Một khi đã hiểu rằng, con người, từ trong bản năng mạnh nhất của nó, là luôn khao khát làm giàu, thì lúc ấy công việc của nhà nước phải là tập trung tạo ra cơ hội, sự an toàn và lành mạnh cho cái khát vọng ấy.

Lòng ham muốn tài sản - tiền của vốn là bản năng của con người, nó đã luôn luôn và thường trực tự “phát động” trong mỗi cá nhân rồi; vì thế tôi nghĩ không cần phải ra lời kêu gọi nữa.

Đó là câu chuyện của hoạch định chính sách, tạo công ăn việc làm, mở ra các điều kiện để người dân làm ăn chân chính, có thu nhập xứng đáng và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Hãy nhìn vào thực tế, như các làng quê bây giờ, ngoài một bộ phận trung niên là đi làm công nhân trong các nhà máy xí nghiệp của các công ty gia công nước ngoài với đầy những thiệt thòi về điều kiện lao động và thu nhập, thì hầu hết thanh niên đều vắng bóng, chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Họ đang đi kiếm ăn đấy, tha hương cầu thực.

Họ muốn giàu lắm, nhưng chắc không dám nghĩ tới, vì được bữa sáng đã lo bữa chiều còn chưa xong.

Các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn… đầy nhóc người ngoại tỉnh, cuộc sống tạm bợ, đắp đổi tuồng như không có ánh sáng, nhưng họ vẫn đi, phải đi, đi mãi... Làm thuê trong nước, nói vậy nhưng không phải ai muốn cũng được nhận.

Khu nhà trọ công nhân có đến hơn 100 phòng trọ sát bên khu công nghiệp Nam Tân Uyên Bình Dương. 

1 Ai Cung San Cai Khao Khat Lam Giau Nhung Lam Gi De Giau Thi Khong Biet

Buổi sáng, khi công nhân vào khu công nghiệp đi làm, ở nhà trọ chỉ còn trẻ nhỏ và người lớn tuổi.  Ảnh: Đình Trọng

Rồi đi xuất khẩu lao động, để lại con thơ ở quê nhà, xếp hàng dằng dặc từ năm này qua năm khác, mong được tư bản Hàn Quốc, Nhật Bản và thế giới “bóc lột”. Không ít người phải tìm cách vượt biên đi lao động bất hợp pháp ở nhiều quốc gia. Vụ 39 người trong container năm nọ là một bằng chứng hùng hồn cho “phong trào” làm giàu đau đớn mà không cần phát động đó.

Không người Việt nào ngồi yên cả.

Những ai không còn sức để đi xa thì cày cuốc nhặt nhạnh trên đồng, đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi…đít mong kiếm miếng ăn qua ngày.

Ai cũng sẵn cái khao khát làm giàu, nhưng làm gì để giàu thì không biết. Đồng ruộng thì nhỏ hẹp, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Trung Quốc đóng cửa thì lợn, dưa, sầu riêng, thanh long…đổ thối ở cửa khẩu.

Trồng vài sào lúa để ăn thì khi thu về, trừ tiền máy cày, máy gặt, phân tro, giống má, thuốc thang, thấy âm cả triệu đồng. Nuôi gà nuôi lợn thì sau khi xuất chuồng, mang tiền đến tiệm cám thanh toán, không đủ, vì cám đắt quá.

Bán gian hàng tạp hóa thì hôm nay thị trường vào, ngày mai phòng cháy tới, bữa nọ thực phẩm ghé…, để làm gì thì ai cũng biết.

Sắm cái xe chạy trên đường thì xăng cao, phạt nặng, BOT nhiều…

Thế là đổ phân hóa học và thuốc trừ sâu ngập đồng, vượt biên đi làm chui, bán hàng giả, chở quá tải và mãi lộ, lừa đảo đầu tư, lừa đảo online…

Rồi hàng nghìn tấn thực phẩm giả được sản xuất để bán cho hàng triệu người, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sống dở chết dở, ngửa mặt lên trời mà than “Ai cho tao lương thiện”!

Nhà nước phải có hoạch định chính sách để người nông dân sống được bằng đất đai trồng tỉa, công nhân có thu nhập tốt, doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phải tạo ra được công ăn việc làm để nông thôn không còn được mùa mất giá được giá mất mùa, để đất đai không còn bị hủy diệt bởi phân hóa học và thuốc trừ sâu, để người dân không còn phải tha hương cầu thực, để công nhân được làm việc trong điều kiện lao động xứng đáng với hai chữ “con người”, để các hộ buôn bán nhỏ và doanh nghiệp không còn bị vòi vĩnh và bắt nạt…

Cái máu kiếm tiền và làm giàu luôn sục sôi trong huyết quản người dân, nhưng ruộng thì đang bị lấp dần để phân lô bán nền, nhà xưởng như lò than, tăng ca tối mắt tối mũi, chạy chiếc xe ra đường thì nơm nớp, gặp chuyện không biết kêu ai, đi làm cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất mà mấy đời đã sinh sống, nhưng chạy hết cửa này đến cửa khác, tiền bỏ ra đã mấy chục, nhưng vài năm không xong.

Nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ.

Giờ là lúc phải hành động rồi, không còn thời gian để “phát động phong trào” nữa.

Dù nóng lòng và âu lo, tôi vẫn hi vọng vào cuộc cải cách lần này, với “bộ tứ trụ cột”: Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.

Và theo tôi, trong 4 trụ cột này, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải đóng vai trò nền tảng, quyết định và dẫn dắt đất nước đi lên con đường văn minh.

Xã hội cần phát triển, người dân cần giàu có, nhưng tất cả chỉ có ý nghĩ khi được đặt trên nền móng của sự công bằng, bình đẳng, tử tế, an toàn và tôn trọng.

Nhà báo Thái Hạo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC