Bạn có con nhỏ và chắc chắn đã từng có lúc gặp những tình huống dở khóc dở cười khi con cứ lăn đùng ngã ngửa ra đất và mồm ngoác ra khóc đòi bánh kẹo, đồ chơi hay bất kỳ một thứ gì đó.

Còn bạn chỉ biết đứng nhìn con một cách bất lực... 

Mình cũng đã từng trải qua một thời gian như thế với hai đứa trẻ nhà mình. Thời gian này gọi là thời gian khủng hoảng tuổi lên 1, lên 2, lên 3… cho đến lúc lên 6 - đi học tiểu học.

Tình trạng ăn vạ của hai đứa nhóc nhà mình đã sắp đi qua.

Mình có một người bạn, người bạn này có một em bé năm nay 1 tuổi. Bạn hay kể là „Con em khóc hàng tiếng đồng hồ không ngớt, con em bướng lắm, ghê lắm…“.

Khiến cho mình quay trở ngược thời gian trở lại thời ăn vạ của hai đứa nhóc nhà mình.

Một kỷ niệm mình không bao giờ quên. Hồi ấy mình mới sinh bé thứ hai, còn bé lớn tròn 3 tuổi.

Ba mẹ con đi vào phố mua đồ. Bé lớn đòi ăn khoai tây rán, mình mua cho một hộp rồi ba mẹ con ra bến xe. Vậy mà nó khóc ngằn ngặt, nhất định quay lại đòi lên chỗ cửa hàng bán đồ chơi.

Một tay mình cầm hộp khoai tây, tay kia đẩy xe, đứng nhìn nó nằm lăn ra phố giữa bao nhiêu người đi lại. Khỏi phải tả nỗi bất lực khủng khiếp của mình lúc ấy. 

Tác giả Làm dâu nước Đức“ đối phó khi con ăn vạ - 0Phan Hà Anh sinh năm 1981, từng sáng tác văn xuôi, dịch sách và hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Đức. Chị cũng là tác giả của cuốn tự truyện nổi tiếng với tựa đề "Làm dâu nước Đức", NXB Phụ nữ, 2013. 

Mình muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm, một vài miếng võ phòng thân cho các ông bố, bà mẹ có con đang và sẽ ở tình trạng "khủng hoảng ăn vạ" này.

Mỗi đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã là một võ sĩ giác đấu với một tinh thần cực kỳ quả cảm. Chúng muốn thử tất cả mọi thứ, muốn học tất cả mọi thứ và muốn đối đầu với tất cả mọi thứ. 

Bạn hãy nhìn những đứa bé tập đi mà xem. Chúng vấp ngã rất đau, nhưng rồi lại vịn bàn ghế đứng dậy tiếp tục tập đi.

Quá trình ngã đau – bám dậy - tập đi này kéo dài ít nhất từ 2 tuần đến 2 tháng thì chúng có thể tự đi được với một niềm tự hào và phấn khởi vô cùng. 

Trẻ con chưa biết học cách chấp nhận sự thất bại thế nên việc đầu tiên chúng làm là phải chiến đấu hết mình để có được điều chúng muốn.

Trong não chúng vào thời điểm đó chỉ có một thứ đó duy nhất cần phải có được. Lúc này, bố mẹ là chướng ngại vật mà chúng cần phải vượt qua.

Ví dụ, khi cậu con thứ 2 của mình đòi ăn kẹo.

Tất nhiên, đứa trẻ muốn ăn một cái kẹo là việc cực kỳ dễ hiểu và dễ thực hiện.

Nhưng việc ăn kẹo lại ngay trước khi ăn cơm, nên việc ăn kẹo phải bị trì hoãn lại. Nếu bố mẹ nói: "Không được. Con không được ăn kẹo bây giờ".

Thì ngay lập tức nó sẽ ngoạc mồm ra khóc lóc ăn vạ. Nhưng nếu bố mẹ bảo: "Con cứ cầm lấy kẹo, con sẽ ăn nó sau khi ăn cơm". Thì nó sẽ vui vẻ thực hiện ngay. 

Trong thâm tâm, tụi trẻ không hề muốn gây khó dễ cho bố mẹ chút nào.

Mà chúng chỉ muốn thực hiện điều mong muốn của chúng mà thôi, đôi khi điều mong muốn ấy là: Con không muốn ăn, con không muốn đi ngủ, con không muốn đánh răng…

Thời kỳ ăn vạ là một trong những bước phát triển tâm lý vô cùng quan trọng của trẻ, vì thế bạn nên phải hết sức để ý đến chúng. Sau mỗi lần ăn vạ, khóc hết nước mắt, bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần sự an ủi của bố mẹ.

Mặc dù rất bực nhưng các mẹ đừng trách các con ngay, mà hãy ôm chúng vào lòng, vỗ về, an ủi chúng.

Bởi vì, khi dùng đến chiêu ăn vạ, là chúng đã cảm thấy rất bất lực rồi. Về tâm lý, khi càng cảm thấy bất lực thì càng dễ nổi cáu, nên chúng chỉ còn cách duy nhất là gào thét mà thôi...

Tác giả Làm dâu nước Đức“ đối phó khi con ăn vạ - 1

Ngoài ra, để đối mặt với những tình huống này, mình có một vài chiêu đã đúc kết lại được như sau: 

1. Sự kiên nhẫn.

Bố mẹ phải hết sức kiên nhẫn với con cái khi chúng giở trò ăn vạ. Nếu bố mẹ càng quát mắng, càng nổi đoá lên thì thời gian ăn vạ càng kéo dài ra hơn.

Hãy bình tĩnh! đợi cho chúng hạ hỏa, rồi nói chuyện thật bình thường với chúng, để cho trẻ cảm thấy mình không bị bỏ rơi, không bị hắt hủi. Sau đó mới nhắc lại cho chúng nghe về việc đã xảy ra, và nói cho chúng biết cách ứng xử đúng mực.

Một lần mình bị viêm họng, không đọc sách cho con trai bé nghe được, nên nhờ con gái lớn đọc. Nhưng cô chị nhất định không chịu đọc cho em nghe.

Thằng em thì khóc lóc kêu gào: "Đời tôi khổ quá, không ai đọc sách cho tôi nghe cả".

Mình rất giận con gái lớn, nói cho nó một trận rồi đi ngủ. Một lúc sau, mình nghe thấy tiếng hai chị em, hóa ra cô chị mang sách sang đọc cho em.

Mình đợi cho nó đọc xong, mới sang phòng con gái lớn, ôm nó vào lòng thủ thỉ: "Mẹ cám ơn con, vì con đã đọc sách cho em nghe. Nếu con muốn, con có thể ngủ cùng với mẹ".

Thế là hai mẹ con cùng giải hoà.

2. Giữ vững lập trường:

Việc này thường đi liền với việc lập kế hoạch và tạo thói quen cho trẻ.

Ví dụ như đi ngủ đúng giờ, thức dậy đúng giờ, đánh răng rửa măng, vệ sinh cá nhân cần thiết. Bố mẹ là người quyết định khi nào thì giờ chơi kết thúc, đồ chơi nào con cái được phép chơi, đồ vật nào con cái được phép sử dụng…

Thời kỳ khủng hoảng kéo dài vài năm, thế nên bố mẹ cũng có đủ thời gian để lập kế hoạch và xây dựng thói quen cho con. Nhưng không phải dễ dàng đâu nhé.

Đó là một trận chiến đầy cam go và bố mẹ phải là những chiến sĩ đầy mưu mẹo.

3. Ủng hộ sự tự lập:

Khi trẻ đến tuổi dở dở ương ương, chúng rất thích tự thể hiện mình, vì muốn được khen. Hãy tạo điều kiện cho bé nhà bạn tự đi giày, tự mặc quần áo, tự mang bát đĩa của mình xuống bếp…

Mặc dù mất thời gian một chút nhưng bạn tiết kiệm được khối thời gian khi không phải xử lý các vụ ăn vạ của chúng.

Hãy cho trẻ cùng nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ… và nhớ khen chúng. Đối với hai đứa nhà mình bây giờ việc nhà là chuyện nhỏ. Chúng làm việc nhà với niềm thích thú ra mặt. 

4. Cho trẻ cơ hội:

Mặc dù nói bố mẹ phải có lập trường, nhưng cũng nên cho trẻ những cơ hội để đọc nốt cuốn sách, để xem nốt bộ phim sắp hết...

Khi giục chúng đi ngủ, thay vì nói: "Con phải đi ngủ ngay lập tức". Thì hãy nói: "Con được phép đọc sách 10 phút nữa. Sau đó thì con phải đi ngủ".

Tuy nhiên cũng đừng bắt trẻ con phải đưa ra quá nhiều lựa chọn, như vậy là bố mẹ gây khó dễ cho chúng đấy. Chỉ nên cho trẻ lựa chọn 1 trong 2 thứ mà thôi.

Ví dụ, "Con sẽ chọn mua ô tô hay bánh kẹo?“. „Ăn kem hay ăn bánh mì?“. 

5. Tránh tình trạng các thần nằm ăn vạ trong siêu thị, bố mẹ luôn nhớ một nguyên tắc:

Không bao giờ cho trẻ con đi siêu thị khi chúng đang đói! 

6. Dù cho bạn mong muốn hay không thì thời kỳ ăn vạ này sẽ qua đi.

Nghĩa là, con bạn sẽ lớn và trưởng thành dần lên. Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy tiếc vì thời kỳ ăn vạ này chỉ có vài năm trong đời. 

7. Theo các nhà tâm lý học, những đứa trẻ có thời kỳ ăn vạ càng khủng khiếp thì ngược lại, thời kỳ dậy thì rất yên bình.

Mình hy vọng hai đứa nhà mình có một tuổi dậy thì êm ả, vì thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 5 lên 3 của chúng rất khủng khiếp. Ví dụ, con gái lớn của mình đã từng khóc 4 tiếng chỉ vì đòi ngủ với bố mẹ.

Con trai bé thì từng giãy đành đạch ra giữa siêu thị đã hàng tỉ lần. Nhưng rồi bây giờ, con gái lớn đã rất ngoan hiền, tuân thủ các quy định và thích lập kế hoạch. Con trai nhỏ còn vài tháng nữa sẽ đi học lớp 1, nên chỉ được phép ăn vạ vài tháng nữa thôi đấy nhé.

Chúc các bạn vượt qua thời kỳ ăn vạ của các thiên thần một cách an toàn và vui vẻ.

Phan Hà Anh (Facebook)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC