Đừng làm lớn khi chưa đủ sứcNgày mùng 3/9 hàng năm vừa được cấp thẩm quyền quyết định là ngày Âm nhạc Việt Nam, đây là một tin vui với giới âm nhạc và những người yêu thích loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, dù sự ái mộ của công chúng có dành cho giới nghệ thuật nhiều đến đâu đi chăng nữa, thì cũng không khỏa lấp được những băn khoăn về tính thiếu chuyên nghiệp của hoạt động âm nhạc trong nước hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ, nhà sản xuất Đức Trí về nội dung này.

Cả chuyên môn lẫn tổ chức đều có vấn đề

- Không chỉ những nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc, mà phần đông công chúng yêu nhạc hiện nay cũng ca thán rằng, hoạt động âm nhạc của VN chưa chuyên nghiệp và thiếu đồng bộ, là một nhạc sỹ kiêm sản xuất âm nhạc, anh suy nghĩ gì về điều này?

- Thực ra, khi nói tới vấn đề chuyên nghiệp thì phải xem lại quan niệm về chuyên nghiệp của mỗi người như thế nào. Với Trí, chuyên nghiệp là làm được tiền bằng nghề của mình. Mặc dù cho tới giờ vẫn chưa có một thước đo chính xác nào về tính chuyên nghiệp trong công việc, nhưng âm nhạc VN ngày nay đúng là đang phát triển nhưng lại thiếu nền tảng. Điều này thật khó cho sự phát triển bền vững bởi nó tương tự như việc một căn nhà xây rất cao trên một nền móng không vững chắc.

- Anh có thể nói cụ thể hơn?

Đừng làm lớn khi chưa đủ sức_0

- Điều này thể hiện không chỉ ở khâu tổ chức còn manh mún, mà cả trong chuyên môn cũng thiếu nền tảng. Một trong hai cái này mà thiếu nền tảng thì sao có thể nói âm nhạc VN phát triển mạnh mẽ được. Nếu có nhà chuyên môn giỏi mà không có nhà quản lý tốt thì chuyên môn khó phát huy hết được. Còn nếu có nhà quản lý tốt mà nhà chuyên môn không có thực lực thì cũng giống như thổi phồng một quả bóng bay, nên chỉ thổi tới mức nào thôi, chứ căng là vỡ liền.

- Nhiều ý kiến cho rằng, một vài nhà quản lý ca sĩ đã lạm dụng việc lăng xê ngôi sao hơn là đầu tư đúng mức cho việc quảng bá hình ảnh của một ca sỹ, anh có chia sẻ cách nhìn nhận này?

- Như tôi đã nói, đó là sự thổi phồng vẻ bề ngoài mà thiếu đầu tư chiều sâu. Có không ít nghệ sỹ nghĩ rằng nghệ thuật không cần phải học, nghệ thuật là "trời cho". nhưng trước những đòi hỏi của nghệ thuật đã khiến rất nhiều người lộ ra lỗ hổng và vội vàng đầu tư "lấp chỗ trống".

Bản thân Trí cũng không đòi hỏi các ngôi sao của mình phải được học bài bản trong trường, bởi có những tố chất của nghệ thuật như năng khiếu thì không trường nào dạy được. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm nghề thì phải có những kỹ năng bắt buộc phải nắm được và phải có chiến lược phù hợp cho từng người.

Hãy chuyên nghiệp từ điều nhỏ nhất

- Theo anh, giới chuyên môn cần phải làm gì để khắc phục sự thiếu hụt này?

- Chúng ta nên làm từ từ, và hãy bắt đầu từ những cái nhỏ trước khi định làm một cái lớn. Song ở VN hiện nay, càng ngày càng có xu hướng thích làm lớn. Bất luận chương trình gì cũng muốn làm thật hoành tráng. Thậm chí, lần trước làm chương trình nhỏ đã hỏng rồi, thì lần sau phải làm chương trình to luôn, chứ không hề nghĩ rằng nếu cái nhỏ mình làm còn chưa ổn thì hãy chuẩn bị thật chu đáo để làm một cái nhỏ khác tốt hơn, rồi dần dần mới làm lớn thêm.

Vài năm trước đây, tôi có xem một vở cải lương, không nhớ rõ lắm tựa đề nhưng tôi đánh giá cao ý tưởng và hình thức tổ chức nhưng chính vì thiếu nền tảng, thiếu hiểu biết về các lĩnh vực liên quan nên những người lập dự án không thấy rằng, họ đã đưa ra một chương trình quá lớn so với sức người. Bởi vậy khi tôi xem thì thấy quá choáng ngợp trước sân khấu và ý tưởng, nhưng khi nghe thì âm thanh chán, ánh sáng chán, thậm chí cả diễn xuất cũng đuối. Sau này, vở diễn đó được "chuốt" lại, nắn nót hơn, làm kỹ hơn và đặc biệt là thu nhỏ hơn thì xem rất ổn.

- Là một người nằm chắc được ưu, nhược điểm của hoạt động âm nhạc, chắc anh ít vấp váp khi tổ chức các chương trình biểu diễn, hay khi ký kết các hợp đồng đào tạo một ngôi sao?

Đừng làm lớn khi chưa đủ sức_1

- Trí không gặp phải sự bực mình của các nhà quản lý. Nhà nước trong lĩnh vực nghê thuật, cũng không quá mệt với những ngôi sao do mình quản lý, nhưng đã từng có một chương trình rất lớn, rất được Trí kỳ vọng đã "suýt" tiêu tan chỉ vì một chi tiết nhỏ xíu của một người làm hậu đài. Đơn giản là vị làm hậu đài này không ý thức được sự quan trọng của mình trong công việc, anh ta nghĩ mình làm một công việc xoàng xĩnh và đã không tập trung vào công việc. Sự việc tuy nhỏ, nhưng nếu nói rộng ra thì chính vì người nhân công kia thiếu nền tảng, thiếu chuyên nghiệp mà khiến cho chương trình một chút nữa là hỏng. Sự thiếu đồng bộ đó đã là Trí nhiều phen nhức đầu.

- Chính vì thế mà anh phải đầu tư rất tốn kém, để có hẳn một ê kíp riêng?

- Nếu không đầu tư tốn kém như thế,  thì mỗi lần đi thuê ngoài tôi lại mất một thời gian để tuyển dụng và chỉ bảo lại từ đầu. Như vậy thì việc nào tốt hơn khi tôi luôn cần tới đội ngũ đó? Chúng ta cần thời gian cho mọi vấn đề, nhất là bù lấp vào những khoảng trống nền tảng. Việc thiếu đồng bộ cũng vậy, người ta không thể dùng mãi những nhân công không ý thức rõ nhiệm vụ của mình.

Nhưng quan trọng nhất mà như Trí nói từ ban đầu, là khi âm nhạc của chúng ta thiếu nền tảng thì đừng chạy theo ảo giác là phải làm những chương trình thật lớn, trong khi sức và lực chưa đáp ứng nổi.

- Xin cảm ơn anh!

Theo Thời Đại.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC