Hành trình gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt thông qua việc dạy ngôn ngữ này cho con em cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại là cả một nỗ lực lớn. Những bậc cha mẹ, giáo viên người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đang cùng nỗ lực không ngừng để lan tỏa, gìn giữ tiếng Việt, truyền thống văn hóa Việt cho thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở xứ người...

Nhiều giáo viên dạy thiện nguyện ở các nước như Italy, Thụy Sĩ, Ukraine.. sau khi về nước tham gia khóa tập huấn phương pháp dạy tiếng Việt thì luôn kết nối với nhau để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và làm thế nào để duy trì các lớp tiếng Việt tốt nhất.

Bà Lê Thị Hường ở Nakhon Phanom, là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, rất yêu tiếng Việt. Bà kể, ngay từ nhỏ, bà đã được cha mẹ chỉ bảo và dạy cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho đúng. Rồi từ đó, bà trở thành giáo viên dạy tiếng Việt cho những thanh, thiếu niên người Việt chưa biết tiếng: “Chúng tôi dạy ở nhà, có phòng riêng, có bảng, có ghế cho các em học. Phong trào dạy tiếng Việt mới được khuấy động trở lại bởi Chính phủ Việt Nam có mời một số giáo viên về nước tập huấn giảng dạy tiếng Việt. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau để bàn bạc, truyền cho nhau những kinh nghiệm dạy tiếng Việt”.

Các em không chỉ được học tiếng Việt theo các chủ đề như: Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu, tìm hiểu 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; học những bài thơ chúc Tết ông bà, viết thiệp tặng người thân bằng tiếng Việt... mà còn tham gia các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc Việt như chơi các trò chơi dân gian với những khúc đồng dao, học làm diều và thi thả diều…

Anh Phạm Thanh Minh, sinh sống 30 năm ở Đức cho biết: Nhà anh có 3 con là Thanh Giáp, Gia Mẫn, Gia Bảo đều tham gia các khóa học tiếng Việt với mong muốn giữ gìn tiếng Việt, để các con không quên đi cội nguồn.

Các cháu đã theo học được 6 năm và đến nay đều nói và viết tiếng Việt thành thạo. Với sự yêu thương của thầy cô như cô Hương, cô Hà, cô Tâm… ở Trường tiếng Việt Sao Mai Berlin, các cháu càng yêu quý tiếng Việt hơn và đặc biệt thích tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Những lớp học tiếng Việt vô cùng ý nghĩa với cộng đồng người Việt.

42 1 Lan Toa Gin Giu Tieng Viet Cho The He Tre Song O Hai Ngoai

Những đứa trẻ háo hức khi được học tiếng Việt. Ảnh: NVCC.

Cô Phạm Gia Thịnh, gắn bó với phong trào thiếu niên, nhi đồng của người Việt ở Chemnitz gần 15 năm chia sẻ thêm: “Thực tế, các cô ở trường của Đức đều yêu cầu phụ huynh về nhà phải cho con nói tiếng Đức. Vì thế với một gia đình “Hai quốc tịch, Hai văn hóa” thì việc dạy tiếng Việt không hề đơn giản”.

Mong trẻ học tiếng Việt để hiểu văn hóa nguồn cội

Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mặc dù hành trình để dạy và học tiếng Việt ở xứ người vô cùng gian nan về địa điểm học tập, kinh phí hoạt động, giáo viên... nhưng bà con người Việt vẫn quyết tâm duy trì để gìn giữ tiếng Việt truyền lại cho lớp trẻ. Nhiều phụ huynh không chỉ hỗ trợ tinh thần mà còn cả vật chất.

Dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, cô trò lại tha thướt trong các tà áo mớ ba mớ bảy biểu diễn tiết mục văn nghệ cho bà con người Việt xem

: “Ngày xưa thế hệ tôi dạy các cháu hát thì bây giờ lớp trẻ cũng phát huy dạy dỗ các con cháu bằng tiếng Việt, đặc biệt phải hát thật nhiều bài hát tiếng Việt, hoặc biểu diễn những điệu múa, những hoạt cảnh về cội nguồn của mình. Tôi đã về Việt Nam và mua các vật dụng như: mẹt, quang gánh... mang sang Đức để làm đạo cụ dựng hoạt cảnh cho các cháu biểu diễn vào cuối tuần, rất vui” - bà Thịnh cho biết.

42 2 Lan Toa Gin Giu Tieng Viet Cho The He Tre Song O Hai Ngoai

Lớp học tìm hiểu về Tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: NVCC.

Chị Nguyễn Lan Hương chia sẻ:

“Những tiến bộ nho nhỏ mà các con đạt được sau mỗi buổi học cũng khiến tôi ngày càng thêm yêu nghề và tích cực tham gia vào các trung tâm giúp đỡ người nước ngoài để dạy tiếng Việt nhiều hơn. Tôi mong muốn sẽ vận động được thật nhiều gia đình Việt Nam ở đây cho con đi học tiếng Việt. Bởi nếu không nói được tiếng mẹ đẻ thì khó giữ được bản sắc dân tộc Việt ở nơi xứ người”.

Có thể nói, dù sống ở đâu và làm công việc gì, bận rộn vất vả đến mấy nhưng nhiều người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn không quên bản sắc văn hóa dân tộc mình, từng ngày, từng giờ nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ nơi xa xứ. Đúng như câu thơ các con nơi đây đã học: “Con ơi, con đã sinh ra/Trời Âu con sống cũng là quê hương/Nơi này bao nỗi thân thương/Bình yên con lớn quê hương xứ người /Niềm vui, nỗi nhớ, nụ cười/Tuổi thơ con học chữ người chữ ta/Rồi mai con sẽ nghĩ ra/Vì sao học chữ Việt ta thế này /Tiếng Việt chắp cánh con bay”.../.

 

Thu Hằng/báo TNVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC