"Rồng" sẽ bay trên mặt hồ TâyChương trình đặc biệt chào đón 1.000 năm Thăng Long do nhóm tác giả gồm nghệ sĩ Trọng Khôi, Lê Chức, Doãn Hoàng Giang và nhà văn Nguyễn Khắc Phục chủ biên đã hoàn thiện, sẽ trình chính phủ phê duyệt lần cuối vào ngày 25/3.

Theo dự kiến, đại lễ kéo dài từ ngày 1 đến 10/10, trong đó, đêm cuối cùng mang ý nghĩa quan trọng nhất với hai phần: phần 1 trình diễn vở kịch Thành phố rồng bay quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phần 2 nguyên thủ quốc gia công bố thông điệp Thăng long Hà Nội Việt Nam 2010.

Sẽ có thông điệp xứng với lịch sử 1.000 năm

Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, lịch sử từng có những kiệt tác Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập, thì thời đại này cũng phải có thông điệp xứng với tầm vóc Thăng Long ngàn năm tuổi. Nhà văn này cho rằng: “Thành phố rồng bay chứa tinh hoa đất nước, là thành quả lao động tập thể và xứng đáng với sự kỳ vọng”.

Để tìm địa điểm tổ chức đại lễ, nhóm tác giả đưa ra bốn phương án: sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm hội nghị Quốc gia, Quảng trường Ba Đình và mặt hồ Tây. Cuối cùng, sân khấu mặt nước hồ Tây - địa điểm đặc biệt chưa từng diễn ra lễ hội – đã được chọn trở thành nơi đón chào đại lễ.

 

Chiều 9/3, đoàn khảo sát gồm các thành viên đến từ Bộ Quốc phòng đã tiến hành thực địa và xem xét tính khả thi của việc tổ chức đại lễ trên mặt nước. “Họ đã chứng minh được kỹ thuật và kinh phí hoàn toàn đảm bảo”, người chắp bút chính phần kịch bản, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, cho biết.

Theo mô tả của ông Phục, sân khấu được thiết kế hình lá sen, còn lễ đài và khu vực dành cho các nguyên thủ quốc gia có hình búp sen hé nở. Lễ đài hướng về phía Đông Bắc, trong đó, chùa Trấn Quốc được chọn làm điểm nhìn của các đại biểu.

Cùng với sân khấu hoa sen, một hành lang nổi nối từ ngôi chùa Trấn Quốc nổi tiếng đến vườn hoa Lý Tự Trọng được thiết kế riêng cho thành phần đại biểu gồm bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh và những người có công với đất nước. Điểm nhấn của lễ hội là hình ảnh rồng bay lên bầu trời trong đúng giờ phút thiêng liêng, biểu tượng bất diệt của đất kinh kỳ nghìn năm. “Đoàn khảo sát đã đo mặt hồ, thiết lập ý tưởng về kích cỡ, hình dáng cũng như trọng lượng để đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên điều này còn trong vòng bí mật”, ông Khắc Phục hé lộ.


9 ngày trước đại lễ, mỗi ngày diễn ra đều hướng theo một chủ đề với phần kịch bản cụ thể, chi tiết: Tinh hoa Thăng Long; Thăng Long với cả nước, cả nước với Thăng Long; Di sản Hoàng Thành, Thăng Long - điểm hội tụ của văn hoá Việt Nam; Thăng Long và các thành phố 1.000 tuổi; Thăng Long qua điện ảnh, văn chương, sân khấu; Thăng Long qua thể thao; Thăng Long, cảm hứng tuổi trẻ, khát vọng sáng tạo...

Nhân tài tụ hội và cống hiến

Theo thông tin từ các tác giả kịch bản, sẽ có một tổng chỉ huy chịu trách nhiệm chung 10 ngày lễ và mỗi ngày lại có một tổng đạo diễn và hàng chục đạo diễn cho nhiều hoạt động cụ thể khác. Khi kịch bản hoàn thiện và chính thức phê duyệt, nhân tài sẽ được mời tụ hội cùng phương án tốt nhất. Vì thế, các nghệ sĩ hoạt động trên tất cả lĩnh vực, trường phái đều có cơ hội thể hiện tài năng trong đại lễ nghìn năm.

Nghệ sĩ đương đại Đào Anh Khánh chia sẻ, anh rất mong kịch bản đại lễ được thông qua, để những nghệ sĩ như anh có thể góp sức và khả năng vào thành công của sự kiện lịch sử trọng đại này.

Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9, toàn bộ hoạt động của 10 ngày lễ sẽ đạt tới sự thống nhất. Ngày 30/10, cuộc tổng diễn tập cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long được tổ chức tại Hà Nội, đúng dịp diễn ra sự kiện Đại hội thể thao Châu Á trong nhà (Việt Nam đăng cai, từ ngày 30/10 đến 8/11).

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức cho biết, dự thảo kịch bản ngày đại lễ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, vì thế, nhóm tác giả tin tưởng kịch bản nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.

Nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi tiết lộ, cái khó của nhóm viết kịch bản là làm thế nào để vừa đảm bảo tính nghệ thuật, thể hiện được dòng chảy lịch sử, văn hóa của Thăng Long qua nghìn năm văn hiến, đồng thời phải khả thi. “Kịch bản cũng tính đến sự phù hợp về mặt kinh phí và thời gian thực hiện”, ông Khôi cho biết.

Theo nhóm tác giả, bất cứ đóng góp nào cho đại lễ cũng quý giá, bởi đây là dịp hiếm có để toàn dân thể hiện sức mạnh đoàn kết. Các nghệ sĩ đưa ý kiến: “Có thể về phương pháp, cách tiếp cận mỗi người một ý, nhưng tất cả đều hướng đến ba mục tiêu: cảm hứng yêu nước, anh hùng, văn hóa và hội nhập phát triển”.

Theo Đất Việt.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC