Dư luận xôn xao chuyện nữ diễn viên Ngọc Lan khóc nức nở chia sẻ câu chuyện của mình liên quan đến phí bảo hiểm. Không riêng ca sĩ Ngọc Lan, nhiều người cũng từng dính lùm xùm tiền bảo hiểm, phải chấp nhận mất tiền để cắt lỗ.

1 Thac Si Luat Giam Doc Cung Ngam Ngui Ve Bao Hiem Nhu Dien Vien Ngoc Lan

Anh P.Đ.H, 33 tuổi, thạc sĩ trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, năm 2018, anh được người bạn học cũ tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ. 

Anh H cho biết, anh có mẹ vợ sinh năm 1964 quê ở Hưng Yên không có công ăn việc làm. Do đó, vợ chồng anh có nhu cầu mua một gói báo hiểm cho mẹ vợ để khi hết tuổi lao động có một khoản “lương hưu”, đồng thời khi ốm đau đi bệnh viện sẽ có một khoản bảo hiểm chi trả. 

Nắm bắt được nhu cầu đó, ngày nào người bạn của anh H cũng nhiệt tình hỏi thăm tư vấn. Qua đó, vợ chồng anh H thống nhất mua một gói bảo hiểm đóng theo năm hơn 13 triệu đồng. Mỗi năm đóng 2 lần, mỗi lần đóng khoảng 6,6 triệu đồng. Gói bảo hiểm đóng trong vòng 10 năm.

Khi đã thống nhất một số nội dung, người bạn của anh H có mang tới một  bản hợp đồng dài gần 100 trang.

Anh H cho biết, vì hợp đồng rất dài nên vợ chồng anh cũng không đọc hết  mà đặt bút ký luôn.

Đến năm 2020, mẹ vợ của anh H đi điều trị thấp khớp gối ở bệnh viện E, Hà Nội. Lúc này anh H liên hệ với nhân viên bảo hiểm thì được biết gói bảo hiểm không chi trả cho dịch vụ y tế này.

Lúc này anh H mới đọc lại bản hợp đồng gần 100 trang đã ký trước đó. Phần chi trả, quyền lợi được ghi trong phần thuyết minh rất nhỏ mà bình thường ít người để ý.

Anh H cho biết, là người học về pháp luật anh luôn hiểu một nguyên tắc khi tranh chấp xảy ra phải làm việc dựa trên văn bản giấy tờ, chứ không phải là nói miệng. 

Do đó, khi đọc lại bản hợp đồng bảo hiểm anh nhận ra mình đã tự ký vào một bản hợp đồng vô cùng bất lợi.

Không chỉ việc mẹ vợ của anh đi khám chữa bệnh không được chi trả tiền bảo hiểm mà ngay cả mục đích nhận “tiền lương hưu” cũng sẽ không đạt được.

Đối chiếu theo bản minh họa đã ký trong hợp đồng, anh nhận ra, nếu anh dừng lại, anh sẽ mất trắng 5 kỳ đóng bảo hiểm (tương đương hơn 30 triệu đồng). Nhưng nếu đóng tiếp đến thời điểm được rút bảo hiểm, con số này còn lớn hơn nhiều, hơn nữa thủ tục còn rất lằng nhằng. Do đó, anh H đành chấp nhận “dừng cuộc chơi” mất hơn 30 triệu.

Còn ông Nguyễn Văn Bảo, giám đốc một công ty cung cấp thiết bị giáo dục ở Thái Nguyên chia sẻ, bản thân ông lặn lội trong thương trường hàng chục năm nhưng cũng đành mất gần 100 triệu đồng tiền bảo hiểm.

Ông Bảo chia sẻ, khoảng những năm 2015, một đối tác của ông nhiều lần tư vấn mua gói bảo hiểm nhân thọ. Bản thân ông là doanh nghiệp nên luôn biết phân phối tiền cho những việc rủi ro. Tuy nhiên, vì cả nể, ông vẫn quyết định mua gói bảo hiểm gần 100 triệu/năm.

Sau này, ông Bảo nhận ra việc mua gói bảo hiểm đó không đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, phần vì ngại va chạm mối quan hệ, phần vì lo ngại mất thời gian, nên ông Nguyễn Văn Bảo đành chấp nhận bỏ bảo hiểm sau 1 năm đóng phí.

“Thời gian cãi nhau, kiện cáo có khi còn mất nhiều hơn số tiền tôi có thể đòi được. Do đó, tôi chấp nhận mất số tiền này coi như bài học cho người gần 60 tuổi như tôi”. ông Bảo chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, trên thực tế, bản hợp đồng bảo hiểm có độ dài từ 50 – 100 trang với nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên người mua thường không đọc kỹ hợp đồng.

Hơn nữa các nhân viên bảo hiểm thường nhắm tới đối tượng là người thân, người quen với những lời lời có cánh. Chỉ khi nào người mua gặp các vấn đề về sức khỏe họ mới liên hệ với phía bảo hiểm. Nhiều khi gặp các bất lợi khi đó họ mới đọc lại các điều khoản trong hợp đồng. Lúc này hợp đồng đã được ký kết nên người mua gặp phải không ít các bất lợi nếu có tranh chấp.

2 Thac Si Luat Giam Doc Cung Ngam Ngui Ve Bao Hiem Nhu Dien Vien Ngoc Lan

Ngọc Lan vừa khóc vừa kể chuyện lùm xùm phí bảo hiểm. Ảnh: Cắt từ video Facebook Ngọc Lan

Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, hiện nay các công ty bảo hiểm thường đưa ra các gói sản phẩm với những tên gọi rất hoa mỹ. Thực chất đây là các điều khoản đã được soạn sẵn.

Về mặt nguyên tắc, người mua có thể đàm phán với công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, người mua thường chỉ làm việc với các nhân viên bảo hiểm nên rất khó thay đổi các điều khoản mà chỉ có thể lựa chọn theo các mẫu có sẵn.

Để đảm bảo quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm, người mua cần nghiên cứu các điều khoản trong hợp đồng. Tốt nhất là yêu cầu người bán cung cấp hợp đồng cụ thể để nghiên cứu 1 vài ngày rồi mới quyết định.

Khi nghiên cứu các bản hợp đồng, người mua cần chú ý đến các điều khoản trách nhiệm của mình và nhất là phần minh họa bảo hiểm.

Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của chính phủ bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 về kinh doanh bảo hiểm; Luật kinh doanh bảo hiểm số 24 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm số 61 năm 2010.

Theo đó, cơ quan nhà nước cần vào cuộc quản lý để loại trừ các điều khoản bất lợi cho người mua trong các bản hợp đồng mẫu.  

Nguồn: LAO ĐỘNG




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC