Đức dẫn đầu về thu nhập, nhưng chi phí sinh hoạt cũng cao
Theo báo cáo vừa được Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố, chi phí lao động – bao gồm lương, bảo hiểm xã hội và các khoản chi phí khác mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động – có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Đây là yếu tố quan trọng phản ánh mức thu nhập, quyền lợi và sức cạnh tranh của thị trường lao động trong khu vực.
Tại Đức, chi phí lao động năm 2024 đạt mức 43,40 euro/giờ, cao thứ 7 toàn EU và vượt xa mức trung bình của khối là 33,50 euro. Mức chi này phản ánh thu nhập tương đối cao của người lao động, trong đó có nhiều lao động người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây. Tuy nhiên, đi kèm với đó là yêu cầu cao hơn về kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Ba Lan tăng trưởng nhanh, mở ra cơ hội mới cho lao động phổ thông
Ba Lan hiện là quốc gia ghi nhận mức tăng chi phí lao động cao nhất toàn EU – tăng 19% so với năm 2020, đạt mức 17,30 euro/giờ. Dù con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước Tây Âu, nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy mặt bằng lương đang dần cải thiện.
Điều này đồng nghĩa với việc người lao động Việt tại Ba Lan có thể kỳ vọng mức thu nhập tốt hơn trong tương lai gần. Tuy nhiên, đi cùng với đó là áp lực gia tăng chi phí sinh hoạt, thuế và các khoản đóng góp xã hội.
Cộng hòa Séc: Thị trường ổn định, ít biến động về lương
Tại Cộng hòa Séc – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông đảo – chi phí lao động hiện ở mức 18,20 euro/giờ. Tuy nhiên, đây lại là quốc gia có mức tăng chi phí thấp nhất trong EU với chỉ 1,3% kể từ năm 2020. Điều này cho thấy thị trường lao động tại Séc ổn định, ít biến động, nhưng cũng đồng nghĩa với cơ hội tăng thu nhập không nhiều.
Các quốc gia có chi phí lao động cao và thấp nhất EU
Trong nhóm các quốc gia có chi phí lao động cao nhất EU, Luxembourg dẫn đầu với mức 55,20 euro/giờ, theo sau là Đan Mạch và Bỉ. Ngược lại, những nước có chi phí thấp hơn Ba Lan gồm Hy Lạp (16,70 euro) và Croatia (16,50 euro).
Lời khuyên cho lao động Việt tại châu Âu
Việc lựa chọn nơi làm việc tại châu Âu không chỉ dựa trên mức lương danh nghĩa mà còn cần cân nhắc các yếu tố khác như chi phí sinh hoạt, mức đóng bảo hiểm, điều kiện lao động và cơ hội thăng tiến.
Đức phù hợp với những người có chuyên môn cao và khả năng ngôn ngữ tốt, trong khi Ba Lan hay Séc có thể là lựa chọn phù hợp hơn cho lao động phổ thông nhờ chi phí thấp và dễ thích nghi.
Thành Lộc - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
CHIA SẺ Cuộc sống
-
60 tuổi, tôi nhận ra 9 loại tài sản không bao giờ lo mất giá: Thậm chí càng tăng giá nếu được ‘đầu tư khôn ngoan’ 07/10/2024
-
Sĩ diện của người Việt 24/01/2025
-
Cổ nhân đã dạy: Dù anh em trong nhà thân thiết đến mấy, tuyệt đối không cho mượn 3 thứ, cả nể là dễ mất hết 07/09/2024
-
Từ vụ sập cầu Phong Châu: Những kỹ năng sống còn khi ô tô rơi xuống nước 10/09/2024