Không khuyến khích phim "lai"Phim của các đơn vị tư nhân lên sóng Đài THVN (VTV) ngày càng nhiều và chiếm vị trí đáng kể góp phần làm nên bộ mặt phim truyện "giờ vàng" của đài truyền hình quốc gia.

Tuy nhiên, ngoài chất lượng trồi sụt của dòng phim “xã hội hóa”, còn nhiều điều đáng trăn trở xung quanh việc hợp tác làm phim giữa “nhà đài” và các đơn vị ngoài đài.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Văn Hồng - Trưởng ban thư ký biên tập, ủy viên thường trực Hội đồng duyệt phim xã hội hóa Đài THVN, xung quanh những vấn đề này.

1.000 KB gửi đến chỉ chọn được 260 tập phim

- Thưa ông, khá nhiều phim xã hội hóa phát sóng trên VTV bị khán giả phản ứng. Không ít ý kiến... nghi ngờ những bộ phim như vậy được phát sóng vì nhà sản xuất “biết điều”. Vậy đơn vị xã hội hóa hợp tác làm phim với VTV hiện nay theo “quy chế” nào?

- Những đơn vị nào có khả năng sản xuất phim đều có thể tìm đến VTV. Năm 2008, chúng tôi đã ban hành Quy chế đặt hàng sản xuất phim truyện truyền hình phát trên sóng VTV. Theo đó, sau khi nhận được đề cương kịch bản (KB), hội đồng thẩm định KB phim xã hội hóa xem đề cương có đáp ứng được yêu cầu về mặt nội dung hay không. Nếu thấy đề cương KB có khả năng phát triển thành phim hay nhưng mâu thuẫn này cần phát triển ra sao, nhân vật nên như thế nào... thì làm công văn gửi cho đơn vị cùng với những ý kiến đó.

Sau khi nhận được 10 tập KB đầu tiên, chủ tịch hội đồng phân công cho hai thành viên trong hội đồng đọc và nhận xét rồi tổ chức họp thẩm định... Tại đây, nhà sản xuất trình bày với hội đồng phương án sản xuất: diễn viên, đạo diễn, quay phim, bối cảnh... cùng với những nét cơ bản nhất của phim và thuyết trình về năng lực tài chính, đồng thời bảo vệ dự án trước các ý kiến phản biện của hội đồng.

Khi dự án đi vào sản xuất, hai thành viên của hội đồng được phân công theo dõi phim, gọi là giám sát nhưng về cơ bản, lúc này trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất. Vì nếu phim không đảm bảo (chất lượng) thì sau này không được duyệt. Khi phim hoàn thành có hội đồng duyệt phim của đài duyệt, tôi cũng ở trong hội đồng này. Đúng quy trình thì duyệt xong mới phát sóng, nhưng nếu chờ phim duyệt xong, nhà sản xuất ngâm vốn lâu quá nên chúng tôi linh động, có những phim vừa duyệt, vừa phát sóng...

- Vậy có phim xã hội hóa nào phát trên VTV nằm ngoài quy trình này?

- Trước đây có Bỗng dưng muốn khóc và bây giờ là Những thiên thần áo trắng đều sản xuất rồi mới “chào hàng” VTV... (Hai bộ phim này đều do Hãng phim Việt thuộc Công ty BHD - PV).

- Vì sao đã có quy chế nhưng có những phim phát sóng trên đài không theo quy trình này?

- Vì bây giờ đang giai đoạn ban đầu (của xã hội hóa phim truyền hình - PV), khi hai bên đang cần nhau và chưa có nhiều tiềm lực. Còn hướng lâu dài là mua bán sản phẩm. Các đơn vị sản xuất rồi mang phim đến đài. Nếu chúng tôi thấy đảm bảo (nội dung và nghệ thuật) thì làm tờ trình đề nghị tổng giám đốc cho mua... Khi đó, nhà sản xuất khẳng định được cả về nội dung và năng lực tài chính và chủ động sản xuất phim. Không đài này thì đài khác mua, phát hành trong nước và quốc tế. Đấy mới thật là thị trường lý tưởng và hy vọng nay mai thị trường mua bán, trao đổi bản quyền phim VN sẽ như thế với các hội chợ phim và các đài đến đó mua bản quyền, như các nước vẫn làm...

- Về dư luận xung quanh chuyện khó khăn hay tiêu cực phát sinh trong việc các hãng phim cạnh tranh để có được giờ phát sóng trên VTV...


- Tôi không rõ các đài khác thế nào, còn ở VTV không có chỗ cho tiêu cực hay khó khăn nào cả. Quy trình hợp tác sản xuất phim xã hội hóa được công khai. Một bộ phim lên sóng thì không do ai riêng lẻ tự quyết mà cả hội đồng duyệt và phát biểu công khai tại cuộc họp. Có điều, lượng đề cương hay KB không được duyệt rất nhiều vì có nhiều đề cương quá sơ sài. Trong khoảng 1.000 tập KB gửi đến mỗi năm, chúng tôi chỉ chọn được khoảng 260 tập. Lại có những đơn vị chưa sản xuất phim bao giờ hay cùng một đạo diễn mà cả mấy dự án phim đều chọn mời... Nếu mua phim trực tiếp thì chúng tôi phải xem hết các tập và có văn bản đề nghị tổng giám đốc quyết định mua hay không...

- Khá nhiều phim “Việt hóa” trên VTV, trong đó có cả những phim do đài sản xuất, không được khán giả đón đợi. Và thực tế, VTV đã phải rút ngắn các dự án này. Quan điểm của các ông về hướng phát triển dòng phim này ra sao?

- VTV hiện không khuyến khích sản xuất và phát sóng những bộ phim làm từ kịch bản nước ngoài mà ưu tiên cho những dự án phim “thuần Việt”.

Không khuyến khích phim

Phim mua bản quyền từ KB nước ngoài, dù “Việt hóa” đến mức nào thì vẫn còn phảng phất yếu tố “ngoại” và nhiều khi những “dấu vết” đó không phù hợp với khán giả VN. Chất lượng phim trong nước sản xuất chưa được như mong muốn. Với điều kiện của chúng ta hiện nay, điện ảnh chỉ sản xuất được khoảng 10 phim/năm, trong khi truyền hình cần đến 500 -700 tập phim để đáp ứng nhu cầu khán giả. Đòi hỏi tất cả các khâu trong quy trình sản xuất cùng lúc phải chặt chẽ và chuyên nghiệp là điều khó. Hy vọng đến lúc công nghệ sản xuất và đội ngũ làm nghề của ta không thua kém nước ngoài thì có thể nâng cao được hơn nữa chất lượng cũng như số lượng phim truyền hình.

Làm phim bây giờ phải “mỡ nó rán nó”

- Năm nay có nhiều ngày kỷ niệm lớn nhưng dường như VTV... né các dự án phim lịch sử?

- Chúng tôi lấy đây ra mấy chục tỷ đồng để làm phim như Thái sư Trần Thủ Độ? Năm nay, chúng tôi cho phát sóng nhiều phim gắn với cuộc sống của nhân dân ta, như: Bí thư tỉnh ủy (50 tập), Món nợ miền Đông... Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ phát phim Nếp nhà (40 tập) do VFC sản xuất. Dự án phim xã hội hóa Huyền sử thiên đô gồm 70 tập chờ ngày khởi quay nữa thôi. Chúng tôi biết làm những dự án này khó. Muốn làm gì thì trước hết phải tồn tại thì mới cải tiến và nâng cao chất lượng được.

- Các ông có dự định mở thêm thời lượng cho phim Việt trên VTV, ngoài phim mới phát sóng trên VTV1, VTV3 vào các buổi tối và phim trong chương trình Rubic 8?

- Thời lượng phim Việt lên sóng bây giờ đã là nhiều, kể cả các phim phát lại. Như tôi đã nói ở trên, việc mở rộng nội dung phải đảm bảo sự phát triển. Ví dụ, đầu tư 300 triệu đồng nhưng chỉ thu về được 150 triệu đồng thì (đài) không thể phát triển được. Tương lai, có thể thu ở các nguồn khác để bù đắp cho việc đầu tư làm phim, chứ bây giờ là mỡ nó rán nó. Tiến tới, những đơn vị có khả năng cứ sản xuất rồi chào hàng, VTV thấy được sẽ mua...

Xin cảm ơn ông!

Theo TTVH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC