Người lao động có được quyền từ chối làm thêm giờ?Theo thống kê, mặc dù người Đức trong năm ngoái trung bình chỉ phải làm việc 35,8 tiếng một tuần, nhưng bên cạnh đó cũng có tới 10% số người Đức làm việc 48 tiếng hoặc hơn mỗi tuần. Đặc biệt với những người làm nghề tự do, làm lãnh đạo hay nông dân, họ thường xuyên phải làm tăng ca.


Cuộc khảo sát gần đây của cơ quan thống kê Liên bang Đức về chất lượng công việc đã cho thấy, 9,9% (tương ứng với 3,8 triệu người) người lao động làm việc hơn 48 tiếng mỗi tuần và 4,3% (1,7 triệu người) thậm chí còn làm việc trên 60 tiếng mỗi tuần. Mức giới hạn 48 tiếng một tuần được điều chỉnh theo thời gian lao động tối đa được quy định trong luật lao động.

Xung quanh việc làm thêm giờ, có khá nhiều vấn đề liên quan mà người lao động quan tâm:

- Liệu người thuê lao động có được bắt ép nhân viên của họ làm tăng giờ?
Chuyên gia luật lao động Michael Felser cho biết, người thuê lao động không có quyền bắt ép nhân viên làm thêm giờ, trừ phi điều này đã được ghi trong hợp đồng lao động hoặc có bảng giá rõ ràng cho những giờ làm thêm đó. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đó, người thuê lao động vẫn cần có sự đồng ý của công đoàn công ty về việc này.

- Liệu người lao động có thể hoàn toàn từ chối việc làm thêm giờ?
Theo Felser, nếu người lao động từ chối làm tăng ca, họ có thể bị phạt cảnh cáo, trong trường hợp tình trạng này lặp lại nhiều lần, họ thậm chí có thể bị đuổi việc. Tuy nhiên, nếu vì lý do sức khỏe, người lao động không thể làm thêm giờ được, họ được quyền từ chối và người sử dụng lao động không thể bắt ép họ.

- Vậy liệu người lao động có quyền từ chối điều khoản làm tăng giờ trong hợp đồng lao động?
Nếu vì lý do sức khỏe hoặc gia đình, người lao động không thể làm thêm giờ, họ nên từ chối điều khoản này. Tất nhiên, kèm theo đó, họ cũng gặp phải nguy cơ không có việc làm.

Hương Vũ - ©tintucvietduc.de




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC