Dù Thành phố Hà Nội đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, khi số ca mắc ngoài cộng đồng những ngày qua giảm. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại đây vẫn luôn tiềm ẩn.

"Vùng trũng" của dịch

Tính từ ngày 24/7 dến ngày 21/9, thành phố Hà Nội đã trải qua 4 đợt giãn cách, trong thời gian gần 2 tháng. Trong thời gian thực hiện đợt giãn cách thứ nhất (từ ngày 24/7 đến 7/8), trung bình trên địa bàn thành phố ghi nhận 71,2 ca Covid-19/ngày. 

Tuy nhiên, tới đợt giãn cách lần thứ 4, số ca dương tính đã giảm với 353 ca Covid-19, trung bình là 27,7 ca/ngày. Trong đó, số ca mắc cộng đồng cũng giảm mạnh từ 35 ca/ngày ở đợt giãn cách thứ nhất xuống còn 2,7 ca/ngày ở đợt giãn cách thứ 4.

PGS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hình hình dịch bệnh tại Hà Nội về cơ bản đã được kiểm soát. Nhờ có giãn cách xã hội, Hà Nội đã làm chậm được chuỗi lây nhiễm, giảm số ca bệnh trong cộng đồng. 

1 Pgs Nguyen Huy Nga Canh Bao Ha Noi La Vung Trung Nguy Co Rat Cao 3 Noi De Bung Dich Can Dac Biet Luu YBiển người" chen lấn trên phố đi bộ hồ Gươm trước đêm Trung thu năm nay

Ngày 21/9, Hà Nội đã nới lỏng sau 4 đợt giãn cách, việc nới lỏng giãn cách là hoàn toàn hợp lý với điều kiện hiện nay của Hà Nội.  

Tuy nhiên, dịch bệnh tại Hà Nội đã tồn tại trong cộng đồng cho nên vẫn luôn thường trực nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân là do Hà Nội được coi là "vùng trũng" của dịch nên nguy cơ cao. Khi mà dịch của thành phố vẫn đang tồn tại trong cộng đồng, các địa phương lân cận (Hà Nam) tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp.

PGS Huy Nga cho hay:

"Hà Nội sẽ không thể sạch được ca bệnh, chắc chắn thành phố vẫn sẽ xuất hiện các ca bệnh hoặc chuỗi ca bệnh. Mới đây nhất là chùm ca bệnh tại tại phường Việt Hưng, quận Long Biên dù thành phố đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ vùng dịch về, nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%".

Theo vị chuyên gia dịch tễ trong thời gian tới Hà Nội cần phải đặc biệt lưu ý tại những nơi: đông dân cư, khu công nghiệp, khu nhà trọ đông người. Cần phải tăng cường tuyên truyền cho những người sống tại khu vực này tuân thủ đúng các nguyên tắc phòng chống dịch, tiêm vắc xin đủ 2 mũi, hạn chế tụ tập đông người.

"Để dịch bùng phát thì phải có điều kiện như: tập trung đông người, không giữ khoảng cách… nếu người dân chủ quan thì dịch rất dễ bùng phát trở lại.

Bệnh cạnh đó, thành phố cần tập trung xét nghiệm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao, người ho, sốt (người có triệu chứng), hạn chế  xét nghiệm tràn lan để tránh lây lan dịch bệnh (nguy cơ lây từ người lấy mẫu nếu không đảm bảo)", PGS Huy Nga phân tích.

Hà Nội mới tiêm 1 mũi vắc xin

Theo PGS Huy Nga, có thể Hà Nội không bùng phát dịch trên diện rộng như thành phố Hồ Chí Minh nhưng nguy dịch bệnh luôn tồn tại. Dịch có thể xảy ra ở khu vực có số người tiêm thấp từ ổ dịch nhỏ nếu không kiểm soát tốt có thể thành ổ dịch lớn.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, kết quả tiêm chủng, đến hết ngày 18/9/2021, đã tiêm tổng số 6.432.921 mũi, trong đó số tiêm mũi 1: tiêm 5.671.487 mũi (Hà Nội tiêm 4.945.921, Bệnh viện Trung ương tiêm 725.566 mũi), đạt 94,2% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số (trừ những người chống chỉ định). Số mũi 2 đã tiêm là 786.095, đạt 12% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số.

Hiện thành phố Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin cho người dân trên 18 tuổi. Tuy nhiên số lượng người được tiêm mũi 2 tỷ lệ còn thấp và, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc xin. Thời gian đủ có thể sinh miễn dịch sau khi tiêm mũi 1 là 14 ngày, hiệu quả bảo vệ sẽ tuỳ thuộc vào từng loại vắc xin.

"Mọi người cần phải nhớ rằng mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin và việc tiêm chủng vắc xin lợi ích lớn nhất là giúp giảm nguy cơ phải nhập viện và chuyển biến nặng khi nhiễm Covid-19. Một người tiêm 1 hoặc đủ 2 liều vắc xin vẫn có nguy cơ nhiễm virus và lây truyền cho người khác. Nếu dịch xảy ra ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp sẽ có nguy cơ bùng phát thành các ổ dịch lớn", PGS Huy Nga nói.

Nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội là rất lớn, PGS Huy Nga cảnh báo, người dân không nên chủ quan hãy từ bỏ suy nghĩ đã tiêm vắc xin thì an toàn, không tụ tập đông người một chỗ (siêu thị, trung tâm mua sắm, hội họp…) và thực hiện đúng quy định phòng chống dịch.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC