Hồi năm 2012, công ty du lịch non trẻ của chúng tôi đón nhóm khách quốc tế đầu tiên, từ Australia. Đây quả thực là một tin rất vui cho mấy anh em trong công ty.

So với bây giờ thì nhóm khách lúc đó khá nhỏ, chỉ có ba gia đình tổng cộng là 14 người, nhưng đã là sự kiện lớn đối với chúng tôi. Những người khách cảm thấy rất thích thú khi lần đầu tiên đặt chân lên "mảnh đất chiến tranh''. Sở dĩ họ nói vậy vì một trong ba gia đình có người là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Họ tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy sự phát triển của thành phố. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.

Chương trình du lịch được ấn định kéo dài một tuần. Ngoài TP HCM, họ còn muốn đi Nha Trang, Vũng Tàu và Long Tân, chiến trường xưa của người lính Australia. Tuy nhiên chương trình bỗng thay đổi đột ngột do một sự cố mà chúng tôi đã nghĩ tới nhưng không thể tránh khỏi.

Buổi tối ngày thứ hai, khi hướng dẫn viên của công ty đang dẫn đoàn đi dạo bộ quanh khu vực trung tâm TP HCM thì một người khách nữ bị giật mất túi xách. Mặc dù trong túi xách không có nhiều đồ giá trị nhưng nó đã làm cho cả đoàn vô cùng sợ hãi. Ngay khi biết tin, tôi vội chạy đến và đưa đoàn về khách sạn, đồng thời cử hướng dẫn viên đi báo công an. Tôi cố gắng an ủi đoàn khách và hứa bằng mọi cách tìm lại cái túi bị mất cho họ.

Nhờ sự giúp đỡ của ''một ông anh'', ngay sáng hôm sau chúng tôi đã ''chuộc'' được chiếc túi của du khách. Dù được an ủi phần nào họ vẫn quyết định hủy chương trình đã sắp sẵn. Họ chấp nhận mất tiền, nhưng không muốn ở lại thêm một ngày nào nữa. Chúng tôi đành mua vé máy bay tiễn họ về nước, trong lòng vô cùng phiền muộn.

Những năm gần đây, nạn cướp giật vẫn tiếp tục hoành hành tại TP HCM. Không ít lần trong những câu chuyện của bạn bè tôi chứa đầy sự phẫn nộ với hành vi cướp giật. Một chị trong công ty tôi còn bị giật túi khi đang đi xe máy, té xuống đường phải đi cấp cứu. Trên các diễn đàn quốc tế, “cướp giật” là từ khóa được du khách dùng nhiều nhất để cảnh báo nhau khi tới du lịch tại Việt Nam. Họ còn đưa ra số liệu thống kê các vụ cướp một cách tỉ mỉ và cặn kẽ.

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP HCM, trong năm 2015, Sở đã nhận được công hàm từ rất nhiều nước phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp tài sản, hộ chiếu. Tổng số vụ cao dần theo mỗi năm nhưng biện pháp đưa ra để giải quyết tình trạng này vẫn chưa có gì mới.

Cướp mất niềm tin - 0

Du khách nữ ngồi khóc nức nở sau khi bị cướp sạch tài sản - (Ảnh độc giả Đỗ Ngọc).  Lúc 15h30 ngày 11/3 trên đường Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. HCM).

Cách đây vài ngày thôi, một nữ du khách nước ngoài đã sợ đến mức ngất xỉu giữa trung tâm thành phố khi bị giật túi xách, mất hết toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu, thẻ ngân hàng và tiền mặt.

Tôi cho rằng, Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ du khách, như một yếu tố cần thiết để phát triển du lịch. Mỗi du khách chính là một đại sứ du lịch của quốc gia họ đến. Muốn quảng bá tốt nhất nền du lịch thông qua các du khách, trước hết và ít nhất là phải đảm bảo an toàn cho họ.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ ánh mắt của nữ du khách người Australia – hoảng hốt, sợ hãi và căm phẫn. Có lẽ đó là một trải nghiệm tồi tệ trong cuộc đời cô. Trong lần trả lời email xin lỗi của chúng tôi, cô bảo dù có đôi lúc muốn quên, nhưng ấn tượng đó không phai nhòa được, và cô không muốn trở lại nữa.

Gần đây, những phát biểu của các vị lãnh đạo đã bắt đầu cho thấy tầm nhìn và quyết tâm của họ trong việc biến TP HCM thành nơi an toàn, văn minh. Tôi nghĩ, xóa sổ nạn cướp giật là một trong những việc đầu tiên mà thành phố này phải làm, để gây dựng niềm tin cho người dân và du khách.

Không dễ dàng để tạo dựng niềm tin nên càng không nên dễ dàng đánh mất niềm tin đó.

Lê Tư




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC