Nhiều phụ huynh có thói quen chụp ảnh con có logo trường, lớp sau đó đăng lên mạng xã hội, đây là thông tin có lợi cho bọn bắt cóc.

Tôi hiểu rằng đứa con nó như máu thịt của mình, làm cha mẹ thậm chí có thể chết để con mình được sống, vậy mà đùng một cái con bị bắt đi không biết tung tích thế nào, đó là một cảm giác rất khủng khiếp. Tôi xin phép chia sẻ một số kỹ năng cơ bản để gửi đến quý vị phụ huynh có con nhỏ, hy vọng nó có ích cho mọi người.

Đa số các phụ huynh có con em từ độ tuổi mẫu giáo đến tiểu học đều có một thói quen là ghi tên con trên cặp, bình nước và nón để tránh nhầm lẫn với đồ đạc của các bạn khác. Hãy thay đổi thói quen này. Việc ghi tên con như vậy sẽ khiến kẻ xấu gọi đúng tên bé để tiếp cận. Hãy ghi tên bên trong balo, dưới nắp bình nước, dưới vành nón thay vì lộ ra.

Nhiều phụ huynh đang có một thói quen không hề tốt đó là chụp ảnh con có logo trường, lớp sau đó đăng tải lên mạng xã hội, rồi check in cả địa chỉ của trường. Nghĩ đơn giản rằng mình chỉ chia sẻ cho bạn bè thôi, nhưng sẽ có những kẻ luôn rình rập những thông tin đó để gây hại cho con của bạn.

Trẻ có nguy cơ bị bắt cóc nếu cha mẹ đăng ảnh lên Facebook - 0

Foto: Internet

Trước đây đã có nhiều khuyến nghị về việc đưa hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh phản ứng bỡn cợt với khuyến nghị này. Nhưng tôi tin rằng đã đến lúc cần nghiêm túc xem lại điều này, những cái like không thể nào giá trị bằng con của mình đâu.

Có rất nhiều trường hợp, trẻ có thể bị bắt cóc ngay cả khi đang đi cùng bạn. Đừng bao giờ rời mắt khỏi con mình dù chỉ một phút. Tôi có xem một clip tình huống thực tế, trẻ đang chơi ở công viên cùng bố mẹ và chạy đi mua kem ở chiếc xe lưu động ngay trước mặt họ.

Người bán kem hỏi: “Cháu có muốn lên đây xem thêm các loại kem không?”, tất nhiên cháu đã đồng ý và leo lên xe, cửa xe đóng sập lại trong khi bố mẹ của em vẫn đang chăm chú vào điện thoại, mọi việc diễn ra chỉ trong hơn một phút.

Dạy trẻ làm việc tốt và giúp đỡ người khác là điều rất nên làm. Và bọn buôn người giờ đây cũng đã biết lợi dụng vào những điểm sáng đó. Chúng sẽ tiếp cận bé và nhờ giúp đỡ, ví dụ như: Cháu có biết nhà chú A, chú B ở đâu không? Cháu có thể đưa chú tới đó không vì chú đang vội, chú quen thân với chú A lắm cháu cứ yên tâm.

Chúng đã theo dõi và biết tên hàng xóm của bạn. Bé của bạn vì muốn giúp đỡ người khác mà có thể sập bẫy.

Hãy nói cho bé hiểu rằng giúp người khác là rất tốt, bé có thể nhặt tiền trả lại người đánh rơi, có thể gọi người lớn đến giúp khi thấy có tai nạn ven đường… Nhưng tuyệt đối không được đi theo người lạ. Hãy từ chối mọi lời đề nghị giúp đỡ mà người kia yêu cầu bé phải đi theo.

Khi trẻ ra ngoài một mình, sẽ có trường hợp bọn chúng tiếp cận trẻ và giả làm ba mẹ của bé đang đi tìm bé. Chúng la mắng và đánh bé, cố lôi bé lên xe và nói như kiểu bé bỏ nhà đi chơi. Lúc này trẻ sẽ hoảng loạn và gần như chỉ có gào khóc.

Người xung quanh thấy vậy chỉ nghĩ là do phụ huynh dạy con chứ không nghĩ đây là một vụ dàn cảnh để bắt cóc. Hãy dạy cho con hét lên hai chữ: “Bắt cóc” nếu như có bất kỳ sự cố nào, bất kỳ ai động vào con mà con cảm thấy nguy hiểm.

Càng ít từ vựng trẻ sẽ càng nhớ dai và phản xạ tốt hơn là việc cố tìm câu chữ để trình bày đây không phải là bố mẹ cháu, lúc hoảng loạn bé không bao giờ đủ bình tĩnh để nói.

 

Nguồn: Tuệ Nghi

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC