Ăn thịt có lợi hay hại? Căn bệnh béo phì ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại khiến không ít người cảm thấy do dự với các món ăn từ thịt và có khuynh hướng chuyển sang ăn kiêng. Tuy nhiên việc làm này có thực sự tốt cho sức khỏe? Một số giải đáp sau đây của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Dinh dưỡng Đức sẽ cho bạn thấy vai trò to lớn và cách thức chế biến hợp lý nguồn thực phẩm hấp dẫn này.


Thịt quan trọng thế nào đối với dinh dưỡng của mỗi người?

Nhìn chung, thịt là  một thành phần hữu ích của chế độ ăn uống khỏe mạnh. Loài người chúng ta được xếp vào nhóm động vật ăn tạp. Vì vậy, một chế độ ăn uống hỗn hợp sẽ tốt nhất cho chúng ta.

Các chất khoáng quan trọng nhất như sắt và kẽm đều có trong thịt. Sắt là thành phần cơ bản tạo nên hồng cầu và do đó tham gia vào việc vận chuyển oxy trong cơ thể chúng ta. Thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung, rụng tóc và thiếu máu. Bên cạnh đó, kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hoạt động như một chất chống oxy hóa và phòng tránh bệnh thấp khớp. Nếu không có kẽm, tuyến tụy sẽ không thể tạo ra Insulin. Thiếu kẽm có thể dẫn tới viêm da, rụng tóc và dễ nhiễm trùng.  Ngoài ra, trong thịt còn chứa một lượng lớn vitamin D, B (đặc biệt là trong thịt bò) hơn bất kỳ loại thực phẩm thực vật nào. Đồng thời, thịt cũng là nguồn bổ sung hàm lượng chất đạm cao.

Chúng ta nên ăn bao nhiêu thịt là đủ?

Viện nghiên cứu Dinh dưỡng Đức khuyến cáo nên ăn từ 300 - 600 gr thịt trong 2-3 lần mỗi tuần. Nếu ăn nhiều hơn mức đó sẽ không gây hại nhưng nó cũng không mang lại ích lợi gì cho cơ thể. Bạn có thể ăn hầu như không giới hạn số lượng thịt - thậm chí ngày nào cũng dùng thịt bò mà không sợ nguy cơ nào gây bệnh. Các nghiên cứu trước kia cho rằng những loại thịt màu đỏ gây ung thư, nay đã được bác bỏ. Tuy nhiên, với những bệnh nhân gout, nên hạn chế lượng thịt tiêu thụ.

Loại thịt nào tốt nhất cho sức khỏe?

Thịt bò và thịt cừu được cho là tốt cho sức khỏe nhất, bởi chúng chứa ít chất béo nhưng lại có nhiều chất có lợi cho cơ thể như axit linoleic liên hợp (axit béo không bão hòa) và L-carnitine rất quan trọng cho quá trình chuyển hóa năng lượng. Ngoài ra thịt lợn nạc cũng rất tốt, bởi nó không chứa nhiều cholesterol và purines và không gây nên nguy cơ về bệnh thấp khớp. Ngược lại, các loại thịt gia cầm chứa ít chất khoáng và vitamin hơn, đồng thời nhiều nước hơn.

Khi chế biến thịt cần lưu ý gì?

Bạn có thể xào hoặc nấu chín thịt bình thường. Chỉ cần chú ý rằng không nên chế biến thịt đến mức cháy xém vì khi đó có thể phát sinh một số chất gây ung thư. Thịt đã ướp mắm muối thì không nên rán vì như vậy cũng sẽ gây ra nguy cơ mắc ung thư.

Những người tuyệt đối không ăn thịt có khỏe hơn không?

Câu trả lời là không. Với một chế độ ding dưỡng toàn thực vật, cơ thể sẽ bị thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng như sắt, i-ốt, can-xi và kẽm. Nếu buộc phải kiêng thịt, ít nhất bạn nên ăn trứng và các sản phẩm từ sữa để bổ sung các chất này.

Thịt mang nhãn "Bio" có tốt hơn so với các loại thịt khác không?

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy, thịt "Bio" tuy đắt hơn, nhưng không phải lúc nào cũng tốt hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm "Bio" thường được khai thác từ những động vật được nuôi trong điều kiện vệ sinh an toàn hơn các phương pháp nuôi thông thường khác.

Thịt đặc biệt quan trọng với trẻ em?

Đúng thế. Trẻ em nhất thiết phải được cung cấp khẩu phần ăn có chứa thịt. Chúng cần lượng chất đạm và sắt từ thịt để phát triển. Thậm chí nên cho trẻ  ăn thịt nạc thường xuyên từ 3-4 lần trong tuần. Bên cạnh đó, cần chú ý không nên để trẻ ăn quá nhiều xúc xích béo như Salami, Teewurst hay Streichwurst.

Hương Vũ - ©tintucvietduc.de

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC