Cá nhân tôi không hâm mộ nhưng đánh giá cao TBT Tô Lâm, người khởi xướng cuộc cải cách hành chính. Lâu, rất lâu mới có một lãnh đạo chóp bu không mắc bệnh "kiêu ngạo cộng sản".
Ông Tô không hỏi "đất nước đã bao giờ được thế này chưa" mà dám nhìn trực diện vào bộ máy luộm thuộm kém hiệu quả trầm kha nhiều thập kỷ.
Đây đơn thuần chỉ là một cuộc sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Và từ phía nhân dân, tôi cảm thấy vui mừng. Bởi vì bớt đi một ông bí thư, chủ tịch xã huyện tỉnh là bớt đi một kênh lương lậu xe pháo; bớt đi một vài cấp phó và cả một hệ sinh thái quan hệ tiêu tốn tiền bạc, cảm xúc của nhân dân.
Cải cách hành chính đồng nghĩa với việc xây dựng một chính quyền điện tử bớt hành dân hơn. Địa giới hành chính rộng lớn, tỉnh lỵ ở xa nên hành chính phải ở trong tâm thế phục vụ, giấy tờ hiếu hỉ sinh tử nhà đất phải phục vụ đến tận nhà dân.
Không có cuộc sắp xếp giang sơn nào cả.
Sông vẫn đó, núi vẫn kia. Mỗi hòn đá viên sỏi mang một câu chuyện riêng, mỗi địa danh mang một nỗi bùi ngùi. Tất cả đều gạt lòng riêng mà thay tên đổi họ vì đại cục.
Để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao đó, chính thể phải tạo ra sự đổi thay thể chế lớn lao tương xứng. Mỗi tên gọi mới phải mang một sứ mệnh mới, xác định lại tiềm lực tài nguyên kinh tế, phân bổ dân số và lao động, phúc lợi xã hội... sao cho xứng đáng với từng đồng thuế mà nhân dân phải đóng.
Xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là một cuộc cải cách hành chính và kết quả vẫn nằm ở thì tương lai. Mỗi con người chỉ là hạt bụi trong điệp trùng lịch sử, không một ai được quyền vỗ ngực sắp xếp giang sơn, kể cả vua.
"Sắp xếp giang sơn" là một thuật ngữ sáo rỗng và đại ngôn.
Vốn dĩ xưa nay, vua ưa nghe siểm nịnh là một tín hiệu của sự sụp đổ vương triều. Nếu tin rằng ông Tô Lâm là một nhà kỹ trị tài ba, thì hãy để yên cho ông ấy làm!
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường