ảnh bài Du học và hoa hồng - 0

Huỳnh Thị Ngọc Hân Thạc sĩ PR & kinh doanh quốc tế

Cuối tuần rồi, trong lúc dọn dẹp nhà tôi tìm thấy một số hóa đơn học phí từ năm 2010. Tôi đã giữ lại những hóa đơn này cùng với một số giấy tờ khác trong một chiếc hộp để lưu lại kỷ niệm về những tháng ngày du học của mình.

Lúc đó giá mỗi đôla Australia (AUD) chỉ khoảng hơn 10.000 đồng, trong khi mỗi USD khoảng 17.000 đồng. Tôi dự trù mình sẽ có đủ khả năng trang trải chi phí trong 2 năm học tại Australia theo kế hoạch ban đầu. Nhưng không lâu sau đó, từ khoảng cuối năm 2009 đến 2010, giá AUD tăng cao đột ngột, có thời điểm vượt giá USD, và nếu tính theo tiền VND thì mỗi AUD đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm tôi lên kế hoạch du học. Điều đó có nghĩa là số tiền tôi tính ban đầu chỉ đủ trang trải được một nửa thời gian tôi cần để hoàn thành khóa học. Lúc đó rất nhiều du học sinh, nhất là những bạn du học bằng kinh phí tự túc, gặp rất nhiều khó khăn và áp lực về tài chính.

Nhiều năm qua khi tư vấn du học cho các bạn trẻ, tôi nhận thấy phần lớn những bạn ở các nước đang phát triển thường có khuynh hướng tưởng tượng ra những điều tuyệt vời khi du học mà bỏ qua hoặc xem nhẹ những nghiên cứu thực tiễn về cuộc sống và những áp lực mà các du học sinh phải đối mặt. Một số gia đình, nhất là ở nông thôn, vẫn tin rằng làm việc ở những nước phát triển như Australia, Mỹ, Anh... sẽ kiếm được rất nhiều tiền, dư sức trả học phí và thậm chí còn có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Với kinh nghiệm thực tiễn du học tại Australia, tôi có thể chia sẻ rằng đây là một ngộ nhận hết sức tai hại. Trong số hàng chục nghìn sinh viên quốc tế mà tôi từng gặp, con số những người có thể tự trang trải tất cả mọi chi phí cho việc du học bậc cao là cực kỳ hiếm. Chưa kể, những bạn này có thể đã đánh đổi nhiều thứ còn giá trị hơn số tiền ít ỏi mà họ đã kiếm được.

Tôi sẽ tính lại một phép tính đơn giản về chi phí và thu nhập mà một du học sinh có thể kiếm được tại Australia trong năm 2010 – thời điểm tôi đang theo học thạc sĩ tại đây. Tổng học phí lúc đó là 22.000 AUD, tổng chi phí sinh hoạt trung bình là 18.000 AUD, phí bảo hiểm y tế khoảng 500 AUD như vậy tôi cần tối thiểu 40.500 AUD mỗi năm để duy trì cuộc sống và học tập. Trong khi đó, tôi làm nhân viên văn phòng tại một công ty với mức lương 15 AUD mỗi giờ, mỗi tuần tôi được làm tối đa 20 giờ, mỗi năm 52 tuần nếu chịu làm không nghỉ phép tôi kiếm được 15.600 AUD mỗi năm. Rõ ràng, số tiền đó chỉ gần đủ để trang trải sinh hoạt phí tối thiểu chứ chưa thể đóng học phí được đồng nào. Trên thực tế, tôi có thể làm toàn thời gian trong thời gian nghỉ lễ và thu nhập có thể cao hơn con số trên chút ít, nhưng chênh lệch không quá lớn để có thể trả hết các chi phí cần thiết. Hiện tại, bài toán về chi phí du học vẫn có thể được áp dụng với phép tính đơn giản như trên và chỉ cần điều chỉnh mức học phí và sinh hoạt phí cho từng năm.

Nếu áp lực về tài chính chỉ đè nặng trên vai những du học sinh tự túc trong những gia đình có mức thu nhập tương đối, thì áp lực về việc học và văn hóa hầu như du học sinh nào cũng phải đối mặt. Ngoài việc phải sử dụng tiếng nước ngoài như ngôn ngữ chính thức, bài vở đến hạn nộp, thi cử, tiếp cận và trải nghiệm những giá trị văn hóa và môi trường sống khác, khủng hoảng về thời gian, tâm lý, cân bằng giữa học tập, việc làm và giải trí là những thử thách không hề đơn giản với du học sinh. Con đường để khẳng định giá trị bản thân nơi đất khách vì vậy chỉ có thể tính bằng năm tháng.

Với những bạn đang có ý định du học, tôi mong các bạn dành thời gian vạch ra kế hoạch phù hợp với khả năng tài chính, học lực và mục tiêu của bản thân một cách kỹ càng. Có rất nhiều nguồn thông tin các bạn có thể tiếp cận và tham khảo trước khi quyết định du học. Không có một khuôn mẫu chung có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp, vì vậy nếu bạn sử dụng dịch vụ tư vấn hoặc tham khảo từ người khác, hãy chủ động kiểm chứng thông tin về những gì mình nghe thấy và cân nhắc một lựa chọn phù hợp với bản thân mình nhất. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được những rủi ro có thể xảy đến trong thời gian du học và nếu có, bạn cũng sẽ chủ động hơn để đối mặt với những thay đổi không lường trước.

Xem lại những hóa đơn học phí và những giấy tờ liên quan tôi thấy hành trình du học của mình cũng giống như việc dùng tay hái một cành hoa hồng rất quyến rũ nhưng cũng đầy gai góc. Chúng có thể chỉ làm xây xước một chút với những người từng trải, nhưng cũng có thể bật tươm máu với những ai ít kỹ năng, trong khi những người có nhiều điều kiện và tài chính dư dả có thể chỉ cần mua một cây kéo hoặc một đôi bao tay dày mà hái thật thảnh thơi. Cách nào cũng có cái giá của nó, nhưng tôi luôn tin tưởng rằng những ai dám dấn thân và không bỏ cuộc thì đều được phần thưởng của riêng mình: một tương lai đầy tự chủ khi có trong tay kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm sống trong môi trường đa dạng về văn hóa và tư duy.

Huỳnh Thị Ngọc Hân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC