"Thần chú" 7 chữ dạy con của tay chơi đồ cổ Chí TrungÍt ai biết, diễn viên hài Chí Trung, trưởng một đoàn kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ, còn là tay chơi đồ cổ có nghề.

Anh hài hước thú nhận, anh mắc một "bệnh nghề nghiệp", đến nhà người khác chơi là mắt cứ đảo như lạc rang khắp nhà họ, nhất là dưới gầm giường và trên nóc tủ.

Từng bị mất tiền “ngu”, mua phải đồ cổ rởm

- Hoá ra Chí Trung là một “tay chơi” đồ cổ, nhưng niềm đam mê này không phải ai cũng biết?

- Tôi cũng có thâm niên khá lâu trong nghề chơi đồ cổ, nhưng không dám nhận mình là người đam mê sưu tập đồ cổ. Để gọi là đam mê, phải đến mức như ông bạn tôi kia kìa: Con gái ông bị mất chiếc xe máy trị giá 2.400 USD, mà cả năm, ông cũng không có tiền để mua lại cho con, có điều, mới thấy xuất hiện món đồ cổ có giá 3.000 USD “vừa mắt”, chả biết ông xoay xở thế nào, đã thấy sở hữu ngay lập tức.

Hay như nhiều ông “nghiện” đồ cổ đến mức, nhà thì nghèo rớt mồng tơi, uống chén nước chè mãi không có tiền trả, nhưng chỉ cần nhìn thấy món đồ 20-30 triệu, là mua trong khoảnh khắc. Đó mới là những người đam mê đồ cổ chân chính.

- Anh tìm thấy điều gì ở thú chơi đồ cổ: giá trị kinh tế hay tinh thần?

- Tôi thích tìm hiểu học thức của mình trong văn hoá đồ cổ. Chơi đồ cổ có nhiều nỗi đau, cũng không ít niềm vui bất ngờ.

Đôi lúc may mắn, chỉ mất 1-2 trăm nghìn để mua một món đồ nào đó mà người ta không biết giá trị của nó, gặp được những người không biết hơn nữa, để bán năm, mười triệu rất dễ dàng. Bản thân tôi khi mới vào nghề từng bị “hớ” và mất tiền ngu rất nhiều lần. Nhiều lần mua phải món đồ có giá 5-10 triệu, rồi bán lại chỉ với một vài trăm nghìn.

Và, nhiều khi, người chơi đồ cổ hả hê, sung sướng khi “lừa” được bạn bè trong nghề. Vì bạn hiểu biết, nghề kém hơn nên ăn đòn. Theo tôi, không có nghề nào tàn nhẫn hơn nghề buôn đồ cổ: sự tàn khốc, niềm vui và đau khổ đến chỉ trong khoảnh khắc. Đây cũng là điều mà tôi ghét nhất trong nghề này. Một nghề không có tình cảm, không có sự chung thuỷ và tín nghĩa.

- Ghét, sao anh vẫn tiếp tục chơi?


- Tôi chỉ là một người chơi đồ cổ một cách chờn vờn, đứng cạnh chữ “chờn vờn” lại là cái máu thích tiền nữa! Còn gì sung sướng bằng bỏ một trăm nghìn ra để bán được mười triệu?

Thú thực, chơi đồ cổ cũng giúp ích tôi nhiều lắm. Có lần, tôi bán một món đồ mua từ 20 năm trước, gần đủ tiền để mua một chiếc ô tô cơ đấy!

Đồ cổ không bao giờ mất giá, chỉ có “thăng” thôi. Lúc thì “thăng” thẳng đứng, lúc "thăng" từ từ, nhưng không bao giờ không tăng giá trị.
 
Nhưng nói chung, với thú chơi đồ cổ, tôi biết điều tiết thu nhập để chơi. Hàng tháng, bỏ một số tiền nhất định thôi, chứ chưa đến độ đam mê mãnh liệt. Vì thế, tôi mới nói, mình không phải một nhà sưu tập đồ cổ chân chính.

20100401 04 28 00 0

- Tức là, anh không phủ nhận rằng ngoài yêu thích sưu tầm đồ cổ, anh đến với thú chơi này còn bởi nó mang lại cho anh những giá trị thặng dư về vật chất?

- Tôi không phải yêu mến đồ cổ đến mức, ngày nào cũng mang ra ngắm nhìn, hít hà hay khoe khoang là “đồ khủng”. Tôi đến với thú chơi đồ cổ ngoài tìm sự may rủi, niềm vui, thì đúng là còn là để thoả lòng… tham lam của mình nữa. Ai biết chơi đồ cổ, sẽ thấy nó có thặng dư trông thấy.

Nhưng không phải ai chơi đồ cổ cũng nghĩ đến giá trị vật chất, có không ít người coi đồ cổ là vật giữ của, số khác dùng làm vật trang trí trong nhà, trang trí thẩm mĩ và trang trí văn hoá cho chính mình.

- Chơi đồ cổ nhiều năm, anh có từng sở hữu được những bảo vật?

- Tôi không có bảo vật gì của đất nước cả, chỉ có một số đồ vật xưa cũ của người Việt thôi. Đó là những món đồ mà người chơi đồ cổ vẫn mua đi bán lại, những món đồ “lạch xạch” ấy mà (cười).

- Một nghệ sỹ hài chơi đồ cổ, nếu nói thật ngắn gọn, anh sẽ nói về mình...?

- Vào nhà người khác chơi, tôi thường mắc bệnh… nghề nghiệp: miệng thì chào hỏi, nhưng mắt đảo như rang lạc khắp nhà, nhất là... dưới gậm gường và trên nóc tủ.

20100401 04 28 05 1

Dạy con bằng “thần chú” 7 chữ
 

- Người ta đồn Chí Trung có cách dạy con rất đặc biệt?

- Tôi vẫn dạy con bằng “thần chú” 7 chữ: khóc - hèn, rên - nhục, van - yếu đuối. Đó cũng chính là tâm niệm sống cả đời của tôi. Không ai có thể cứu mình bằng chính bản thân cả. Qua 7 chữ, tôi mong muốn con biết rèn luyện tính tự lập, biết đứng dậy mỗi khi vấp ngã mà không cần sự giúp đỡ của người khác.

- Có phải vì thế mà khi nhắc đến vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền, ai cũng phải khen vợ chồng đều là nghệ sỹ mà giỏi chăm con?

- Trong gia đình, chuyện con cái chủ yếu do vợ chăm sóc, giáo dục. Có được lời khen của cô giáo và những người xung quanh, Chí Trung được hưởng ké phần vợ rất nhiều. Chứ người đàn ông trong gia đình, giống như đầu máy kéo, khó có thể biết hết chuyện gì xảy ra trên các toa tàu được. Không những chăm con, Ngọc Huyền còn giỏi chăm chồng nữa. Tôi béo tốt thế này, là nhờ công cô ấy cả đấy chứ. 

Hiện tại, con gái tôi đang học ở Úc, còn con trai học lớp 12 tại Mỹ. Thực sự, với đồng lương nhà nước chỉ có hơn 7 triệu của cả hai vợ chồng thì không thể nuổi nổi các cháu ăn học.

May mà, Chí Trung được khán giả yêu mến, nên tuần nào cũng có show diễn. Có thể một tuần kiếm được 10 triệu, nhưng cũng có khi cả tháng chả cho show nào. Tuy nhiên, nhiều no, ít đủ, phần nào đủ chi phí gửi các con ăn học. Hơn nữa, chúng tôi cũng may mắn không phải lo tiền học phí cho các cháu. Cháu lớn được học bổng, cháu nhỏ có tài trợ.

20100401 04 28 08 2

- Ở nhà, vợ là ‘bảo mẫu” của cả gia đình, còn khi đến cơ quan thì sao?

- Trên cơ quan, đối với vợ, tôi rất nghiêm khắc, có khi tàn nhẫn nữa. Vì muốn lấy đó làm gương cho mọi người.  Trong công việc, tôi rành mạch hết sức. Khi đoàn đi diễn tỉnh, vợ cũng phải đi phát tờ rơi cùng với các diễn viên khác, không ngoại lệ. Tôi là người duy lý, nhưng rất công bằng, luôn tách bạch chuyện nhà và cơ quan.

Tôi là trưởng đoàn thật, nhưng nếu vợ có trót quên mất lịch diễn, thì cũng phải gọi điện hỏi phó đoàn, chứ không hỏi tôi. Nếu làm không nghiêm, biết đâu, vô tình, vợ mình trở thành một “quý bà” trong đoàn mất.

- Hoạt động trong nghề được vài chục năm, anh có nhận thấy cái “vô duyên” của nghề chọc cười người khác?

- Nghệ sỹ hài như cốc nước vậy, phần trong lành mang cả cho xã hôi, cặn trong đáy cốc thì mang về nhà. Nhưng tất nhiên, với tố chất của con người hài hước, thì trong cuộc sống, họ cũng nhiều niềm vui hơn.

Là nghệ sỹ hài, tôi sợ nhất xuất hiện trước đám tang. Mặc dù ăn mặc rất nghiêm túc, khuôn mặt thành tâm, nhưng mọi người cứ thấy tôi là cười sằng sặc, trừ người quá cố ra.

- Tất bật chạy show, miệt mài đi diễn, anh có tính ngày “gác kiếm” để nghỉ ngơi?

- Là người công chúng, của xã hội, nên khán giả nơi nào cần, chúng tôi sẵn sàng đến. Mà làm sao không đi được, khi người ta mời mình và  có một phong bì 5-7 triệu dành cho. Có cụt hai chân, tôi cũng đi bằng xe lăn đến ấy chứ (cười). Nói vui vậy thôi, chứ nghệ sỹ như mình khó chủ động được mọi thứ, chừng nào nhu cầu khán giả cần, mình còn đi.

Vả lại, nghệ sỹ trong thời buổi này có làm chủ cuộc sống của mình đâu, mà dừng với chả tiến, chứ nói gì đến “nghỉ ngơi”.

TH.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC