Trong khi hội Minh Thề ở Hải Phòng thiếu bóng quan, dân phải đóng giả làm quan thì ở hội phát ấn đền Trần, xe biển xanh nườm nượp.

 

Dân đóng giả quan, quan “xịn” đi mua ấn - 0

 

“Lễ hội Minh Thề ế khách”, báo chí đua nhau giật tít một cách đầy cay đắng, hay là chế giễu, cũng chẳng biết nữa.

Lễ hội Minh Thề ở đình làng Hòa Liễu huyện Kiến Thụy, Theo các vị bô lão của làng, trong lễ hội xưa, những người uống rượu tiết gà tuyên thề phải là các vị có chức sắc của vùng như chánh tổng, lý trưởng, trương tuần…

Người dân đứng ngoài quan sát và cùng hô vang “y như thề”.

Năm nào vào dịp Tết ra cũng có hai cái hội gần như tổ chức cùng ngày mà khác nhau 1 trời 1 vực, 1 bên thì vắng không có bóng quan chức, một bên thì nườm nượp đến mức phải có 2.000 cảnh sát bảo vệ vòng trong vòng ngoài.

Tuy nhiên năm nay, sau 13 năm tái lập lễ hội thì hội Minh Thề vẫn chỉ có người dân trong làng, vị quan chức cao nhất có mặt và đóng vai chủ tế để đọc lời thề chỉ đến cấp… trưởng thôn.

Người trong làng giải thích: “Họ chỉ giải quyết công việc hành chính và nhận chút phụ cấp, làm gì có gì mà tham nhũng”.

“Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử...”. Lời tuyên thệ vô cùng quyết liệt và vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, vì có thần linh chứng giám, lại là lời thề độc “lấy của công làm của tư thì thần linh đánh chết” thì thử hỏi xem có vị quan chức nào dám bén mảng đến thề đây?

Thế cho nên, hội Minh Thề cho dù được báo chí cổ vũ nhiều đến bao nhiêu, nhân dân tán thưởng nồng nhiệt thế nào, triệu năm nữa cũng ế vẫn hoàn ế. Dân vẫn phải đóng giả quan để đọc lời thề thể hiện sự trung trực và ngay thẳng trước thần linh.

Vậy còn quan chức đang đi đâu?

Cách hội Minh Thề 75km, cũng ngày 14 tháng Giêng bắt đầu hội khai ấn Đền Trần, ngựa xe dồn về nườm nượp, Nam Định phải huy động 2.000 chiến sĩ công an ra để bảo vệ cho sự an toàn của lễ khai ấn và những ngày phát ấn sau đó bắt đầu vào sáng ngày Rằm tháng Giêng.

Chỉ qua sức hút của hai lễ hội cùng được tổ chức vào một ngày đã đủ biết tâm lý hám chuộng quyền chức đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt đến mức nào.

Người ta mê muội đến mức đạp lên để cướp lấy lộc may mắn từ bàn thờ, từ kiệu rước.

Nhưng cũng không trách họ được. Bởi thực tế cuộc sống đã chứng minh rất rõ ràng, rằng cứ có quyền có chức thì tức khắc có lợi có lộc.

Một người làm quan cả họ được nhờ như những dòng họ làm quan ở Mỹ Đức (Hà Nội) hay ở Quỳ Châu (Nghệ An). Không có lợi lộc thì ai lại nhọc công mà chen nhau làm “công bộc” cho dân mà làm gì?

Ở một xã hội mà hội Minh Thề không tham nhũng, ai lấy của công làm của tư sẽ bị thần linh đánh chết vắng hoe, ế ẩm, dân phải đóng vai giả làm quan, còn ở hội phát ấn hòng thăng quan tiến chức thì trèo lên đầu lên cổ nhau, thì chúng ta còn trông mong điều gì hơn thế?

Tham nhũng là đương nhiên, bởi không ai dám thề mình trong sạch, không tham nhũng. Quyền chức là cái bả vinh hoa phú quý mà ai cũng muốn có phần, giành giật nhau để cướp lấy cho mình không từ một thủ đoạn nào.

Đức tin nào thì con người đó, lễ hội nào thì xã hội đó.

Tôi đọc trên mạng, có người còn… ngây thơ khi bày tỏ mong muốn đề nghị Bộ VHTTDL nâng tầm lễ hội Minh Thề thành lễ hội cấp Quốc gia để bắt buộc các vị quan chức phải có mặt, phải thề bồi không tơ hào của ngân sách cho dù chỉ là cây kim sợi chỉ. Nghe đã biết là khó khả thi rồi.

Hội Minh Thề, triệu triệu năm nữa cũng vẫn ế khách mà thôi.

  • Mi An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC