Những ngày gần đây, đề xuất của một đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh giờ làm muộn hơn 30 phút so với hiện tại đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.

 

Do đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới rất nhiều công chức và giới văn phòng, cũng như liên quan tới việc sắp xếp sinh hoạt của người dân, nên có rất nhiều ý kiến tán thành đã được đưa ra.

Nhưng qua các ý kiến chia sẻ, chúng ta cũng thấy được một vấn đề nổi bật không kém, đó là chất lượng lao động không hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian làm việc.

Làm việc 6 hay 10 tiếng một ngày? Vấn đề quan trọng nhất không phải là bao nhiêu giờ… - 0

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng từ năm 2011, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.

Năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam, một người Thái Lan bằng gần ba và một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn hai người Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp, thể lực người lao động yếu, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp, tổ chức lao động và quản trị nhân lực chưa khoa học hay do một số ngành nghề thậm chí còn không có áp lực cạnh tranh để thúc đẩy người lao động…

Tất nhiên đó đều là nguyên nhân trực tiếp và dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên để cải thiện điều đó thì không hề đơn giản.

Đứng từ góc nhìn văn hóa, chúng tôi xin đưa ra một trong những nguyên nhân có nguồn gốc từ thói quen và văn hóa lao động của người Việt Nam để có thêm một cái nhìn khác, có thể giúp ích trong việc thay đổi quan niệm và hình thành phong cách làm việc hiệu quả hơn cho từng cá nhân.

Làm việc 6 hay 10 tiếng một ngày? Vấn đề quan trọng nhất không phải là bao nhiêu giờ… - 1

Tác phong làm việc của người Nhật là sự nghiêm túc và đặt tập thể lên trên cá nhân. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Người ta vẫn hay nói về tác phong làm việc của người Nhật là sự nghiêm túc và đặt tập thể lên trên cá nhân; người Singapore có tác phong khoa học, chặt chẽ và làm việc rất tập trung; người Đức chính xác, kỷ luật và tỉ mỉ; người Mỹ coi trọng hiệu quả công việc; hay người Hàn Quốc chỉ tập trung vào kết quả công việc cho dù có phải làm tăng ca và không có ngày nghỉ…

Mỗi quốc gia đều có văn hóa làm việc rất khác nhau, ví dụ như người Mỹ luôn ưu tiên thời gian cho bản thân và gia đình lên hàng đầu, họ hướng tới sự cân bằng và cho rằng đó chính là cách tăng năng suất lao động.

Trong khi với người Nhật, cuộc sống lại chính là công việc. Nhưng dù có sự khác biệt thế nào, hầu hết những người lao động ở các quốc gia có năng suất lao động cao đều rất nghiêm túc trong công việc và có tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện ở những việc như luôn đúng giờ và thái độ làm việc tập trung.

Có một điểm chung của những quốc gia có năng suất lao động cao, đó là họ làm kinh doanh dù lớn hay nhỏ, dù làm chủ hay đi làm thuê, họ đều đặt việc đó thành một phần của cuộc sống của mình, thậm chí còn là cuộc đời của mình.

Họ tận tâm, tận lực làm nó cho tốt, nên sẽ làm được lâu dài. Loại tâm thái này khiến hình thành thái độ làm việc và chất lượng sản phẩm làm ra luôn là tốt hơn nữa.

Người Việt Nam chúng ta lại coi công việc chủ yếu là để kiếm kế sinh nhai, để làm giàu, nên hình thành tâm thái là cứ muốn phát tài sau một đêm, làm việc không có tính toán lâu dài mà chỉ nghĩ đến phúc lợi và tiền lương.

Thế nên trọng tâm của việc đi làm là vì đồng tiền, công việc có thể tắc trách, qua loa, việc ngoài bổn phận của mình thì không cần chủ động giải quyết vì có làm thêm thì lương chẳng phải là vẫn vậy sao?

 

Người Nhật Bản có một khái niệm gọi là “ikigai”, trong đó “iki” có nghĩa là cuộc sống và “gai” là mô tả giá trị, hy vọng.

Đây là một thuật ngữ thể hiện ý tưởng hạnh phúc trong cuộc sống, về cơ bản, ikigai là lý do tại sao bạn thức dậy vào buổi sáng.

Nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích rằng ikigai tương tự như “hạnh phúc” nhưng có một sự khác biệt tinh tế trong sắc thái của nó. Ikigai cho phép bạn trông chờ tương lai ngay cả khi bạn đang không hạnh phúc ở thực tại.

Một người Ikigai có thể không liên quan gì đến thu nhập.

Giá trị của một ai đó trong cuộc đời có thể là công việc. Người Nhật cho rằng nhờ tìm thấy ikigai của bạn và luôn bận rộn với mục đích của mình, bạn sẽ có được một cuộc sống dài lâu và hạnh phúc. Những người có tinh thần ikigai mạnh mẽ cho biết họ tìm thấy nó trong công việc, các thú vui và các mối quan hệ.

Chuyện này nghe có vẻ bất ngờ vì chúng ta luôn nghĩ rằng nghỉ ngơi, hưởng thụ sau những ngày tháng làm việc căng thẳng mới là biểu hiện của sự viên mãn.

Trên đảo Okinawa (nơi nổi tiếng với tuổi thọ trung bình của người dân cao nhất thế giới) không hề tồn tại khái niệm “nghỉ hưu”.

Người dân ở đây luôn luôn bận rộn dù ở giai đoạn nào trong cuộc đời của họ, và người ta cho rằng tinh thần trách nhiệm và niềm vui trong phấn đấu làm việc, lao động chính là yếu tố góp phần làm nên một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh. Đó chính là lý do tại sao người Nhật làm việc đến kiệt sức nhưng họ lại coi được làm việc là hạnh phúc, là khẳng định giá trị cuộc sống của mình.

Làm việc 6 hay 10 tiếng một ngày? Vấn đề quan trọng nhất không phải là bao nhiêu giờ… - 2

Họ cho rằng tinh thần trách nhiệm và niềm vui trong phấn đấu làm việc, lao động chính là yếu tố góp phần làm nên một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh. (Ảnh: bluezones.com)

Tương tự, người phương Tây có thể biết cách cân bằng và hưởng thụ cuộc sống hơn người Nhật, nhưng họ đối đãi với công việc hàng ngày vẫn rất nghiêm túc.

Người Đức có thể chỉ làm việc 35 giờ một tuần, nhưng với họ, giờ làm việc là giờ làm việc.

Với người Đức, khi họ đang làm việc, nghĩa là họ không nên làm bất cứ thứ gì khác ngoài công việc của mình. Tán dóc với đồng nghiệp, lướt web hay ra ngoài làm cốc trà đá rồi giả bộ bận bịu khi nhìn thấy sếp là hành vi không thể chấp nhận được.

Trong một bộ phim tài liệu của BBC mang tên “Make me a German”, một phụ nữ Đức cho biết cô đã rất sốc khi chứng kiến văn hóa làm việc khi ra nước ngoài.

 “Tôi vào văn phòng và thấy mọi người ở đây uống cà phê suốt ngày và ngồi tán dóc với nhau những chuyện kiểu như tối nay có kế hoạch gì không”,… trong khi ở Đức, một bức thư điện tử cá nhân trong giờ làm việc cũng bị nghiêm cấm.

Trong văn hóa làm việc của người phương Tây, không có công việc nào là tầm thường.

Công việc của một người, dù buồn tẻ hay hấp dẫn, dù hứa hẹn hay không có tương lai đều là trách nhiệm bạn phải làm tốt mỗi ngày.

Việc dù nhỏ đến đâu, là dán một con tem, bán một sản phẩm hay gọi một cuộc điện thoại đều có thể phân định được rằng việc đó có tốt hay không vì mọi việc đều có tiêu chuẩn.

Ông chủ chỉ cần nhìn vào những việc của bạn là đủ để đánh giá bạn. Không có việc nào nhỏ nhặt. Bất cứ việc gì, dù nhỏ đến đâu cũng xứng đáng để làm.

Cho dù việc họ đang làm chỉ là một việc hết sức bình thường, họ luôn nghĩ làm thế nào để giải quyết một cách tốt nhất công việc đó, cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Đó không chỉ là vì tiền lương và tiền đồ của họ mà là để hình thành thói quen tốt, là điều tạo nên nhân cách và giá trị của bản thân.

Người phương Tây coi trọng tinh thần trách nhiệm, nhà xã hội học David đã nói:

Khi con người ta đánh mất đi trách nhiệm với xã hội nghĩa là họ đã đánh mất đi cơ hội sinh tồn trong xã hội đó.

Khi chúng ta có được tinh thần trách nhiệm cao với công việc, chúng ta sẽ luôn tích luỹ được những kinh nghiệm mới và cũng từ đó tìm thấy niềm vui và giá trị cuộc sống. Mọi người sẽ coi thường công việc và nhân cách của bạn nếu bạn là một người vô trách nhiệm.

Công việc là một phần của cuộc sống, nên khi bạn làm việc có trách nhiệm và thể hiện ra kết quả tốt thì bạn là người có giá trị và cuộc sống của bạn không tầm thường.

Làm việc 6 hay 10 tiếng một ngày? Vấn đề quan trọng nhất không phải là bao nhiêu giờ… - 3

Khi chúng ta có được tinh thần trách nhiệm cao với công việc, chúng ta sẽ luôn tích luỹ được những kinh nghiệm mới và cũng từ đó tìm thấy niềm vui và giá trị cuộc sống. (Ảnh: phunuvagiadinh.vn)

Những bác sỹ vô trách nhiệm sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, những nhân viên quản lý tài chính vô trách nhiệm khi viết sai một con số có thể làm thất thoát rất nhiều tài sản khách hàng hoặc công ty, những người nông dân vô trách nhiệm có thể khiến người tiêu dùng bị nguy hại tới sức khỏe lâu dài, những nhân viên văn phòng vô trách nhiệm có thể khiến lãng phí tài nguyên của công ty…

Những người chỉ vì sự vô trách nhiệm sẽ làm tổn hại đến người khác và công ty, đó là điều không thể chấp nhận được trong tư duy làm việc của những xã hội văn minh, nơi họ đặt quyền lợi của tập thể lên trên lợi ích cá nhân để duy trì cộng đồng vững mạnh.

Ở Việt Nam, dường như tư duy đi làm chỉ là để kiếm tiền đang ngày một áp đảo.

Quả thật, công việc có thể đem lại cho chúng ta tiền bạc, đem lại cho chúng ta những thành công mà những lĩnh vực khác không đem đến cho chúng ta được.

Nhưng những thù lao vật chất hậu hĩnh hay địa vị có được luôn luôn đi cùng với sự cống hiến và tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ.

Khi chúng ta chỉ coi trọng tiền bạc, danh vọng do công việc mang lại mà ngại chịu đựng và thiếu tinh thần trách nhiệm, thì sẽ tự nhiên dẫn tới việc làm hình thức, chiếm dụng, lãng phí thời gian và tài nguyên của công ty.

Khi chúng ta chỉ thích hưởng thụ niềm vui và an nhàn khi làm việc và thiếu trách nhiệm, luôn miệng phàn nàn và đối phó để hoàn thành công việc, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy niềm vui trong công việc và đạt năng suất lao động cao.

Vậy nên nếu như tư duy của chúng ta chưa thay đổi thì dù một ngày có làm việc 8 tiếng hay 7 tiếng rưỡi thì cũng không đem lại được những thay đổi vượt bậc trong năng suất lao động.

Khi tư duy của về việc lao động là để làm gì, giá trị của con người chúng ta là ở đâu thay đổi, và rằng tiền bạc có phải là điều duy nhất khiến bạn bật dậy mỗi buổi sáng và muốn được tới sở làm không?

Thì lúc đó bạn sẽ tự khắc tìm được cách cải thiện bản thân, nỗ lực học hỏi, thay đổi thái độ tích cực với công việc… từ đó năng suất lao động chắc chắn sẽ có thay đổi theo, và việc đi làm không còn là nghĩa vụ “cày quốc” kiếm sống nữa.

Lúc đó, niềm vui là ở bản thân công việc, chứ không phải ở những mối lợi ích của nó. Và bạn sẽ được đền đáp xứng đáng, bởi:

Ai làm bằng gió thì sẽ được trả lương bằng khói

 

Nguồn: DKN.TV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC