Trong ngôi nhà nhỏ của bà, từ trước ra sau, không có gì ngoài cái bàn thờ và những bằng “Tổ quốc ghi công” đã bạc màu. Bà Tuyết có cha là một chiến sĩ cách mạng đã mất vì đòn roi của kẻ thù. Em trai bà cũng là liệt sĩ, hy sinh ở chiến trường Campuchia. Từ trẻ, bà quyết định không lập gia đình để tận tâm chăm sóc mẹ.

1 Toi Chi Mong Moi Thang Co Duoc 400000 Dong
Tuổi già neo đơn, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết thêm chật vật khi đối diện với căn bệnh nan y

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết - 67 tuổi, ở thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định - nằm trên giường chịu đựng cơn đau trong cái nóng buổi trưa hầm hập. Bà cho biết, mỗi tháng xã có hỗ trợ 50.000 đồng tiền điện, nhưng bà không dám dùng nhiều, chủ yếu để nấu cơm và bật điện ban đêm. Bà Tuyết rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến cái nghèo khó bó chặt một đời.

Trước đây, khi mẹ còn khỏe, bà đi hái cà, gặt lúa thuê. Mấy năm trước, mẹ đổ bệnh, bà không đi làm được nữa mà chỉ quẩn quanh ở nhà nuôi mấy con heo, đàn gà và chăm sóc mẹ. 3 năm trước, mẹ bệnh nặng, qua đời ở tuổi 91, bỏ lại bà Tuyết một mình. Tháng Tám năm ngoái, thấy ở cổ nổi hạch đau nhức, bà bắt xe lên bệnh viện tỉnh khám thì phát hiện ung thư vòm hầu giai đoạn 3, đã di căn.

Gom góp 52 triệu đồng tích cóp cả một đời, bà lại bắt xe vào TPHCM điều trị. Nhưng chỉ được 3 tháng thì tiền hết. “Đến khi trong túi không còn đồng nào, tôi buông xuôi, quyết định về quê sống được ngày nào hay ngày đó, thì bác sĩ điều trị cho tôi 2 triệu đồng và bảo tôi tiếp tục điều trị, có gì bác sĩ hỗ trợ. Nhờ tấm lòng đó mà tôi cầm cự cho đến hôm nay” - bà Tuyết kể.

Từ ngày mẹ mất, gia đình không còn thuộc diện chính sách nên bà Tuyết được địa phương cấp sổ hộ nghèo, tiền thuốc nhờ đó mà xoay xở. Hiện tại, bệnh tật đau đớn khiến bà không thể làm gì để kiếm tiền, nên ăn uống hằng ngày đều nhờ vào gạo mắm hàng xóm cho. “Tôi chỉ mong mỗi tháng có được 400.000 đồng để duy trì cơm nước, thuốc men, sống thêm được ngày nào để hương khói cho cha mẹ là phúc phần ngày đó” - bà Tuyết ngậm ngùi.

Nguyệt Minh

Mọi đóng góp của bạn đọc giúp bà Nguyễn Thị Kim Tuyết chữa bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện:

Báo Phụ nữ TPHCM, số 18010000676768,

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Kỳ Hòa.

Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay bà Tuyết. 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC