Học nhiều, mất chồng Mặc dù thời gian đã qua khá lâu nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện đi học nâng cao, chị vẫn thấy buồn và hối hận vô cùng vì đã để mất chồng vào tay người khác

 Nhận được tin mình được cử đi học tập kết hợp làm việc ở một nước châu Âu trong 18 tháng theo chương trình hợp tác cấp nhà nước, chị Dung (Tây Hồ, Hà Nội) vui mừng khôn xiết. Nhưng khi chị báo tin mừng ấy cho chồng thì anh Thuận lại không vui.

Nhà anh chị mới có một bé trai 6 tuổi, đang lên kế hoạch năm nay làm tiếp "tập 2" nên nếu chị đi thì khó mà hoàn thành kế hoạch được. Hơn nữa, anh Thuận cũng bày tỏ quan điểm không thích vợ đi xa nhà lâu thế. Anh cho rằng chị làm công việc nhà nước ổn định thế là được rồi, dành thời gian chăm sóc gia đình, còn việc kiếm tiền anh sẽ cáng đáng. Thấy chồng nói cũng có lý nhưng thật lòng chị vẫn rất muốn đi.

Bé nhà chị sắp vào lớp 1, nếu chị xa nhà và phải gửi bé cho ông bà thì cũng không phải lo lắm. Vướng mỗi vụ anh Thuận thôi, mà mấy hôm nay chị ngọt nhạt thủ thỉ thế nào cũng không ăn thua. Cuối cùng anh chỉ buông một câu: “Em thích làm gì thì làm!”.

Chị thấy chồng mình không phải hạng người lăng nhăng, dễ dãi. Còn vấn đề giải quyết sinh lý trong khi xa vợ thì chị chấp nhận, bởi chỉ là qua đường thôi và đàn ông cũng đâu phải là thánh. Chị tự tin anh Thuận chẳng tìm được ai bằng vợ mình về mọi mặt, mà người như anh cũng không dại gì phá đi gia đình đang rất hạnh phúc như hiện tại. Cân nhắc kĩ những điều như vậy, chị Dung quyết định đi học, cho dù bố mẹ đẻ chị cũng khuyên không nên đi.

Thời gian đầu qua bên đó, anh Thuận luôn bắt vợ phải online thường xuyên để trình diện, kiểm tra xem vợ có “léng phéng” với ai khác không. Chị Dung hiểu ưu điểm của chồng mình là rất yêu vợ con nhưng hay ghen nên cũng chỉ tủm tỉm cười, biết chồng vẫn yêu và nhớ mình lắm.

Nhưng dần dà, những cuộc chát ấy thưa dần, anh cũng chẳng còn sốt sắng hỏi thăm chị như trước nữa. Chị dự cảm có điều không lành, liền đề nghị anh đưa con sang chơi với chị vài ngày nhưng anh từ chối, than mệt, không có thời gian.

Rồi khi sang đó chị mới thấu hiểu sâu sắc sự cô đơn và lạ lẫm nơi đất khách quê người. Thiếu người thân, chồng con, đồ ăn không quen, văn hóa khác biệt… nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con và sự bất an khiến chị không còn yên tâm mà học hành nữa, nhiều lúc chị còn rơi vào stress.

Những dự cảm của chị ở nơi xa cũng có phần nào chính xác. Có 2 bố con anh Thuận ở nhà, anh thì bận công việc lu bù, thế là gần như con ở hẳn bên nhà ông bà nội. Nhà cửa không có bàn tay chăm sóc của người phụ nữ nên tanh bành, lộn xộn, bếp núc lạnh ngắt... Con cái cần nhất là bàn tay chăm sóc của mẹ thì lại không có, mỗi khi con ốm, con đau, anh Thuận vì thương con mà quay ra giận vợ mình vô cùng.

Trong khi ấy, anh Thuận là một người đàn ông giỏi giang, thành đạt nên có biết bao cô gái thầm mơ. Đàn ông như anh xa vợ ngang với mỡ treo miệng mèo. Trong số ấy có Thủy - một cô gái trẻ mới vào công ty rất đảm đang, dịu dàng và tốt tính. 

Cảm động trước tình cảm Thủy dành cho mình, anh Thuận dần dà cũng ngầm chấp nhận cô. Thủy đã gần như là người phụ nữ trong nhà, chăm sóc bố con anh chu đáo, luôn bên cạnh động viên, an ủi anh những khi anh mệt mỏi, căng thẳng trong công việc.

Khi chị Dung kết thúc khóa học trở về, yêu cầu chồng chấm dứt với Thủy nhưng anh đã thẳng thắn thừa nhận có tình cảm thật lòng, không thể dứt bỏ được. “Đàn ông là đứa trẻ to xác, không chăm sóc cẩn thận sẽ thay lòng đổi dạ không chừng” - lúc này chị mới nhận ra câu nói ấy đúng vô cùng thì đã mất chồng. 

Mặc dù thời gian đã qua khá lâu nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện đi học nâng cao ở nước ngoài trong thời gian 2 năm đó, chị Nương (Quận 7, TPHCM ) vẫn thấy buồn và hối hận vô cùng vì đã để mất chồng vào tay người khác. Nếu thời gian có quay lại có lẽ chị sẽ chọn ở nhà, bên cạnh chồng con.

Thời điểm đó, chị được công ty tạo điều kiện cho đi học một khóa nâng cao chuyên môn ở nước ngoài trong 2 năm. Khỏi phải nói, chị vui và háo hức thế nào khi nghĩ đến viễn cảnh sau khi học xong về nước, sự nghiệp của mình sẽ khởi sắc ra sao.

Nhưng lòng chị lại chùng xuống khi nghĩ đến chồng và con gái nhỏ 5 tuổi. Chị đi thì ai sẽ chăm sóc anh và con đây? Và rồi, liệu có “biến” gì xảy đến trong 2 năm chị xa nhà không? Chị suy nghĩ rất nhiều, đồng thời cũng hỏi ý kiến của chồng.

Chồng chị - anh Ngôn cũng rất khó xử. Nếu ngăn cản không cho vợ đi thì anh mang tiếng ích kỉ. Còn nếu để vợ đi thì 2 năm chỉ có bố con lủi thủi với nhau, bản thân anh buồn và cô đơn là một chuyện, còn con gái nhỏ của anh cũng phải chịu thiệt thòi theo nữa. Vì thế, anh để chị toàn quyền quyết định.

Chị Nương xét thấy chồng mình là một người đàng hoàng, yêu vợ con, tư cách đạo đức và lòng chung thủy rất ổn, mọi người xung quanh cũng nhận xét về anh Ngôn như thế. Hơn nữa, cơ hội được học tập và thăng tiến như vậy không nhiều, thời gian 2 năm cũng chẳng phải dài, nghĩ vậy, chị quyết định gạt những phiền muộn sang một bên, quyết tâm đi học.

Nhưng chị Nương đã không lường hết được thời gian 2 năm và không gian xa cách có thể làm thay đổi con người như thế nào. Không những thế, hoàn cảnh, môi trường sống cũng rất dễ đưa đẩy con người đến những sai lầm đáng tiếc.

Thời gian đi học, cứ khoảng 5 tháng chị lại về nhà một lần, thậm chí có dịp chị còn đưa chồng con sang chơi. Năm đầu, tình cảm vợ chồng vẫn tốt nhưng ngoài nỗi nhớ con xé lòng hành hạ chị từng ngày cũng có rất nhiều nguy cơ rình rập. 

Những lúc không thấy chồng lên chát webcame đúng hẹn, chị lại bán tin bán nghi rồi đoán già đoán non. Những lúc thấy con gái lạnh nhạt không nhớ mẹ, chị lại đau khổ. Rồi chị ghen tuông, bực tức khi vô tình nghe chồng kể có em sinh viên mới đến thực tập ở công ty anh xinh xắn, dễ thương lắm, thấy anh một mình với con gái còn thường xuyên hỏi han, giúp đỡ.

Và sau 2 năm học xong trở về, sự nghiệp thăng tiến đâu chưa thấy, niềm vui đoàn viên cũng chẳng có, chị phải đau đớn giải quyết vụ say nắng của chồng với cô bé thực tập đáng yêu kia. Dù rằng anh Ngôn tự biết dừng lại đúng lúc, nhưng quả thật gia đình chị đã không còn được như trước nữa. 

Nhưng mâu thuẫn, đau khổ, cãi nhau, khoảng cách địa lý... trong thời gian xa nhau đã vô tình làm nhạt dần tình cảm vợ chồng giữa 2 người. Sau đó, 2 vợ chồng chị phải cố gắng rất nhiều mới xây dựng lại gia đình trên đống đổ nát hôn nhân. Thật lòng đến giờ, nhiều khi nhớ lại, chị vẫn thấy nhói đau và chạnh lòng vô cùng.

Theo Tri thức trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC