Có kẻ cắp chuyên nghiệp, nhưng cũng có những người trình độ cao, thậm chí GS.TS, nhà khoa học, người nổi tiếng, cũng có tính trộm cắp vặt.

Chuyện không lạ

Trước việc, rất nhiều bồn hoa, chậu hoa được trồng trang trí xung quanh Hồ Gươm bị ăn trộm suốt thời gian qua, ngày 4/2, ông Phan Đăng Long- Nguyên Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho biết: "Thực ra có rất nhiều trường hợp đã từng xảy ra.

Cách đây vài năm khi Hà Nội làm đường phố hoa, xong người dân vào cũng phá hỏng hết. Vì thế nên sự việc xảy ra mới đây cũng không lạ.

Tuy nhiên, việc này cũng rất đáng buồn vì nhiều năm qua thành phố cũng đã rất chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục để xây dựng một hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường. Vậy mà vẫn xảy ra chuyện như vậy thì còn đâu những hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế".

Nói về nguyên nhân của hiện tượng trên, theo ông Long, phải xét đến những vấn đề dịch chuyển các dòng dân cư. Người Hà Nội là một cộng đồng trong đó có cả những người làm việc, sinh tồn có thể lâu dài hoặc thời vụ.

Mc dù đại bộ phận, phần lớn người dân thủ đô và những người mới nhập cư đều có ý thức bảo vệ của công, môi trường, cảnh quan, nhất là những điểm nơi công cộng, nhưng không thể nào tránh khỏi một bộ phận người dân vì lợi ích trước mắt, ý thức chưa cao, vì tư lợi, nên đã làm những việc xấu xí như ăn trộm vặt.

Bên cạnh đó, theo ông Long, từ xưa các cụ đã có câu: "Khóa thì khóa người ngay, không ai khóa người gian". Một hệ thống trang trí hoa như vậy, với lực lượng bảo vệ mỏng thì tất nhiên với những ai có máu ăn trộm, nhìn như vậy thì khó tránh được. Đó là hiện tượng bình thường ở xã hội.

Trộm hoa ở Hồ Gươm: Chuyện không có gì lạ - 0

Đáng sợ hơn đó là sự vô cảm

Vị cựu quan chức chỉ thấy lạ khi có những người nổi tiếng ở Việt Nam vẫn cầm nhầm đồ của siêu thị nước ngoài, rồi bị đất nước họ bắt, thậm chí bêu tên trên các kênh thông tin, xấu hổ vô cùng. Thậm chí, có những người có trình độ văn hóa cao, có học thức, điều kiện kinh tế khá giả vẫn làm việc đó.

Ở góc độ khác, ông Long nói: "Đáng sợ nhất, theo tôi lại là việc khác, sự việc xảy ra trước mắt bao nhiêu người, nhưng ai cũng thờ ơ, vô cảm, không ai ngăn cản, vì đó không liên quan đến quyền lợi của mình''.

Ông lý giải, ai cũng có suy nghĩ, họ lấy hoa của nhà nước, lấy hoa của công ty, công viên không liên quan gì đến mình.

Người nhìn thấy không lên tiếng, không có hành vi ngăn cản, đó mới là điều đáng báo động nhất của người dân, tức là thờ ơ, vô cảm với hành vi xấu, vô cảm, mà thành phần này lại không hề nhỏ.

Để xử lý được việc này, ông Long khẳng định: "Phải giáo dục con người, tuyên truyền nâng cao ý thức là chuyện thường xuyên, Hà Nội đã và đang tiếp tục làm, chuyện đó không thừa.

Cái quan trọng hơn đó là ý thức chung của cộng đồng người dân, đều bất bình, phải có thái độ phản ứng tích cực với hành động tiêu cực đó, không thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, coi đó là việc chung.

Như ở bờ Hồ, có nhiều người nhìn thấy kẻ cắp ngang nhiên lấy, nhưng lại nghĩ, đây là tài sản của công, có khi nhắc nhở, phát hiện còn bị đánh, nên cứ mặc kệ. Cho nên phải tuyên truyền cho người dân không được ngoảnh mặt khi nhìn thấy tiêu cực, phải nhìn thẳng vào đó".

Châu An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC