Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty đường sắt VN kiểm điểm vụ mua toa tàu cũ Trung Quốc, nhưng các lãnh đạo này nhất quyết không nhận.

 

Mua toa xe cũ không nhận lỗi, lá thư của người Nhật - 0

Ngày hôm qua, mạng xã hội bình luận khá sôi nổi về 2 vụ việc cùng liên quan đến việc nhận lỗi và xin lỗi.

Vụ thứ nhất liên quan đến Tổng Công ty đường sắt VN về vụ mua toa xe cũ của Trung Quốc.

Vụ thứ hai là thứ xin lỗi rất cảm động, chân thành của ông Tango Hirosuke, 77 tuổi, giám đốc công ty Tango Candy, từng “nổi tiếng” trên báo vì bị khủng bố bằng cách đổ đất sét lấp cổng tại KCN Tân Đức (Long An) tuần trước.

Điều đáng nói là trong khi Bộ GTVT đã 2 lần yêu cầu lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt VN kiểm điểm nhận trách nhiệm về vụ mua toa tàu Trung Quốc cũ, tuy nhiên, cả 2 lần đều nhận được văn bản hồi đáp do ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký cho rằng:

Hội đồng thành viên không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật. Đồng thời, cũng không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật lãnh đạo nào của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Nếu nói theo ngôn ngữ của cư dân mạng bây giờ thì lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đúng chuẩn những “thanh niên cứng”. Họ thật là bản lĩnh, không nhận trách nhiệm, không kiểm điểm, cũng không đề xuất hình thức kỷ luật như cấp trên yêu cầu.

Mà họ làm thế cũng phải thôi, bao nhiêu vụ to tày trời trước đây sờ sờ còn đó. Chẳng hạn vụ ụ nổi của Vinalines nhập với giá trên sổ sách là 500 tỷ về giao bán với bán phế liệu 34,8 tỷ, vừa xong có đại gia phế liệu phóng tay trả hẳn 1 tỷ đồng. Nghe nói tiền công để phá dỡ cái ụ nổi đó ra bán phế liệu còn đắt hơn tiền của chính nó. Những vụ việc còn sờ sờ ra đó, giờ có mấy chục cái toa tàu cũ nhập từ Trung Quốc, đã ăn thua gì mà bắt kiểm điểm với nhận trách nhiệm?

Ấy là chuyện lãnh đạo một tổng công ty lớn ở nước ta. Còn đây là chuyện công dân Nhật Bản. Ông giám đốc công ty Tango Candy, 77 tuổi, người vừa bị khủng bố, chơi xấu, xử ép theo kiểu côn đồ từ Công ty Tân Đức, mới đây đã gửi 1 lá thư xin lỗi làm xôn xao cộng đồng mạng.

Trong thư, ông Tango Hirosuke viết:

“Tôi là Tango Hirosuke- một người Nhật có 25 năm sinh sống tại Việt Nam và có vợ cùng 2 con gái tại đất nước này.

Trước hết tôi xin gửi lời xin lỗi đến các bạn vì đã dành thời gian đọc bức thư này, cũng như quan tâm đến sự việc công ty Tango Candy ở Long An bị đổ đất chặn trước cửa, cúp nước... trong thời gian vừa qua.

Tôi cũng đã gửi lời xin lỗi đến đại diện 500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong một cuộc gặp gần đây. Vì tôi mong vấn đề của cá nhân tôi, công ty tôi sẽ không làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ tốt đẹp của họ về Việt Nam và người Việt.

Với chuyện của cá nhân tôi, công ty tôi đã làm ảnh hưởng đến thời gian của mọi người; tôi chỉ mong một sự thỏa thuận với công ty Tân Đức trên các cơ sở pháp luật và ứng xử văn minh. Và tôi hoàn toàn không mong muốn sự việc nhỏ bé của mình làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt- Nhật được xây đắp mấy mươi năm nay.

Mọi chuyện đã lớn lên ngoài ý muốn của tôi…

Vậy đấy, một công dân Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư làm ăn, bị chủ khu công nghiệp chèn ép, chơi bẩn, đổ đất sét lấp cổng, thiệt hại 4 tỷ đồng chỉ trong vài ngày cúp nước, chặn đường, bị lãnh đạo địa phương sở tại quay lưng thờ ơ. Thế mà sau tất cả những sự việc lùm xùm trên, ông tự tay thảo một lá thư xin lỗi.

Ông xin lỗi vì những chuyện ngoài ý muốn của mình có thể gây tổn hại đến mối quan hệ của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với người Việt. Ông xin lỗi vì đã làm phiền tới những người đã quan tâm tới vụ việc trong thời gian vừa qua. Ông cảm ơn những công nhân người Việt đã không rời bỏ ông, luôn ở bên ông những lúc khó khăn.

Đọc lá thư của ông Hirosuke, những người Việt còn có lòng tự trọng, hẳn sẽ thấy muôn phần xấu hổ, xấu hổ thay cho những kẻ côn đồ đã dựa oai ai đó để hành xử man rợ, mông muội với một người Nhật Bản đáng kính. Xấu hổ thay cho cái văn hóa trơ lì không biết nhận lỗi của rất nhiều người Việt, rất nhiều quan chức Việt.

Đặt hai sự việc này cạnh nhau, chắc quý bạn đọc cũng như tôi, đã hiểu được vì sao chúng ta đang đì đẹt ở đây, đang tụt lại phía sau, đang bì bõm lội trong một cái ao tù.  

Tác giả Mi An - BAODATVIET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC