Sau vụ hiệu trưởng chém người gây thương tích thì đến vụ hiệu trưởng nói sẽ đánh sập 1 tờ báo.

 

Hiệu trưởng dọa đánh sập báo,công an vác tiền “mua” im lặng - 0

Cuộc sống của chúng ta liệu có phải ngày càng gia tăng bạo lực, và điều đáng ngại hơn là bạo lực không chỉ xuất hiện trong giới “xã hội đen” mà đã leo cao hơn vào các tầng lớp có địa vị trong xã hội.

Đặc biệt nổi lên gần đây là 2 vị hiệu trưởng thuộc diện “thứ dữ”.

Ông thứ nhất là Nguyễn Vinh Tâm, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Lômônôxốp ở Hà Nội, mới bị Công an quận Nam Từ Liêm khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích vì vị này dùng dao chém người.  

Nạn nhân là ông Nguyễn Đoàn Bộ, nhân viên bảo vệ Công ty Tu Tạo, bị chém đứt gân ngón tay trong quá trình xô xát với ông Vinh Tâm.

Ông thứ hai là TS. Đinh Ngọc Hiện - Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây (Hà Nội).

Số là sau khi báo Lao động thủ đô đăng tải bài viết về việc nhà máy trộn bê tông quy mô lớn bỗng dưng “mọc” trong khuôn viên trường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân xung quanh và công việc học tập, giảng dạy tại trường.

Ông tiến sĩ này cho rằng phóng viên “chọc ngoáy” và sẽ sẵn sàng cho sập tờ báo đăng tải về vụ việc.

Ngoài việc dọa đánh sập tờ báo Lao động thủ đô, ông Hiện còn lăng mạ phóng viên một tờ báo khác, ông nói: “Các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra ... Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn. Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!".

Trước đó, ông Hiện còn đe dọa sẽ gọi “thằng” nọ “thằng” kia là quan chức cấp cao để trấn áp Tổng biên tập báo.

Bên cạnh vụ này, chúng ta còn có một tin tức khác cũng “vui” không kém, đó là một nhóm cán bộ công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã bị người dân ghi âm, quay clip các cuộc nói chuyện gợi ý việc chung chi và nhận tiền để ‘chạy’ tại ngoại cho các nghi can trong một vụ đánh bạc.

Khi biết bị lộ, một cán bộ công an huyện đã “vác” tiền đến nhà người tố cáo xin tha.

Báo chí cho biết, ông L.- người đứng ra tố cáo vụ việc kể lại, cán bộ công an huyện này đã liên tục nhắn tin xin xỏ, nhắc đến việc đưa số tiền 500 triệu đồng để xin ông không tố cáo.

Tất cả tin nhắn ông L. đều lưu lại làm bằng chứng gửi đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, phản ứng của công an huyện là cho rằng tin nhắn là do ông L “gài bẫy”, 1 trong 3 cán bộ đã bị cách chức, điều chuyển công tác về làm công an thị trấn nhưng là do vụ việc khác chứ không liên quan đến vụ tố cáo này.

Đó chỉ là 1 vài nét chấm phá để chúng ta có thể hình dung ra một bức tranh.

Kẻ thì hành xử côn đồ, người thì nói năng quàng xiên, chợ búa, vô văn hóa, lại có những kẻ làm công an nhưng bị tố là nhận tiền “chạy tại ngoại” cho nghi can đánh bạc, rồi mang tiền đi để “bịt miệng” người khác.

Mà lạ một nỗi là những kẻ như thế, lại có địa vị trong xã hội, nào là hiệu trưởng, nào là tiến sĩ, nào là cán bộ công an huyện, toàn là những người đứng trên dân, những vị hiệu trưởng kia còn là “tấm gương” dạy dỗ biết bao học trò. Những người khoác áo cảnh phục của ngành công an kia, là những người đại diện cho luật pháp.

Thấy gì từ những vụ việc như vậy? Một lối hành xử quân hồi vô phèng, bất tuân luật pháp của những người đang thay mặt luật pháp. Nó càng chứng tỏ rõ hơn một điều về sự nhộn nhạo, bát nháo đã trở thành một khía cạnh không thể phủ nhận trong xã hội hôm nay.

Nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận, vẫn phải ngậm đắng nuốt cay vì những trường hợp như thế hóa ra cũng là… bình thường.

Mới hôm qua, báo chí lại kêu ầm lên vụ 1 thanh tra giao thông của Sở GTVT Bình Thuận lớn tiếng mắng mỏ khi nói chuyện trước hàng trăm con người: “Làm việc mà dân bu quanh thế này không được, dân là dân gian”.

Một phát ngôn quá đảo điên. Cứ tình hình này, chẳng biết là nên thay các cán bộ kể trên hay thay béng dân đi, thưa quý bạn đọc?

  • Mi An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC