Mới đây, khi nghe thông tin UBND TP Hà Nội định cử người đi học kỹ thuật cắt tỉa cây xanh, rất nhiều người đã thốt lên: "đi nước ngoài học những thứ đơn giản quá, người ta cười cho".

“Nói đi nước ngoài học cắt tỉa, trồng cây người ta, những bạn học nông nghiệp sẽ cười cho.”

Người nói câu này là một giáo sư tên tuổi,Giáo sư Nguyễn Lân Dũng,Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, nhân cái việc văn phòng UBND TP Hà Nội phát đi Thông báo về công tác cắt tỉa cây xanh và trồng mới thay thế trên các tuyến phố.

Trong cái thông báo đó,có nội dung cử cán bộ đi ra nước ngoài học tập ngắn hạn kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh.

Cụ thể thế này: “Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Công ty theo hướng: Thành lập các đơn vị cắt tỉa chuyên nghiệp; Thành lập các xí nghiệp trồng cây mới và phát triển cây giống; Thành lập các xí nghiệp quản lý cây xanh; Thành lập các đơn vị quản lý công viên, vườn hoa.

Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí chọn một số cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ về cắt tỉa đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh tại Singapore, Trung Quốc”.

Ra nước ngoài học trồng cây xanh, sao lại cười? - 0

Chẳng riêng giáo sư, vô số ý kiến phản đối khác cũng rộ lên trên mạng. Người ta cho rằng việc cử cán bộ đi ra nước ngoài học cắt tỉa cây là không cần thiết, lãng phí.“Ngay cả việc trồng cây mà cũng phải ra nước ngoài học tập thì không biết người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ở đâu?” - một bạn đọc thắc mắc.

Một vị giáo sư khác, PGS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng nói đại ý hiện nay trong nước có rất nhiều chuyên gia từng đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp hay quy hoạch kiến trúc đô thị, những người này hoàn toàn có đủ trình độ và hơn hết là hiểu biết về Hà Nội để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho quy hoạch đô thị.

Thay vì cử người đi học, các chuyên gia cần tập trung lại thành một nhóm, sử dụng chất xám để giải quyết những vấn đề khúc mắc trong quy hoạch đô thị, đặc biệt là vấn đề cây xanh.

Các vị ấy đều có lý cả, khổ nỗi, các chuyên gia ấy đâu? Trong vụ định chặt hạ 6.700 cây xanh năm ngoái, có bao nhiêu chuyên gia về cây xanh lên tiếng? Giá như lúc ấy, có các chuyên gia cùng lên tiếng mạnh mẽ về vụ chặt cây và quy hoạch cây xanh thành phố, thì tình hình có thể sẽ khác.

Rồi bộ mặt cây xanh thành phố hiện nay thế nào?

Hà Nội kém xanh kém đẹp so với hầu hết các thủ đô trong khu vực, chưa nói đến những nơi khác.

Rõ ràng ông Nguyễn Văn Chung nhận thấy vấn đề cây xanh của Thủ đô không ổn. Rằng ông biết về cây xanh Thủ đô ít quá (nên mới có vụ trồng cây mỡ tưởng cây vàng tâm hoặc trồng cây nhựa hoa nhựa lòe loẹt khắp mọi phố phường). Và ông cho rằng, để hiểu biết tốt hơn, phải cử người đi học.

Nghĩ thế, là đúng chứ?

Còn vụ đi học là lãng phí ngân sách. Còn khối chỗ để lên tiếng. Ai chẳng biết đề án của trung ương về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là đề án 165) đem lại kết quả thế nào và tiêu tốn thế nào.

Ví dụ, chỉ riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015 đã cử đến 170 đoàn, 800 lượt cán bộ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Bình quân ở Bộ này hơn hai ngày có một đoàn đi học.

Công tác bảo vệ môi trường nước mình cũng có nhờ thế tiến bộ lên đâu?

Và đâu có phải chuyện một bộ.

“Học những thứ quá đơn giản chỉ làm cho người ta coi thường người Việt Nam!” – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh như vậy.

Khổ, sao cứ phải sợ người ta coi thường, hoặc cười, vì mình đi học chứ. Không học còn bị coi thường hơn, một khi Thủ đô xấu thế này.

Chúng ta nên bắt đầu lại từ những thứ đơn giản, hơn là ngồi đó phê phán và sợ bị coi thường.

Theo Khám Phá




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC