Dòng Tô lai láng…"Dòng Tô lai láng ánh trăng xưa... " Tôi không nhớ ai là tác giả câu thơ cổ này. Hình như các cụ nho ở Hà thành hay có hứng với sông Tô Lịch, sông của Hà Nội hơn là với sông Cái (sông Hồng) chảy qua nhiều địa phương.

Thuở nhỏ, đi học ở trường Bưởi, tôi đạp từ Hàng Gai lên, phải đi qua "Cống Chéo hàng Lược", phố Hàng Lược, thời Pháp gọi là rue Sông Tô Lịch (phố Sông Tô Lịch). Phố này nguyên là dòng sông Tô Lịch cũ, bị lấp, cái cống lớn chạy qua phố sau cũng bị lấp nốt. Hàng Lược trở thành phố chợ hoa Tết.

Cách đây 112 năm, tự vựng của ông Nordemann, giáo sư trường Thông ngôn cho biết: “Sông Tô Lịch là một nhánh sông nhỏ, tách khỏi sông Hồng ở Hà Nội, gần sở Thuế quan cũ (Douanes). Nó chảy qua khu phố An Nam (nay gọi là phố cổ), vườn Bách Thảo, làng Bưởi rồi chảy xuống mé dưới đổ vào sông Hồng ở vùng nông thôn”. Tô Lịch là tên vị thần sông, thành hoàng của Thăng Long. Sách Việt Điện u linh (thế kỷ 14) kể là thần nguyên gốc làng Long Đỗ ở ven một con sông. Sinh trong gia đình phúc hậu, ông trở thành quan huyện của huyện Long Đỗ thời đất Việt bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Khi ông mất, sông làng ông mang tên ông. Thành thần, có lần ông hiện thành lão ông râu tóc bạc phơ trong giấc mộng của viên Thái thú Lý Nguyên Hy (thế kỷ 9). Viên quan Trung Quốc này vừa xây thành Đại La bên sông Tô Lịch, phong thần Tô Lịch làm thành hoàng thành Đại La. Năm chục năm sau, Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng La Thành mở rộng Đại La.

Tiếp tục chính sách trị dân quỷ quyệt, y cho thờ cúng các vị thần của địa phương. Y tổ chức tế lễ long trọng thần Tô Lịch và phong ngài là thần Thành hoàng của thủ phủ.

Dân gian cho rằng đền thờ chính của ngài là đền Bạch Mã, hiện ở số 76 phố Hàng Buồm thuộc khu phố cổ Hà Nội. Theo một truyền thuyết khác, đền này thờ thần thổ địa Long Đỗ (rốn rồng). Tương truyền khi xây La Thành, Cao Biền đã thấy thần cưỡi rồng vàng hiện lên trong đám mây ngũ sắc. Y bèn xây một ngôi đền thờ thần ở trên một cái đồi (gọi là núi Nùng). Nhưng đồng thời, hắn cho chôn đồng và sắt để yểm thần Long Đỗ, tâm linh của đất Việt. Có cơn bão, sấm sét  đã phá tan đồng và sắt yểm. Thần biến thành ngựa trắng (Bạch Mã).

Về sau, rời đô về Thăng Long, Lý Thái tổ lại ban cho thần Tô Lịch (tức Long Đỗ, Bạch Mã) danh hiệu Đại Vương Thượng tướng  Thái sư và cho di đền thờ ngài xuống đền Bạch Mã.

Vùng Long Đỗ ở Hà Nội, nơi sông Tô Lịch chảy qua, có tầm quan trọng chính trị và văn hoá lớn trong nghìn năm sinh hoạt của Thăng Long và toàn quốc.  Nơi nước sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng  nay là phố Chợ Gạo ở gần  chợ Đồng Xuân. Thời Lý - Trần, thế kỷ 11, 14 , chốn này có nhiều cầu vượt qua, cùng hồ Tây được coi là phồn hoa thắng cảnh. Vua chúa, vương tôn công tử vãng lai, du thuyền ca hát.

Qua những biến thiên của lịch sử, sông Tô Lịch dài 30 cây số đã dần dần bị lấp một phần lớn. Năm 1889, thực dân Pháp lần đầu tiên khởi công lấp nhiều đoạn sông này. Ngày nay ở Hà Nội chỉ còn ba khúc rời nhau: Khúc đầu từ cửa sông (phố Chợ Gạo) qua khu phố cổ theo hướng Tây men thành cổ, như một thứ hào tự nhiên. Trong khu vực đó, có đền Bạch Mã, chợ Cầu Đông là nơi Tú Uyên gặp cụ già bán cho tranh tiên nữ Giáng Kiều, cũng là nơi câu ca dao giễu: "Bà già đi chợ Cầu Đông" bói quẻ xem có nên lấy chồng nữa không? Khúc sông chảy qua là 36 phố phường Kẻ Chợ, trung tâm hấp dẫn khách du lịch nước ngoài.

Khúc sông Tô Lịch thứ hai đi lên hướng Bắc tới hồ Tây trước khi vòng xuống phía Nam, qua làng Bưởi chuyên làm giấy bản và dệt lĩnh đen may quần phụ nữ và làng Láng nổi tiếng về trồng húng Láng và các loại rau thơm.

Tới cuối làng Láng, khúc Tô Lịch thứ ba chảy theo hướng Tây Nam,     vùng Thanh Liệt, qua miền đồng quê trù phú có nhiều làng nghề và làng khoa bảng.

Dưới "Ánh trăng xưa...", nhiều làng ven sông Tô Lịch quả thật nên thơ:
Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch  uốn quanh xóm làng
Bên bờ vải, nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng  (ca dao)

Ngày nay, ôi thôi! "Cảnh đấy người đây luống đoạn trường!" Nhiều làng biến thành phố và nhà bê tông, khúc sông còn lại đầy rác rưởi, mùi ô uế xông lên kinh khủng. Một bạn Pháp chuyên nghiên cứu về Hà Nội đi với tôi qua nơi đó, lắc đầu: "Các bạn có thể xây cao ốc buồn tẻ như ở bất cứ thành phố hiện đại nào, nhưng đã đánh mất văn hoá Tô Lịch của tâm hồn Thăng Long!".

Theo SKDS.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC