Những người yêu thơ tại Cộng hòa Liên bang Đức, theo truyền thống - cứ mỗi năm "đến hẹn lại lên" -  gặp nhau một lần, ở những vùng miền khác nhau, trên quê hương nước Đức.

Và năm nay, mọi người đang nôn nao, ngóng chờ ngày gặp lại, tại thành phố Erfurt vào ngày 02/06.

42 1 Ngay Hoi Tu Tho Viet O Duc 

Nôn nao... ngóng chờ?

Những người yêu thơ, mỗi lần gặp nhau là một sự kiện ấm áp, nhiều kỷ niệm và tình cảm. Một không gian chung, đoàn kết và thân ái, không phân biệt ai từ đâu tới. Đến đấy, mọi người được gặp lại bạn cũ, được quen những người bạn mới. Tay bắt mặt mừng, nói cười rộn rã. Để rồi sau đó cùng nhau đi vào tĩnh lặng, trong một không gian trữ tình, lãng mạn và tao nhã của thơ và vì thơ.

Đó là một không gian "thánh thiện" của những người yêu thơ, sáng tác thơ, "tôn thờ" thơ và cả những kẻ bị thơ... hành. Những con người này được nhà thơ Hàn Mặc Tử gộp chung lại gọi là "loài thi sỹ", để phân biệt với "loài người thường", và phân biệt với các bậc... "hiền triết" trên cõi thế gian.

Chính vì vậy mà những người yêu thơ tại Đức đang rất mong ngóng, chờ đợi ngày gặp lại năm nay.

"Loài thi sỹ" không phải "loài bình thường"?

Chuyện kể rằng... Một chị yêu thơ và sáng tác thơ ở Berlin có lần thổ lộ, bị chồng chê (hay mắng) là quá... hâm. Khi nửa đêm bà rón rén bò ra khỏi giường, ngồi vào bàn viết, để... viết thơ. Bỏ ông nằm co ro giữa mùa Đông, tuyết giăng lạnh bên ngoài. Hay một chị đang bán hàng, thản nhiên bỏ mặc khách đứng chờ mua đồ. Chị chạy ra phía sau, chép vội mấy ý thơ vừa "xẹt" ngang qua đầu vì sợ để lâu sẽ quên mất. Chép xong mấy vần thơ đắc ý thì bà khách cũng đã dỗi, bỏ đi. Vừa khi ông chồng bước vô, thấy vậy, đưa hai tay lên trời, thảng thốt: Em đang... bị gì đấy? 

Rồi có một ông đang phóng xe trên xa lộ, cùng vợ, thì bất ngờ, mấy câu thơ tình yêu chợt lóe tới như một vì sao băng. Hứng chí, ông ngâm lớn lên, không để ý có bà bên cạnh. Kết quả bị vợ ghen vì tưởng ông đang tơ tưởng tới em nào.

Và lại có một câu chuyện một ông rất... mê thơ. Nhiều lần suy tư, tìm kiếm ý thơ để sáng tác, nên thường để vợ lao động vất vả một mình. Vợ bực quá phàn nàn, vô cùng kịch liệt. Kéo ông đang lang thang, thơ phú ở tận trên mây, xộc xuống trần gian thực tế:

Ông có "mài" thơ ra để mà ăn được không đấy?

Ông gặp tôi, bị cắn rứt lương tâm nên nhăn nhó: Chắc từ nay tôi... nghỉ làm thơ, để cùng giúp vợ kiếm cơm.

Còn một chị bạn đứng tuổi ở Berlin, kể chân chất với tôi về chồng chị: Khi nào tui thấy "ổng" lảm nhảm đọc thơ, ấy là lúc tui biết "ổng" đang "trúng bùa, trúng ngải" của một "cái con nhí" nào đó, trong chợ... Đồng Xuân rồi. Ủa, sao hâm hâm vậy, lại có đông cả một "loài thi sỹ"? Vâng, dĩ nhiên có lí do của nó.

Tôi nghĩ như thế này...

Dẫu cuộc đời có đủ mùi vị "ngọt - bùi - cay - đắng", nhưng thơ luôn vẫn là tiếng nói chân thật của con tim. Là sự thôi thúc được diễn đạt những "chuyện lòng", nhiều khi rất đỗi thầm kín của mỗi con người. Qua đó phá vỡ sự đơn độc, khẳng định sự hiện hữu chính mình.

Như triết gia Descarters đã nói: Tôi suy tư ấy là tôi hiện hữu. Mà ai từng sáng tác cũng thừa biết, khi làm thơ là phải... suy tư ghê lắm.

Và thơ là một phương tiện "hoà bình", để diễn tả sự xúc động thực sự của tâm hồn. Là sự yên tĩnh từ những ồn ào dữ dội, là sự sống dậy từ cõi chết, là hy vọng tràn trề từ thất vọng ê chề, là được đong đầy từ những thèm muốn khát khao, là sự êm dịu từ cơn đau đớn, là được nhận lại từ những cho đi, là tuổi trẻ thanh xuân ngay cả lúc tuổi già lụm khụm, là sự bình yên từ những cơn thịnh nộ, là ăn năn hối cải từ những tội lỗi sai lầm, là tình thương từ trong thù hận, là khoan dung từ những đố kỵ phũ phàng...

Người ta có thể kể không ngơi nghỉ tất cả mọi lí do, vì sao người ta yêu thơ, thích thơ và sáng tác thơ. Những động lực đó có sức quyến rũ kỳ diệu. Có "ma lực" thần kỳ. Có sức hút tưởng chừng như không bao giờ cưỡng lại được.

Và để hiểu, hay cảm nhận được những "hiện tượng như ma quái" đó, trên cõi thế gian chỉ có một số "loại" người có khả năng. Và phải thực sự là người yêu thơ mới có được.

Phải có những cơn cháy dữ dội hay âm ỉ với thơ. Có khả năng rung động dễ dàng với những cảnh đời, cảnh ngộ, số phận, nét đẹp của cuộc sống và thiên nhiên. Yêu mến lẽ phải và sự thật. Tôn vinh đạo đức, chối bỏ dối trá. Bênh vực công bằng xã hội và lên án bất công.

Đó là những điều rất "chân thiện" của cuộc sống. Bởi thơ, như đã nói, đó là những tiếng nói từ trái tim. Mà trái tim không có những lời nói dối.

Trái tim có những lí lẽ riêng của nó, mà lý trí không biết được - triết gia Pascal đã từng nói như vậy, mà những người đã từng ngập lặn trong mù quáng của tình yêu, ai cũng thuộc nằm lòng.

Bởi mỗi khi có lý trí chen vào, thì là có so đo hơn-thiệt, là có tính toán lợi-hại, là có tìm ra phải-trái, và nhiều khi đó là những thu lợi về mình, dành thua thiệt cho kẻ khác.

Lý trí tự nó không có chi là xấu, ngược lại là khác, vì sống không có lý trí thì rất dễ bị lâm nguy. Thế nhưng quá mức của lý trí, nó có thể tạo ra sự ích kỷ.

Lí lẽ của trái tim nó không hề như thế. Nhất là trái tim của "loài thi sỹ".

Mọi người muốn biết thêm, hãy đến tham gia, xem, nghe và thưởng thức... "Ngày Hội tụ thơ Việt ở Đức", được tổ chức tại 

Nhà hàng PEKING-CITY

Rudolstätter Str. 100

99099 Erfurt 

ừ 13 giờ ngày Chủ nhật 2/6/2019.

*

HỘI TỤ VỚI THƠ CA

Anh đến từ đâu, miền Nam hay miền Bắc?

Từ bờ sông Hồng hay sóng nước Cửu Long

Huế tím mộng mơ hay Nha Trang xanh sóng

Góc phố sương mờ, hay dốc núi mây bay...

 

Chị đến từ đâu, bên Đông Đức hay Tây?

Bên sông Spree, hay Donau màu xanh lá

Từ Rostock chiều về vui lời biển cả

Từ München, Stuttgart, hay Bonn...

 

Em đến từ đâu, mang đến nụ hôn?

Thơm gió mùa Thu đang về Chemnitz

Đường đến đây, dẫu xa mù mịt

Em vẫn chở về một chuyến xe Thơ...

 

Hội tụ về đây, hạnh phúc bất ngờ

Tay bắt, mặt mừng, nói cười rộn rã

Dù hương tóc chưa quen, và tình Thơ còn lạ

Tà áo dài bay... quấn quít nối tình thân...

 

Bài thơ em ngâm, đã hết nỗi bâng khuâng

Kết nối bạn thơ, trải đầy thương nhớ

Có phải Nàng Thơ đang mỉm cười rạng rỡ

Cùng chúng ta hội tụ với thơ ca

 

Đã hết rồi gió lạnh với mưa sa

Nghiên bút cũng hết sầu bên giấy trắng...

Cảm ơn em, bài thơ ngâm thương tặng

Cùng "Mái nhà Thơ" hạnh ngộ ở nơi nàyVề Berlin, trời đất vẫn còn say

Nhớ Chemnitz một ngày thơ hạnh phúc...

 

Sa Huỳnh (CHLB Đức)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC