốc tế”.
Theo dự thảo tài liệu về thông cáo chung mà hãng tin AFP tham khảo được, các nước thuộc khối BRICS, sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các biện pháp thuế quan và phi thuế quan gây ảnh hưởng đến thương mại. Tài liệu nhấn mạnh rằng các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến “sự phát triển kinh tế trên toàn thế giới”, ám chỉ đến cuộc chiến thuế quan do Donald Trump khởi xướng.
Khối BRICS là chữ cái đầu bằng tiếng Anh của các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, chiếm gần 45 % dân số và đại diện cho 40 % GDP của thế giới. Những năm vừa qua, khối đã mở rộng, kết nạp thêm một số nước mới nổi khác như Indonesia, Ả Rập Xê Út, Iran.
Đây là thượng đỉnh BRICS đầu tiên chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt, mà thay vào đó là thủ tướng Lý Cường đại diện cho Bắc Kinh tại hội nghị. Điều này dấy lên đồn đoán về những lục đục trong nội bộ Trung Quốc, nhằm giảm bớt hiện diện của ông Tập trên trường quốc tế. Ngoài ra, tổng thống Nga cũng vắng mặt. Ông Vladimir Putin đã bị Tòa án Hình sự quốc tế phát lệnh truy nã do cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, điện Kremlin cho biết ông Putin sẽ tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến. Về phía Ấn Độ, một trong những thành viên chủ chốt của BRICS, New Delhi muốn cố gắng khẳng định vị thế của mình khi lãnh đạo Nga và Trung Quốc cùng vắng mặt.
Từ New Delhi, thông tín viên Côme Bastin tường trình :
“Narendra Modi đến Rio de Janeiro, tham gia vào cuộc chạy đua marathon ngoại giao, sau khi đến thăm Ghana, Kenya và Cộng Hòa Trinidad và Tobago. Sau đó, thủ tướng Ấn Độ sẽ rời Brazil và thăm chính thức Achentina.
Thượng đỉnh BRICS là một lộ trình quan trọng trong chuyến công du này. Harsh Pant, giám đốc của cơ quan Observer Research Foundation cho rằng : « Kinh tế là vấn đề trọng tâm của hội nghị đối với Ấn Độ. Trong khi Donald Trump đang tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ, mục tiêu là bù đắp bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa các nước mới nổi.»
Ấn Độ còn có một ưu tiên khác : bảo vệ lập trường ôn hòa trong một diễn đàn thường có đường lối chống phương Tây của bộ đôi Bắc Kinh-Matxcơva. Theo ông Pant, « thách thức đặt ra là làm sao chống lại sự thống trị của Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích của Ấn Độ và tinh thần đa phương của BRICS. Đó là cách quản trị toàn cầu để tổ chức này trở nên minh bạch và toàn diện hơn ».
Các cuộc thảo luận tại hội nghị cũng sẽ đề cập đến vấn đề Trung Đông. Ấn Độ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Iran và Israel, và sẽ tìm cách giảm leo thang căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là với sự hiện diện của Ả Rập Xê Út, một nhân tố chủ chốt trong khu vực và là thành viên mới của BRICS.”
EU hy vọng ký được thỏa thuận thương mại với Mỹ
Một phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu đang có mặt ở Washington để tìm cách hóa giải lời đe dọa thuế quan của tổng thống Donald Trump, trước hạn chót ngày 09/07. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Eric Lombard, trong bài phát biểu ngày 05/07 tại Aix được AFP trích dẫn, hy vọng « sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này. Nếu không châu Âu chắc cũng sẽ phải thể hiện mạnh mẽ hơn trong cách đáp trả để tái cân bằng ».
Nhật Bản, nước bị áp thuế đối ứng 30-35%, cũng có phản ứng kiên quyết tương tự. Ngày 06/07, thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định « sẽ không dễ dàng thỏa hiệp », chính vì vậy các cuộc đàm phán thương mại với Washington « kéo dài và rất khó khăn ».
Nguồn RFI
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Thái tử Iran Reza Pahlavi kêu gọi lật đổ chế độ Mullah sau cuộc tấn công của Israel 15/06/2025
-
Nga tìm cách lôi kéo Lào tham chiến ở Ukraine, tình báo Ukraine cáo buộc 05/07/2025
-
Hun Sen tung bản ghi âm cuộc trò chuyện riêng khiến Thủ tướng Thái Lan bẽ bàng 18/06/2025
-
Nga đặt điều kiện mới để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine: NATO rút khỏi khu vực Baltic 11/06/2025