Vội gửi xe ở sân bay, bãi giữ xe chung cư để đi công tác hoặc về quê tránh dịch, nhiều người tại TP.HCM lo lắng khi nghĩ về hóa đơn tiền triệu sau 3-4 tháng.  

Mắc kẹt ở quê hoặc bị hạn chế đi lại bởi giãn cách, nhiều người gửi xe tính tiền theo giờ, theo ngày nhưng 3-4 tháng vẫn chưa thể lấy ra khỏi bãi.

Không ít người cho biết với mức giá hàng chục nghìn/ngày, họ sẽ tốn tiền triệu phí giữ xe, thậm chí không dám nghĩ tới ngày lấy xe về.

Xe 'mắc kẹt' hơn nửa năm

Đầu năm nay, Lâm (27 tuổi) có chuyến công tác tại Huế, Đà Nẵng. Đến ngày 29/3, anh nhận tin vợ nhập viện, được chẩn đoán sinh non nên phải trở về nhà ở TP.HCM gấp.

1 Ton Tien Trieu Khi Gui Xe Trong 4 Thang Gian Cach

Chiếc xe máy được Lâm gửi lại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.

Anh lên chuyến bay lúc 18h khởi hành từ sân bay Đà Nẵng đến sân bay Tân Sơn Nhất và nhờ đồng nghiệp lái xe ôtô của mình trở về.

Trong khi đó, chiếc xe máy của bạn anh phải gửi lại sân bay Đà Nẵng.

"Mình lật đật về nên gửi xe tạm ở sân bay và dự định một tháng quay ra lấy. Ai ngờ cuối tháng 4, TP.HCM bùng dịch và kéo dài luôn đến giờ. Dù xe của bạn nhưng vì mình nhờ người ta giúp nên chắc chắn tiền gửi xe mình sẽ chịu", Lâm nói với Zing.

Sau khi đọc tin tức về việc tiền giữ xe trong đợt dịch có thể lên đến hàng triệu đồng, anh không khỏi lo lắng.

"Theo mình biết thì đợt dịch trước sân bay ở Đà Nẵng có chấp nhận hỗ trợ cho người gửi xe lâu. Đợt này thì không biết sao".

Hiện tại, Lâm đã lưu ảnh vé máy bay, giấy ra viện của vợ, chứng sinh của con và nhờ bạn ở Đà Nẵng chụp hình xe lúc gửi để liên hệ ban quản lý sân bay xem xét hỗ trợ trường hợp của mình.

Bay từ TP.HCM ra Hà Nội công tác vào ngày 28/6, Ngọc Chiến phải gửi xe máy tại sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đó đến nay, do dịch bệnh bùng phát, anh chưa thể bay vào lại để nhận xe.

Sau khi đọc tin tức về việc chủ xe mất tiền triệu sau vài tháng mắc kẹt vì dịch, Ngọc Chiến khá lo lắng.

"Dù vậy thì cũng phải chấp nhận thôi. Nếu người ta giảm cho thì tốt còn không cũng chẳng biết làm sao", anh nói.

Tốn tiền triệu giữ xe trong 4 tháng giãn cách

Đầu tháng 8, N.T. bắt đầu làm việc theo quy tắc “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) của công ty ở thành phố Thủ Đức.

Vì bắt buộc ngồi xe đưa rước của công ty, N.T. phải chạy xe máy từ nhà riêng đến điểm đón xe ở quận Tân Bình, sau đó gửi xe tại một bãi giữ gần đó.

"Bãi giữ xe thông báo chỉ nhận xe theo ngày với giá 16.000 đồng/ngày, không nhận gửi theo tháng. Nhưng lúc đó vì gấp quá nên không còn cách nào khác mình đành phải gửi lại", anh kể.

Tuy nhiên, điều N.T. không ngờ đến là thời gian làm việc tại chỗ lại kéo dài đến gần 2 tháng do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngay khi TP.HCM nới lỏng giãn cách vào ngày 1/10, N.T. đến bãi lấy xe và nhận được hóa đơn 880.000 đồng cho 55 ngày gửi.

"Nhà xe có giảm 80.000 đồng và mình phải trả 800.000 đồng còn lại. Hôm đó, nhiều người khác cũng giống như mình, dù xót tiền, cũng phải chấp nhận trả vì đã được thông báo tiền gửi tính theo ngày từ trước".

2 Ton Tien Trieu Khi Gui Xe Trong 4 Thang Gian Cach

Nhiều người lo lắng phí gửi xe sau 3-4 tháng mắc kẹt ở quê. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tương tự, Đ.Q., sinh viên theo học ở TP.HCM về quê Bình Định tránh dịch từ hồi tháng 5, cũng phải chấp nhận gửi xe tính phí theo ngày tại một bãi giữ xe chung cư ở thành phố Thủ Đức.

"Lúc đó mình vừa chuyển chỗ ở chưa làm được thẻ giữ xe của chung cư, người thân lại không có ai ở gần nên phải chấp nhận gửi tạm. Nhưng ai ngờ giờ hơn 4 tháng giãn cách rồi vẫn kẹt ở quê, chưa vào lại thành phố để lấy xe được".

Đ.Q. tính sơ đến hiện tại tiền giữ xe của mình đã hơn 1,5 triệu đồng. "Có thể trường mình sẽ phải học online đến hết học kỳ này. Trong trường hợp đó chắc mình phải nhờ người quen ở tận Bình Dương lên lấy xe về cất hộ, chứ cũng không thể để thêm vì tốn kém quá", nam sinh viên nói.

Huệ Lâm

Nguồn: zingnews.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC